Doanh nghiệp Việt phải tự trách mình trước

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

 —–

Kính gửi anh Dr Thanh

Rất cảm ơn anh đã trả lời sớm cho tôi với bài: “Xã hội hóa giáo dục để bỏ biên chế giáo viên”. Giờ đây tôi muốn gởi anh một câu hỏi này: Tại sao Việt Nam chưa có thương hiệu doanh nghiệp nào nổi tiếng thế giới? Tôi rất mong thương hiệu Tân Hiệp Phát nổi tiếng thế giới nên mới hỏi anh câu đó. Chúng ta còn thiếu điều gì, thưa anh?

Chúc anh mạnh giỏi

Lê Minh Hoá (Saigon): leminh_hoa_2011@gmail.com

—–

Cám ơn anh đã có sự ưu ái với Tân Hiệp Phát và mong muốn thương hiệu Tân Hiệp Phát nổi tiếng thế giới. Nói thiệt với anh, đó cũng là mơ ước của tôi, không phải là chuyện danh hão, mà là một nỗi khát khao mong muốn Việt Nam có những thương hiệu có tầm vóc toàn cầu, như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Anh hỏi tại sao Việt Nam chưa có thương hiệu doanh nghiệp nào nổi tiếng?

Trước hết là do doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ sức, đủ tầm, đó là câu trả lời chân thực nhất, có trách nhiệm nhất. Doanh nghiệp Việt phải tự trách mình trước khi nói đến trách nhiệm của nhà nước hay của ai khác.

Ngay cả các loại hình kinh doanh có tính hội nhập cao nhất là hàng không, thì vẫn chưa thể khẳng định tên tuổi được. Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines được nhà nước nâng đỡ bao nhiêu năm, nhưng vẫn chưa khẳng định được một thương hiệu lớn như Singapore Airlines. Còn Vietjet là hãng tư nhân, đã chiếm được thị phần nội địa vượt qua Vietnam Airlines, nhưng để trở thành một hãng máy bay giá rẻ nổi tiếng thế giới thì phải cố gắng nhiều.

Có một thực tế là đa số doanh nghiệp Việt Nam chỉ tính tới xây dựng thương hiệu trong nước, bởi vì sản phẩm của họ chỉ định vị chinh phục thị trường nội địa. Chi phí cho xây dựng thương hiệu trong nước đã chiếm tỉ lệ khá cao trong cơ cấu chi phí sản xuất và kinh doanh, nếu tính đến quảng bá ra thế giới, quả thực là không đủ sức và không cần thiết, nếu như sản phẩm đó không mang tham vọng chinh phục thị trường các nước khác.

Và, ngay cả khi có tham vọng đó, thì trước hết cũng phải xây dựng thương hiệu quốc gia, sau đó mới “mang chuông đi đánh xứ người”, Tân Hiệp Phát đang làm các bước như vậy.

Tui không thể nói cụ thể chiến lược phát triển thương hiệu của Tân Hiệp Phát, nhưng anh có thể quan sát và thấy được, chúng tôi tiến hành từng bước rất bài bản, đúng thời điểm, thời cơ và thực lực của bản thân. Về thương hiệu, không nên “nói lớn tiếng” khi thực lực không như lời nói. Tui không muốn như vậy.

Tân Hiệp Phát đã xuất hiện nhiều hình ảnh khác nhau trên các kênh truyền thông khắp thế giới, tất cả đều giới thiệu chân thực gương mặt của mình.

Nếu có ai nói rằng, nhà nước trợ giúp để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trên thế giới, thì tui xin thưa rằng đừng quá ảo tưởng về chuyện này. Ngay cả trong nước, nhiều khi thương hiệu của doanh nghiệp bị tổn thương do thông tin bịa đặt, nhưng “chờ mạ má sưng”. Hãy tự lo thân anh đi.

Về chuyên môn, để xây dựng thương hiệu đẳng cấp quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần phải cậy nhờ đến các chuyên gia, các công ty truyền thông hàng đầu thế giới về lĩnh vực này. Cuộc chơi này không dành cho dân không chuyên nghiệp, nếu không thì bao nhiêu tiền cũng thất bại.

Về bản chất thị trường, không phải sản phẩm, dịch vụ gì cũng xây dựng thương hiệu quốc tế, bởi có xây cũng chẳng làm gì, chẳng ai quan tâm. Vì vậy, cần lựa chọn những sản phẩm độc đáo, đặc trưng Việt Nam. Ví dụ như nước mắm, phở, bún và một số nông hải sản Việt.

Tui từng bị sốc khi hay tin phở bò, nước dừa, nước mắm tại Nhật bản, Mỹ lại là sản phẩm sản xuất và xuất khẩu từ Thái Lan, Hồng Kông. Đây là một thất bại rất điển hình về thương hiệu Việt trên thương trường thế giới.

Nhưng tui không dám bàn đến những sản phẩm mà mình không có kiến thức nhiều về nó, chỉ riêng về ngành nước uống, tui hy vọng Tân Hiệp Phát sẽ có chút “máu mặt” trên thị trường thế giới trong vài năm tới.

Chúc anh vui khỏe, có gì cứ meo cho tui nghe.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *