Hương Thy/ Báo Người Lao Động
Ông Trần Quí Thanh vừa có những chia sẻ thú vị về cách “dùng người” tại Tân Hiệp Phát với triết lý quản trị và cách thức Tân Hiệp Phát thực thi để phát triển con người theo giá trị cốt lõi của công ty bên lề chương trình “Cơ hội cho ai – Whose chance”. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh ghế CEO đầy quyền lực tại doanh nghiệp này đang để mở với mọi người.
Chọn “đúng người, đúng việc, đúng giá trị cốt lõi”
– PV: Là Chủ tịch kiêm CEO của một tập đoàn có hơn 4.000 cán bộ công nhân, chắc hẳn ông và Tân Hiệp Phát phải có một triết lí nhất quán về lựa chọn và quản trị nhân sự?
– Ông Trần Quí Thanh: Triết lí nhất quán và ngắn gọn của Tân Hiệp Phát là “đúng người, đúng việc”. Tuy nhiên, để thực sự “đúng”, thì phải đúng năng lực cá nhân và đúng cả những giá trị cốt lõi của công ty.
Trong đó, đúng giá trị cốt lõi quan trọng hơn là thông minh. Ở Tân Hiệp Phát, quy định cao nhất trong tất cả quy định là “Giá trị cốt lõi”. Tất cả chương trình khen thưởng, ghi nhận khi thể hiện tốt hoặc xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm giá trị cốt lõi ngay khi là thành viên làm việc lâu năm hoặc có thành tích lớn.
Hệ thống đánh giá thành tích đề cao hành xử theo giá trị cốt lõi, từ đó các cá nhân được ghi nhận trước tập thể, tăng lương thông qua thể hiện giá trị cốt lõi xuất sắc được tập thể (những người xung quanh) công nhận.
Tất cả nhân viên mọi cấp đều được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn chung của công ty. Không dựa vào quan điểm của cấp quản lý hay so sánh nhân viên với đồng nghiệp, hay là họ có mối quan hệ thâm tình ra sao. Bất cứ cá nhân nào cũng có tiềm năng, ở Tân Hiệp Phát, họ sẽ được tạo điều kiện để phát triển tiềm năng bản thân. Mỗi cá nhân thành công thì tổ chức cũng sẽ thành công.
Ai cũng có cơ hội làm lãnh đạo, kể cả làm CEO
– Đánh giá là như vậy, còn cơ hội để trở thành lãnh đạo thì sao thưa ông? Làm cho một công ty gia đình, có thể sự phát triển của các cá nhân ngoại tộc sẽ chỉ đến một mức độ nào đó?
– Tân Hiệp Phát coi nguồn lực con người là tài sản lớn nhất của công ty. Giá trị con người càng lớn mạnh thì công ty càng lớn mạnh.
Tại Tân Hiệp Phát, khi các vị trí có nhu cầu tuyển dụng thì 100% đều được công bố rộng rãi cho nhân viên tự ứng cử nếu thấy phù hợp mà không bị phân biệt. Đồng thời, các cấp quản lý đều phải có cam kết bắt buộc việc tạo điều kiện cho nhân viên phát triển nghề nghiệp trong nội bộ.
Tất cả nhân viên tại Tân Hiệp Phát đều được tạo điều kiện để được phát triển công bằng, đều có cơ hội ngang nhau để phát triển lên vị trí lãnh đạo, kể cả đó là vị trí CEO. Điều này tôi từng nói nhiều lần.
Hiện nay, Tân Hiệp Phát đang trong giai đoạn chuyển giao và kế thừa, nhưng vị trí CEO vẫn do tôi nắm giữ và chưa chính thức giao cho ai cả. Cơ hội vẫn dành cho tất cả những người trong và ngoài công ty, miễn rằng người đó có giá trị cá nhân phù hợp, đủ sức và đủ nhiệt huyết.
– Để trở thành sếp ở Tân Hiệp Phát, cần những yêu cầu gì? Những bước cụ thể nào để một nhân viên có thể trở thành lãnh đạo, hay CEO?
– Một yêu cầu bất di bất dịch là tất cả lãnh đạo ở Tân Hiệp Phát phải thể hiện được 7 giá trị cốt lõi của công ty, đó là những điều kiện cần.
Còn các điều kiện đủ, là thể hiện rõ năng lực lãnh đạo, thông qua việc củng cố mạng lưới quan hệ và đối tác, đào tạo và phát triển con người, đôn đốc thực thi công việc, truyền cảm hứng cho người khác về thành tích vượt trội, phát triển khách hàng và lấy khách hàng làm trọng tâm.
Riêng với vị trí CEO, đương nhiên cần thêm những năng lực khác nữa, những năng lực đặc biệt mà không phải ai cũng có được và cũng không dễ mô tả. Như giác quan thứ 6 về kinh doanh, năng lực phán đoán tương lai và khám phá những nhu cầu chưa được đáp ứng…
Tuy nhiên, dù khát vọng có lớn đến đâu thì mỗi nhân viên Tân Hiệp Phát đều phải bước những bước cụ thể và vững vàng để có thể tiến dần trên các nấc thang lãnh đạo. Đầu tiên, nhân viên phải có thành tích cá nhân vượt trội. Khi làm quản lý nhóm, phải có năng lực quản lý thành tích nhóm. Rồi phát huy tiếp năng lực đó ở cấp độ phòng ban chức năng, cấp độ khối, cấp độ tổ chức.
Văn hóa dịch vụ và hình mẫu hướng tới
– Trong chiến lược trở thành công ty được quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hình mẫu con người mà Tân Hiệp Phát hướng tới như thế nào?
– Hình mẫu con người của Tân Hiệp Phát trong giai đoạn mới cần có hai năng lực nền tảng: năng lực lãnh đạo và văn hóa dịch vụ.
Trong đó, con người có năng lực lãnh đạo là quan trọng nhất. Lãnh đạo ở đây được hiểu nghĩa rộng: lãnh đạo bản thân, lãnh đạo người khác, lãnh đạo tổ chức. Không phải khi ngồi ghế lãnh đạo mới phải phát huy năng lực lãnh đạo, mà ngay từ cấp nhân viên tố chất đó cũng quan trọng. Nếu bạn không lãnh đạo được chính con người mình, thì bạn lãnh đạo người khác sao được?
Thứ hai, con người Tân Hiệp Phát có văn hóa dịch vụ và luôn nâng tầm dịch vụ của mình lên gọi là up your service. Văn hóa đó được thể hiện thông qua việc liên tục hành động để tạo ra nhiều giá trị cho người khác. Tạo thỏa mãn ngạc nhiên mỗi ngày cho người khác thông qua up your service.
Là một nhà sản xuất nước giải khát, nhưng chúng tôi không định nghĩa việc của mình là bán sản phẩm mà là cung cấp những dịch vụ để thỏa mãn khách hàng, thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Chai nước không chỉ là chai nước, mà là giải pháp cho cơn khát, giải pháp cho sức khỏe, giải pháp cho nhu cầu ăn uống hiện đại và lành mạnh. Vì vậy, con người của Tân Hiệp Phát phải có văn hóa dịch vụ, để thấu hiểu và thỏa mãn khách hàng.
– Xin cảm ơn ông Trần Quí Thanh!
NGUỒN: Theo Báo Người Lao Động
Link bài: Dr Thanh để “mở”…
(https://thitruong.nld.com.vn/