Đối diện với sự thật và đưa ra biện pháp giải quyết

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Chào anh Trần Quí Thanh

Tôi ở Lào lâu năm, biết anh cũng lâu năm, gần đây đọc blog của anh, rất mê.  Tôi hiểu anh làm giàu còn vì mục đích lớn là cho đất nước, cho xã hội chứ chẳng phải chỉ cho riêng anh hay gia đình anh. Người như anh rất hiếm.

Tiện đây tôi muốn trao đổi với anh một vấn đề, đó là truyền thông. Tôi thấy công tác truyền thông ở ta có vẻ lạc hậu quá rồi hay sao ấy. Tới mức dường như người ta đã hiểu sai truyền thông. Do đó nhiều vụ việc các bộ giáo dục, giao thông, y tế… xử lý rất chậm, thậm chí rất trật.

Theo anh truyền thông bây giờ phải thế nào? Mong anh cho ý kiến cho xã hội tốt lên.

Kính trọng và thương mến

Hồ Hữu Ánh (Viêng Chăn): lilanglao_2011@gmail.com

—–

Anh Hồ Hữu Ánh mến!

Thật vui khi anh ở xa mà vẫn quan tâm đến tui và tương tác. Rất cám ơn anh.

Về truyền thông tui đã có một số bài viết, riêng vấn đề anh đặt ra, tui xin chia sẻ như thế này.

Lâu nay, người ta vẫn nghĩ truyền thông là báo chí, sau đó tiến lên một bước là việc của doanh nghiệp. Nhưng đến nay, ai cũng hiểu truyền thông là của cả xã hội, còn có nhiều chủ thể truyền thông khác gồm chính quyền, các cơ quan, các tổ chức, và còn cả những cá nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có trang cá nhân, một số bộ trưởng của Việt Nam cũng có trang cá nhân.

Các trang web của tổ chức hay cá nhân làm nhiệm vụ chuyển tải thông tin của chủ thể đó đến với cộng đồng. Trong thời đại ngày nay, yếu tố đầu tiên là phải nhanh. Tuy nhiên, nhiều chủ thể truyền thông phản ứng quá chậm, không đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận thông tin của cộng đồng. Tác hại là khi anh phản ứng chậm, cộng đồng sẽ tiếp nhận thông tin từ các kênh khác, có thể sai lệch với bản chất sự việc.

Các địa phương, bộ, ngành đều có bộ phận phụ trách truyền thông, nhưng hạn chế về trình độ, thiếu chuyên nghiệp, nên khi gặp khủng hoảng không xử lý được hoặc xử lý sai, khiến cho khủng hoảng càng lớn hơn. Theo quan sát của tui, cách xử lý khủng hoảng của các cơ quan truyền thông là tìm cách bưng bít thông tin hoặc đưa ra lập luận với mục đích làm giảm nhẹ tính chất của vụ việc. Đây là cách hiểu sai về truyền thông.

Hãy cứ đối mặt với sự thật, trung thực với những sự việc đã xảy ra trên thực tế và tìm cách giải quyết nó. Ví dụ, vụ nữ sinh bị đánh hội đồng vừa xảy ra, thì không nên cho rằng đó không phải là bạo lực học đường hoặc là ở nơi đâu cũng có tình trạng như vậy, mà ngành giáo dục đứng ra nhận trách nhiệm, lên tiếng cảnh báo và đưa ra các biện pháp ngăn chặn.

Về y tế cũng vậy, khi có một hiện tượng dịch bệnh xảy ra, thì mục đích của truyền thông y tế không phải là nói nhẹ đi sự việc để giảm trách nhiệm của ngành, mà phải nói đúng, đưa ra cảnh báo cho người dân và tuyên truyền các biện pháp phòng dịch.

Sử dụng truyền thông không phải là che đậy thông tin mà công khai, minh bạch, đối diện với sự thật và đưa ra biện pháp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

Xin lưu ý, với điều kiện công nghệ hiện nay, chậm đưa ra quyết định giải quyết khủng hoảng là cơ hội cho tin đồn thất thiệt lan rộng, càng về sau càng khó xử lý.

Chúc anh vui vẻ, có gì cứ liên lạc với tui nhé.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *