Doanh nghiệp mơ đến ngày giảm được tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành

Trần Quí Thanh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành nhanh chóng dẹp bỏ “giấy phép con, giấy phép cháu” đang cản trở, gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP (Theo VnExpress).

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8.2017 của Chính phủ, có nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo và có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có một nội dung cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm, đó là chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành lên tới 30%. Mục tiêu đặt ra phải giảm còn 15% nhưng một số bộ, ngành chuyển biến còn chậm.

Theo tui được biết, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành chỉ nên chiếm 15%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo sát sao việc giảm tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành xuống mức như khuyến cáo, nhưng bên dưới chưa thực hiện đúng yêu cầu. Hiện nay, còn nhiều văn bản chưa sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu giảm tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành như mong muốn.

Những doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu quá thấm thía về cái gọi là kiểm tra chuyên ngành. Nhân đây, tui cũng minh oan cho hải quan một chút xíu nhé, có những trục trặc của doanh nghiệp trong việc thông quan không phải do ngành hải quan, mà do thực hiện quy định kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành khác.

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố, mỗi năm DN phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng để thực hiện các quy định, thủ tục về quản lý chuyên ngành. Nếu giảm được 30% trong số 100.000 mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành như hiện nay có thể giúp nền kinh tế tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và khoảng 4.300 tỉ đồng. Nếu giảm 50% sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và khoảng 7.100 tỉ đồng.

Đọc các con số trên, sẽ thấy rõ kiểm tra chuyên ngành là nguyên nhân gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Có những mẫu hàng bị kiểm tra kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian thông quan của doanh nghiệp. Hàng hóa chưa thông quan thì phát sinh chi phí kho bãi, một ngày mất vài chục USD, tính ra hàng năm, doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn.

Đó là chưa tính những chi phí thậm thụt khác.

Có những chuyện khiến doanh nghiệp rất bức xúc, tui lấy ví dụ, doanh nghiệp nhập một loại hàng, ngày này qua ngày khác, chỉ một nhà cung cấp, nhưng ngày nào cũng phải kiểm tra chuyên ngành. Tại sao lại máy móc đến như vậy?

Cộng đồng doanh nghiệp hay tin Chính phủ quyết tâm giảm tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành thì ai cũng mở cờ trong bụng, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy có sự thay đổi. Người dân, doanh nghiệp mong được thụ hưởng chính sách bằng thực tế, có thể sờ thấy được, không phải đọc trên báo.

Vẫn biết rằng rất khó để dẹp bớt các quy định máy móc trong kiểm tra chuyên ngành, bởi vì liên quan đến quyền lợi – của ai đó tui xin phép không nói ra – nhưng không thể không bắt tay dẹp bỏ cho bằng được những quy định không cần thiết.

Vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự phát triển của nền kinh tế hay vì lợi ích của một bộ phận, một nhóm người?

Chính phủ liêm chính, kiến tạo đương nhiên sẽ vì lợi ích chung

Sài Gòn 31/8/2017

TQT

Link bài: Thủ tướng: Thời gian nuôi gà nhanh hơn thủ tục bán gà

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *