Xu hướng của thế giới
Không gian ngầm trong đô thị đã lịch sử hàng ngàn năm hàng trăm năm nay phát triển tại các quốc gia châu Âu, sau đó lan rộng sang nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Đức… Ước tính khoảng 26 quốc gia trên thế giới có từ một đến nhiều thành phố ngầm.
Có nhiều thành phố ngầm nổi tiếng như Reso ở Canada dài tới 33 km đưới lòng đất, hay Crysta Nagahori ở thành phố Osaka với tổng diện tích hơn 81.000m2… Nó không chỉ giải bài toán hạn chế về không gian trong quy hoạch phát triển đô thị, mà còn là xu hướng tất yếu để khai thác hiệu quả tài nguyên và phát triển bền vững.
Trong 40 năm trở lại đây (1980-2019), các Thành phố ASEAN đã phát triển không gian ngầm mạnh mẽ, đặc biệt là Singapore. Chính phủ Singapore cho rằng tận dụng không gian dưới lòng đất là hướng đi cần thiết, trong bối cảnh dân số Singapore ước tính sẽ tăng lên gần 7 triệu trong 10 năm nữa.
Diện tích đất trống của Singapore hiện đã không còn, thậm chí còn bị thu hẹp vì nước biển dâng. Dân số gần bằng Hà Nội, nhưng diện tích của thành phố này chỉ bằng 1/5 thủ đô nước ta.
Theo dự án, Singapore sẽ tập trung sử dụng không gian ngầm cho giao thông, nhà máy, công sở và kho chứa. Từ đó giải phóng phần đất trên bề mặt để phát triển nhà ở, các công trình cộng đồng và không gian xanh.
Không gian ngầm trong các thành phố giàu, thành phố nghèo
Xu hướng ngầm hóa các thành phố khá phổ biến tại các quốc gia tiên tiến, không chỉ tại các thành phố chật chội, đông dân mà có cả những thành phố rộng rãi và dân cư thưa thớt, ví dụ như tại Helsinki, Phần Lan hay các thành phố Canada…
Đáng lưu ý là các thành phố này khá giàu có và công nghệ phát triển. Các phố ngầm của họ không những bảo vệ các thiết bị hạ tầng đô thị: cấp điện nước, truyền thông khí đốt mà còn còn hỗ trợ sinh hoạt đô thị ngay cả khi thời tiết khắc nghiệt: băng giá, bão tuyết, ẩm ướt… Hầu hết các phố ngầm có vai trò giao thông: từ đi bộ đến ôtô (đi và đỗ), tầu điện ngầm, nó còn vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm (có cả hệ thống vận chuyển bằng ống nén khí trong đường ngầm tại Paris).
Thông thường các phố ngầm có độ sâu tương đương với độ sâu các tuyến tunnel tàu điện ngầm. Họ kết hợp các hố đào sâu các nhà ga để tận dụng không gian hố đào, kết nối mặt đất với Metro. Nhiều thành phố bên dưới các tòa nhà cao tầng vì nhà cao thì móng sâu, nên các tầng hầm cũng khai thác tối ưu các không gian dưới mặt đất.
Thường thì độ sâu khoảng 18-24 m, tùy theo địa hình đại chất có nơi sâu hơn vài chục, thậm chí gần 100m (nơi có đường ngầm xuyên biển hay dưới các ngọn đồi cao). Tuy vậy người ta tính toán kỹ một độ sâu hợp lý để tiếp cận mặt đất dễ dàng.
Tương lai chinh phục không gian ngầm dưới lòng đất quy mô lớn nhỏ còn tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên xã hội, khoa học công nghệ và kinh tế của từng quốc gia, thành phố. Mặc dù xây dựng dưới lòng đất, chúng ta có rất nhiều những lợi ích: tối ưu hóa không gian (kết hợp móng sâu, tàu điện ngầm) tối đa hóa công năng (trên là nhà ở văn phòng, dưới là giao thông, hạ tầng kỹ thuật điện nước…) nhưng chi phí xây dựng đắt đỏ, nhiều rủi ro và duy trì vận hành phức tạp, tốn kém (phòng cháy, thông gió, chiếu sáng, điều hòa…). Hay đối mặt với thách thức: sụt lún, sập hố đào, nước ngầm, ngập lụt, ngạt khí…
Nhưng cả thế giới đã có bước tiến hóa mạnh mẽ để việc xây dựng và sử dụng không gian ngầm ngày càng an toàn và chi phí rẻ hơn. Nhiều thành phố nghèo nhưng đã lựa chọn giải pháp thông minh, kết hợp nhiều chức năng để xây dựng và sử dụng không gian ngầm đô thị hiệu quả. Trong một số tình huống vì lý do an ninh quốc phòng hay tận dụng địa hình tự nhiên, nhiều quốc gia nghèo cũng phát triển mạnh mẽ công trình ngầm (Bắc Triều Tiên, Nam Tư cũ, Liên Xô cũ, Trung Quốc trước đây).
Không gian ngầm trong các thành phố Việt Nam
Tại TP.HCM, ở độ sâu 40m dưới lòng đất, tuyến tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên đang được gấp rút xây dựng và hình thành. Tuyến tàu điện ngầm này có chiều dài gần 20 km, trong đó có hơn 17 km trên cao và 2,6 km đi ngầm.
Tại Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 3 đang bắt đầu thi công ngầm và các nhà ga ngầm. Bên cạnh đó Hà Nội cũng nhờ tư vấn nước ngoài vẽ ra các dự án thành phố ngầm quanh ga Hà Nội và các bãi đỗ xe ngầm trong nội thành, hứa hẹn kỷ nguyên ngầm hóa Hà Nội đã bắt đầu.
Xây ngầm thì không phải mua đất nhưng chi phí xây dựng và duy trì vận hành cao, Việt Nam ta chưa có kinh nghiệm nên đã nhờ tư vấn nước ngoài lập dự án, họ cho biết muốn giảm giá thành thì cần có phương án khôn ngoan: quy hoạch tốt, đồng bộ với không gian mặt đất, phù hợp với điều kiện kinh tế và kỹ thuật, đặc biệt tích hợp nhiều năng khai thác để chia sẻ đầu tư. Muốn vậy Việt Nam cần có mô hình đầu tư đa sở hữu và từng bước chủ động kỹ thuật. Tại Hà Nội, tư vấn và chủ đầu tư cũng đã nói đến bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ thương mại.
Thực tế tư vấn nước ngoài đề xuất quy hoạch thì không thấy sự khôn ngoan ở chỗ nào khi bố trí mặt bằng bãi xe ngầm trong nội thành tùy hứng như rắc vừng, không liên quan gì đến quy hoạch phân vùng hạn chế phương tiện đi vào trung tâm thành phố (cũng do chính họ đề xuất)
Nếu chỉ chọn xây ngầm vào chỗ đất trống: dưới công viên, sân vận động, quảng trường… mà không quan tâm đến kết nối tổng thể, đa lợi ích, đa nguồn vốn đầu tư thì giá thành sẽ rất cao, khả năng thu hồi vốn thấp tư nhân không đầu tư và chẳng có lý do gì ngân sách công bỏ ra đầu tư đắt đỏ và lỗ nặng cho thử nghiệm tốn kém và nhiều rủi ro này.
Chính vì vậy, công trình ngầm cần tích với tầu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm, hạ tầng đô thị, cầu ngầm vượt sông.
Do suất đầu tư ĐSĐT đi ngầm rất đắt: trung bình 200 triệu USD/1km2, nên cần tích hợp nhiều chức năng để giảm giá thành. JICA đã phân tích chi phí xây dựng đường sắt đô thị ngầm nếu kết hợp với các bãi đỗ xe ngầm thì sẽ giảm 25% chi phí. Nếu kết hợp phát triển không gian dịch vụ thương mại ngầm, hệ thống thoát nước, xử lý nước ngầm… sẽ giảm chi phí xây lắp tới 80%.
Tuyến ĐSĐT đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo có các ga ngầm S11, S12, S13; liên kết với tuyến số 2 bởi ga C10> JICA đã đề xuất bãi đỗ xe ngầm trên phố Hàng Bài. Mỗi nhà ga dài 150-300m, sâu hàng chục mét, dự kiến đào mở. Tổng chiều dài hố đào gần 1km, bằng 50% chiều dài tuyến phố… do vậy việc ngầm hóa toàn bộ tuyến phố sẽ làm cho việc thi công thuận lợi, giảm chi phí gia cố chống đỡ, xây lắp cũng như khai thác vận hành sau này.
Thi công phố ngầm kéo dài hàng năm trời, kèm theo bất tiện sinh hoạt và vận chuyển khối lượng lớn đất đá ra ngoài, vật liệu xây dựng vào trong, do vậy thi công theo tuyến sẽ tận dụng đường vận chuyển dưới ngầm, tránh bất lợi trên mặt đất… Trong quy hoạch, thiết kế cần tổng hợp đủ các yếu tố, đa mục tiêu.
Bài học từ khu phố ngầm Umeda (thành phố Osaka, Nhật Bản) cho thấy trong khi phố ngầm nhộn nhịp thì các phố trên mặt đất lại vắng vẻ, vì vậy cần tổ chức không gian tối ưu, trong đó ưu tiên mặt đất cho hoạt động cộng đồng, con người với thiên nhiên.
Thành phố Osaka cũng đã từng bước cải thiện kết nối khu phố ngầm với giếng trời: phía dưới phố ngầm có khoảng trống tiếp xúc bầu trời và phía trên mặt đất. Giải pháp này cần nhân rộng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực (thảm hỏa), thông gió chiếu sáng tự nhiên, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện an toàn cho cư dân… Hy vọng bài học này cũng giúp các thành phố Việt Nam đang háo hứng ngầm hóa có thêm kinh nghiệm.