Doanh nghiệp tư nhân là hạt nhân của khát vọng ‘Việt Nam hùng cường 2045’

V.Dũng/ Báo TBKTSG 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn được doanh nghiệp hiến kế để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường 2045. Ảnh: V.Dũng
 

Khát vọng “Việt Nam hùng cường” vào năm 2045 là một lời hiệu triệu của Đảng, Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề là chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh toàn cầu. Đến năm 2045, sẽ có những tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam.

Chúng ta phải nỗ lực lao động, sáng tạo để chào mừng 100 năm thành lập nước bằng món quà mang tên thịnh vượng.

Để khát vọng trở thành hiện thực, các doanh nhân trí thức đã hiến kế tâm huyết tại cuộc đối thoại. Trong đó, điểm sáng nhất là chọn công nghệ làm công cụ đột phá.Và một điều mà cộng đồng doanh nghiệp luôn đau đáu, đó là hãy tin vào doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện tối đa cho người dân kinh doanh, làm giàu.

Thực tế Việt Nam những năm qua cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp rất lớn cho nền kinh tế đất nước. Có thể khẳng định, nếu không có lực lượng ngày tham gia, sẽ không có sự phát triển như ngày hôm nay.

Nếu như các doanh nghiệp tư nhân được tiếp sức bằng những chính sách hiệu quả thì sẽ có những nhân tố xuất sắc vươn vai thành người khổng lồ.Tui tin chắc như vậy.

Trần Quí Thanh

—–

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi tổng động viên sức mạnh của trăm triệu dân và kiều bào để hiện thực hoá khát vọng một “Việt Nam hùng cường” vào năm 2045. Trong đó, hạt nhân chính là khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn và đang nỗ lực đầu tư vào nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

Chiều 6-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ các đại diện của nhiều thế hệ doanh nhân, học giả của Việt Nam để lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến hay góc nhìn để hướng đến mục tiêu cốt lõi là “đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045”. Ông khởi xướng Đối thoại 2045 và cho biết sự kiện sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm. Thông qua hoạt động đối thoại, Chính phủ sẽ lắng nghe các tầng lớp trí thức, tầng lớp tinh hoa hiến kế hành động vì một Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Đường đến thịnh vượng 2045 phải dựa vào công nghệ

Mở đầu cuộc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau Đại hội Đảng XIII, Chính phủ có ý tưởng tổ chức cuộc đối thoại về khát vọng 2045, nhằm mục tiêu lắng nghe ý kiến của giới tinh hoa, đặc biệt là các trí thức và doanh nhân.

“Chúng tôi muốn trao đổi ý kiến về những đóng góp chiến lược, về khát vọng của chúng ta để thực hiện mục tiêu 2045. Lắng nghe những giải pháp phát triển, những hiến kế phát triển đất nước trong bối cảnh mới của toàn cầu và Việt Nam hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Ông nói thêm rằng muốn dân giàu, nước mạnh chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế, dân sinh; muốn vẻ vang, sánh vai với các cường quốc ,chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu. Chính phủ muốn trao đổi với doanh nghiệp những ý kiến về sách lược, những hiến kế, giải pháp phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra cho nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội. Trong đó bên cạnh phát triển con người, hạ tầng còn phải tập trung vào công nghệ như là điều bắt buộc. 

 

Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch tập đoàn Masan chia sẻ tại buổi đối thoại. Ảnh: V.Dũng

Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.

Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí cho công đoạn từ sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Thaco, ông Trần Bá Dương nói đến vấn đề nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ. Ông nhấn mạnh con người của đất nước công nghiệp phải là con người công nghiệp. Đó là con người có tư duy kỹ thuật, sáng tạo, cải tiến, làm việc với tinh thần tuân thủ kỷ luật cao và có sự tỉ mỉ.

Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ, các nền tảng quản trị trong phát triển công nghiệp. Ông Dương cho biết đến năm 2023, Thaco sẽ quản trị trên nền tảng số, có công nghệ riêng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Khát vọng mở đường của khối tư nhân rất lớn

Để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, nhiều người đang nói đến việc phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng.

Ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Ông cho rằng doanh nghiệp tư nhân đang có một khát khao lớn, một giấc mơ lớn và cần phải được trao một niềm tin lớn.

Trước lời đề nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản thì thấy có 2.000 người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho biết, khi sàn chứng khoán TPHCM trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán theo hướng giải pháp không cần sử dụng ngân sách.

Cũng mong muốn được đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân đi tiên phong mở đường cho giấc mơ thịnh vượng 2045, tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air cho rằng khát vọng tăng trưởng dài hạn này mang tính thách thức lớn, nhưng Việt Nam có những nguồn lực, động lực để biến khát vọng thành hiện thực.

“Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp. Vietjet mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau. Bởi khối tư nhân đang đóng góp cho ngân sách ngày một nhiều hơn”, bà Thảo nói.

Chủ tịch HĐQT TPBank, ông Đỗ Minh Phú cho rằng để đất nước phát triển thì cần đổi mới mạnh mẽ khoa học công nghệ và thể chế, nâng cao năng suất. Ông cũng nhấn mạnh cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Dự báo đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ chiếm 60% GDP, đóng vai trò quan trọng cho mục tiêu 2030 và 2045.

Trước hết, với các bộ ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách, theo hướng phục vụ người dân. Cơ quan công quyền cần tháo gỡ doanh nghiệp và người dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm hiệu quả công việc.

Ông Phú mong muốn doanh nghiệp cần được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích và tôn vinh khi họ tạo ra vệc làm, đóng góp vào ngân sách, sự phát triển của đất nước; họ cần được trao cơ hội một cách bình đẳng

Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho rằng, hướng tới 2045, chúng ta cần phát huy nội lực để đón ngoại lực phục vụ xây dựng đất nước. Việc xây tổ đón “đại bàng” đang là vấn đề lớn cho tất cả các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm những sự chuẩn bị về tài nguyên, đất đai, năng lượng, nhân lực, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn, có tâm huyết với Việt Nam.

Tuy nhiên ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty Cơ điện REE cho rằng, qua đại dịch Covid-19, qua những tổn thất từ biến đổi khí hậu, đã đến lúc chúng ta cần chú trọng vào bảo vệ môi trường. Nền kinh tế bền vững cần một môi trường bền vững mà việc này chúng ta có thể làm chủ.

Nữ tướng của Cơ điện REE lưu ý, nguồn tài nguyên của Việt Nam đang cạn kiệt dần, cụ thể là vấn đề năng lượng. Điện đang thiếu dần. Trong 3 năm vừa qua, cả nước đã phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, về công nghệ viễn thông. Tuy nhiên cần nhìn lại việc xây dựng chiến lược phát triển. Than, dầu mỏ đang ngày một cạn dần. Do đó, cần chú trọng vào điện gió ngoài khơi để đạt năng suất cao và giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khi xây dựng các chỉ số kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2045, cần xây dựng nhiều hơn các chỉ số có tính hạnh phúc chứ không chỉ là những chỉ số về con số kinh tế.

Phát biểu tại buổi đối thoại, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, nhà nghiên cứu và cũng là giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, tin tưởng trong 25 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu ” tầm nhìn” năm 2045.

Theo phân tích của vị chuyên gia này, nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới. Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mới là chủ đạo. Doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.

“Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Sau khi lắng nghe những ý kiến phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những đóng góp của đại diện các doanh nghiệp đã cho thấy một khát khao cháy bỏng cho một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. Đây là tình cảm lớn lao của doanh nhân, trí thức dành cho đất nước.

Kết thúc cuộc đối thoại, Thủ tướng cho biết doanh nghiệp và các trí thức đã nêu ra được 6 vấn đề chính cần chú ý bao gồm phát triển con người và công nghệ; đổi mới thể chế cho doanh nghiệp; trao cơ hội cho sự phát triển của mọi doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho người dân, các thành phần doanh nghiệp Việt Nam trong khối kinh tế tư nhân; tăng cường kết nối hạ tầng, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp, nhất là về đất đai; chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, không để ai bị bỏ lại phía sau; và bảo vệ văn hóa Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh trong thời đại ngày nay, mục tiêu của doanh nghiệp không nên được định nghĩa là tối đa hóa lợi nhuận, mục tiêu của doanh nghiệp không đơn thuần là tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông mà phải tạo ra giá trị xã hội, góp phần vào thịnh vượng chung của đất nước.

 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Doanh nghiệp….

https://www.thesaigontimes.vn/td/314328/doanh-nghiep-tu-nhan-la-hat-nhan-cua-khat-vong-viet-nam-hung-cuong-2045.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *