Doanh nghiệp Việt Nam phải nghĩ lớn và nghĩ khác

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Trang web Bộ công thương

—–

Xuất khẩu hàng Việt Nam đến các nước vẫn là bài toán đâu đầu cho cả doanh nghiệp lẫn nhà quản lý, thêm một sản phẩm ra khỏi biên giới là bớt đi gánh nặng nhập siêu, cân đối được cán cân thương mại của quốc gia.

Nhưng trên thực tế, tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam không mấy sáng sủa.

Nhiều người thấy con số kết thúc năm 2018, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 6,8 tỷ USD là phấn khởi, nhưng phải biết rằng, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018 đạt 313,21 tỷ USD, tăng 11,7%, tương ứng tăng 32,83 tỷ USD so với  năm 2017 và chiếm 65,2% tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Hãy nhìn vào thực chất, đó là hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chưa vươn ra nước ngoài như chúng ta mong muốn.

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra nhiều nguyên nhân, riêng tui, qua nhiều năm làm kinh doanh, xin đưa ra ý kiến như vầy.

Về phía doanh nghiệp, đa số chưa có quyết tâm sản xuất hàng hóa chinh phục thị trường quốc tế, mà chỉ nghĩ đến thị trường nội địa. Bán hàng được trong nước là đã sướng quá trời rồi và cũng đã rất khó khăn rồi, tính tới chuyện ra nước ngoài chi cho cực.

Muốn xuất khẩu hàng hóa, phải nghiên cứu thị trường, phải đầu tư chiều sâu, thay đổi rất nhiều, trong đó có khoa học công nghệ, và đó là điều mà rất ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm được. Chính vì vậy, rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có chất lượng cao, nhưng không thấy xuất hiện nhiều trong các siêu thị của các nước.

Đáng lo ngại hơn, đó là các sản phẩm được làm từ nông sản lại mang thương hiệu các nước Trung Quốc, Thái Lan, nhưng đó lại là những loại nguyên liệu ưu thế mạnh của Việt Nam.

Cho nên trước hết, doanh nghiệp Việt Nam phải nghĩ lớn, nghĩ khác và dám hành động.

Về phía nhà nước, tuy đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, nhưng cần có nhiều chính sách xuất sắc hơn, có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu. Trong đó, đặc biệt các vai trò của các cơ quan xúc tiến thương mại.

Về chính sách thuế, cần nghiên cứu để có những ưu đãi đặc biệt cho những doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu hiệu quả, đây là biện pháp quan trọng nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Về phía cộng đồng, ai cũng nói ủng hộ hàng sản xuất trong nước, “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, nhưng nhiều người vẫn còn sính hàng ngoại. Cùng sản phẩm, chất lượng và giá cả tương đương, người Việt vẫn thích mua hàng nước ngoài.

Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung chinh phục thị trường nội địa, mất đi nhuệ khí chiến đấu ở thị trường nước ngoài.

Khi có một sự cố về lỗi sản phẩm thông thường mà ở đâu cũng có thể gặp, thì truyền thông tạo nên một sự khủng hoảng, ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của doanh nghiệp trong nước. Vậy thì làm sao có thể phát triển để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Tệ hơn, có những vụ cài bẫy, vu oan giá họa cho sản phẩm trong nước, mạng xã hội nhảy vào đánh hội đồng, như vậy thì chỉ có chết, nói gì đến tồn tại và xuất khẩu.

 

Sài Gòn ngày 25/04/2019

TQT

Đọc thêm bài, Link: Thay đổi tầm nhìn để hàng Việt Nam ra thế giới

(https://doanhnhansaigon.vn/goc-nha-quan-tri/thay-doi-tam-nhin-de-hang-viet-ra-the-gioi-1091627.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *