– Đâu là câu hỏi bà thường nhận được khi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng với các bạn trẻ, thưa bà?
Có lẽ, câu hỏi được nhiều người đặt ra khi tiếp xúc với tôi đó là bí quyết nào để khởi nghiệp thành công. Đây thực sự là câu hỏi vô cùng khó khi được nhiều người đặt ra, đặc biệt là các bạn trẻ đang ở ngưỡng cửa bắt đầu vào đời.
Theo tôi, đây có thể được coi là câu hỏi “triệu đô”. Bởi không có một công thức chung nào cho thành công hay hoạt động khởi nghiệp. Như chúng ta thấy, 95% doanh nghiệp khởi nghiệp trong 5 năm đầu tiên là thất bại. Điều duy nhất chúng ta có thể làm đó là nỗ lực, học hỏi, tiếp tục cố gắng. Và khi chúng ta có mơ ước, luôn đau đáu với ước mơ đó và không bao giờ bỏ cuộc thì thành công sẽ đến.
– Tuy nhiên, có một thực tế là, các bạn trẻ rất sợ gặp thất bại, vậy thất bại bao nhiêu lần là đủ, thưa bà?
Trước tiên, qua tiếp xúc với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, một trong những “hòn đá” tảng khiến các bạn đến với thành công chậm hơn đó chính là tâm lý sợ đám đông và sợ rằng việc đó người khác đã từng làm rồi, mình sẽ không làm nữa. Đó chính là rào cản bản thân khiến chúng ta thất bại.
Trước câu hỏi “Nếu khởi nghiệp thất bại, đứng lên làm lại bằng cách nào?”, Trần Uyên Phương trả lời “Thất bại – đứng dậy – đi tiếp”.
Vậy, khi thất bại rồi, chúng ta sẽ làm gì? Có nhiều bạn đặt câu hỏi cho Phương rằng, nếu thất bại, ngã đau rồi liệu có đứng dậy được không? Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến “Bông hồng sa mạc” Thanh Vũ – người từng chia sẻ với tôi cảm giác chạy 250 cây số mà đến cây thứ 199 toàn thân đau nhức, cảm giác không thể hoàn thành. Tuy nhiên, các bạn thấy đấy, kết quả Thanh Vũ đã chinh phục tới 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới, với hành trình hàng nghìn kilomet và chắc chắn cô ấy chưa dừng lại. Vì vậy, câu trả lời khi gặp thất bại hãy đứng dậy và đi tiếp.
– Như vậy, cứ đi rồi sẽ tới đúng không, thưa bà?
Câu hỏi này của bạn khiến tôi nhớ tới thời điểm, khi Tân Hiệp Phát xác định sứ mệnh toàn cầu, khi đó, trong một cuộc họp có tất cả các giám đốc khối và hội đồng quản trị, khi thấy sếp Thanh đề ra mục tiêu đưa Tân Hiệp Phát vươn tầm châu Á và xa hơn là thế giới, một giám đốc khối đã phản ứng rất gay gắt vì quá sợ.
Khi đó, vị này đã nói rằng: “Xếp thứ nhất Việt Nam còn chưa làm được huống gì đòi phục vụ người tiêu dùng toàn cầu và đạt một vị thế ở châu Á”. Nhưng cuối cùng, mục tiêu đó vẫn được thông qua và chúng tôi tin rằng, cứ đi rồi cũng sẽ tới, miễn là sau tất cả thất bại, chúng tôi không bỏ cuộc và không ngừng cải tiến thì tương lai phía trước chúng tôi sẽ đạt được. Bởi khi chúng ta mong muốn đạt được một kết quả khác thì chỉ còn cách chúng ta làm khác đi.
– Vậy đã khi nào bà cảm thấy “gánh nặng” trên đôi vai mình là quá sức không?
Đối với tôi, cuộc sống là để cống hiến và tạo nên giá trị cho những người khác. Chính vì vậy, khi có niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm, công việc là sự nghiệp, làm việc là thú vui, là một cách giải trí. Chính nhờ vậy, tôi mới có thể xoay chuyển và tự cân bằng khối lượng công việc khổng lồ mà tôi đang điều hành.
Ngoài ra, “tình yêu” chính là động lực để tôi tự tin vượt qua mọi khó khăn, mọi hành trình, từ khi chỉ là một giọt nước, tới khi thành dòng sông và rồi thành sóng lớn trên đại dương mênh mông của ngày hôm nay.
Tình yêu ấy chính là cảm hứng mà tôi được truyền từ người cha của mình, từ gia đình họ Trần của mình, từ những thành viên của Tân Hiệp Phát, từ con số doanh nhân nữ Việt Nam năm 2017 là lớn nhất khu vực.
Tôi hy vọng rằng, thông qua cuốn sách “Vượt lên những người khổng lồ” sẽ là cầu nối để truyền tải cảm hứng kinh doanh, tinh thần vượt khó, để đưa thành công tới doanh nghiệp, nữ doanh nhân và đặc biệt là thế hệ trẻ.
– Được biết, cuốn sách “Chuyện nhà Dr.Thanh” cũng tạo được ấn tượng và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới thế hệ trẻ – những người đang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời và cả những người đang chọn con đường khởi nghiệp chông gai, một lần nữa, bà muốn gửi thông điệp gì tới họ?
Quyển “Chuyện nhà Dr.Thanh” không chỉ là món quà tặng cho sếp Thanh vào ngày của Cha mà còn là món quà tặng cho thế hệ trẻ. Tôi nhận được rất nhiều lời cảm ơn vì quyển sách giúp họ có động lực vượt qua những khó khăn. Phương châm sống của ba tôi đã truyền cho tôi và tôi muốn truyền cho những người khác. Tôi cho rằng đây cũng là một hình thức cho đi.
Và trong một buổi giao lưu mới đây tại trường THPT Minh Khai (Hà Nội), trước khi tới đây, tôi đã “chuẩn bị” sẵn sàng một thông điệp để gửi tới các bạn trẻ rằng, không gì là không thể. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng ngồi trên ghế nhà trường, sau khi đi làm và có tiếp xúc, có trải nghiệm, có thất bại thì bản thân tôi rút ra được đó là học là đế hành.
Mặc dù mục đích của việc đi học là sở hữu kiến thức, tuy nhiên, chúng ta học không phải là để trả bài, nếu học để trả bài thì chúng ta đang lãng phí thời gian, lãng phí cuộc đời của mình.
– Xin cám ơn bà!