Tô Hà/ Người Lao Động
Nguồn ảnh: Internet
“Điều kiện kinh doanh mang đậm dấu ấn của các bộ chủ quản; đặc điểm chung là can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp, yêu cầu về quy mô, can thiệp cả vào nguyên tắc thị trường”. Tác giả Tô Hà đã phản ánh đúng thực trạng. Điều kiện kinh doanh của các Bộ chủ quản là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp tư nhân. Mong sao Chính phú quan tâm sâu sát để giải quyết tốt vấn đề này.
"Chúng tôi rất sốt ruột vì quá trình rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đang chuyển động rất chậm. Các bộ dù đã công bố kế hoạch hành động nhưng không biết bao giờ thực thi" – ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét như vậy tại hội thảo công bố Báo cáo về ĐKKD và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do VCCI tổ chức ngày 30-6 ở Hà Nội.
"Giảm 10 thêm 7"
Theo VCCI, qua rà soát 243 ngành nghề được quy định ĐKKD hiện nay, VCCI tập hợp được tổng cộng 5.719 ĐKKD có hiệu lực. Về mặt logic, ĐKKD là nhằm ràng buộc, hạn chế và kiểm soát chủ thể kinh doanh. Công cụ này chỉ nên sử dụng trong trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể tác động đến trật tự công cộng. Tuy nhiên, nhiều ngành, nghề không nhận thấy tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng, có thể quản lý bằng công cụ khác nhưng vẫn đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện như dịch vụ mua bán nợ; xuất khẩu gạo; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển… Với cách quy định như vậy, ĐKKD đang giết chết doanh nghiệp (DN), cản trở DN tham gia thị trường và tạo độc quyền cho một nhóm DN khác.
Xuất khẩu gạo là lĩnh vực còn nhiều quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp Ảnh: Ngọc Trinh
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, đánh giá trong nhiều lĩnh vực thực hiện cải cách thì giảm ĐKKD được xem là có hiệu quả, "giảm 10 tăng 7", chứ không đến mức "giảm 3 tăng 10" như tình trạng chung. Về mặt pháp lý có nhiều đột phá trong giảm ĐKKD, giải pháp cũng quyết liệt nhưng lại bị bóp méo, hạn chế do các quan điểm cải cách nửa mùa, thỏa hiệp. Nguyên nhân do bộ, ngành không muốn bỏ ĐKKD, thậm chí DN cũng không muốn bỏ. Rõ nhất là lĩnh vực kinh doanh nhập khẩu ô tô, xăng dầu, xuất khẩu gạo, 99% DN muốn bỏ ĐKKD nhưng tiếng nói không có sức nặng bằng 1% DN muốn giữ lại để hạn chế sự tham gia của DN mới. Bên cạnh đó, ĐKKD trá hình đang phát tán dưới 4 hình thức: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục hành chính và quy hoạch. "ĐKKD chính thức và trá hình đang oanh tạc, gây khó dễ cho DN. Chúng tôi là luật sư chuyên tra cứu, viết sách, góp ý chính sách pháp luật mà còn không thể tìm được ĐKKD thì DN khởi nghiệp, hộ kinh doanh và DN nhỏ không thể không vi phạm" – luật sư Đức nhìn nhận.
Ông Nguyễn Quang Vinh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương – CIEM) cho rằng hiện tượng DN thành lập nhiều nhưng cũng bị "khai tử" nhiều trong thời gian qua có nguyên nhân từ ĐKKD gây khó khăn cộng với quyền hành xử của cơ quan thực thi, tạo ra chi phí lớn khiến DN không thể vượt qua. Thường thì DN mới sử dụng công nghệ cao nhưng họ không tham gia được vào thị trường, trong khi DN đã bước qua "rào cản" thì vẫn hoạt động với công nghệ cũ. Đây là nguyên nhân khiến năng suất lao động của DN không được cải thiện. Theo ông Vinh, Chính phủ cần có nhóm chuyên trách từ cấp trung ương về ĐKKD mới có thể cải cách được vì công việc này gặp rất nhiều cản trở.
Nhà nước quá "bao đồng" ?
Báo cáo của VCCI đánh giá khi khoanh vùng, tập trung rà soát ĐKKD của 3 bộ Công Thương, Giao thông Vận tải (GTVT), Khoa học và Công nghệ (KH-CN) là các lĩnh vực đang "nóng" do nhận được nhiều phản ứng của DN trong thời gian gần đây cho thấy ĐKKD mang đậm dấu ấn của các bộ chủ quản. Đặc điểm chung là can thiệp sâu vào quyền tự quyết của DN, yêu cầu tính quy mô, can thiệp cả vào nguyên tắc thị trường. Chẳng hạn, Bộ GTVT quy định chỉ có 5 loại hình kinh doanh vận tải, một DN kinh doanh vận tải phải có số đầu xe tối thiểu, mỗi chuyến chạy hợp đồng phải báo cáo cho cơ quan quản lý… Do đó, khi xuất hiện Grab và Uber thì lúng túng không biết xếp vào hình thức kinh doanh nào, quản lý ra sao.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho rằng đặt ra nhiều ĐKKD vì nhà nước thiếu tin tưởng DN, quan niệm DN có thể trốn thuế, lách luật, làm ăn không đàng hoàng. Bên cạnh đó, nhà nước quá "bao đồng", muốn lo từ A-Z với mong muốn tốt nhất nhưng không đủ sức làm. Từ trường hợp Uber, ở góc độ người tiêu dùng, bà Loan đề nghị nên ủng hộ vì đây là xu hướng hiện đại. "Thay vì cấm đoán Uber và Grab, nhà nước nên tháo bớt vòng kim cô trên đầu taxi truyền thống vì các DN kêu có đến 13 "vòng kim cô", không cách gì cạnh tranh được. Quản lý nhà nước phải đổi mới theo hướng có quy định phù hợp với thực tế chứ không phải nhìn cái sẵn có để soi vào cái mới phát sinh và cho rằng cái mới không phù hợp" – bà Loan kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đánh giá ĐKKD hiện nay như rừng cọc nhọn sắc, như rào cản gây nguy hiểm cho DN. Đối với vận tải đường bộ, mục đích quy định ĐKKD để bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhưng thực tế lại đang lệch theo hướng để DN kinh doanh có hiệu quả.
Sau khi rà soát, VCCI kiến nghị giảm 16 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì cơ sở xác định chưa rõ ràng.
Từng là thành viên tổ công tác thi hành Luật DN 2000, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, thừa nhận: "Tôi tham gia cuộc chiến chống giấy phép con từ khi mái tóc còn xanh, nay tóc bạc mà vẫn phải tiếp tục cuộc chiến này vì vẫn chưa biết bao giờ đến hồi kết".
Ông Huỳnh cho biết hoạt động trọng tài quốc tế cũng bị đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đây là tiền lệ chưa từng có trên thế giới vì hoạt động trọng tài thương mại không phải vì mục đích kinh doanh.
Theo Người Lao Động
Link bài: Điều kiện kinh doanh "giết" doanh nghiệp