Doanh nhân Trần Quý Thanh – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã nói về vở kịch “Chuyện nhà Dr Thanh” bằng câu nói dành cho người vợ của mình là bà Phạm Thị Nụ: Em xứng đáng là cánh tay mặt của anh!
Vở kịch bao gồm những phân đoạn được ráp nối xoay quanh cuộc đời người đàn ông sáng lập ra Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Từ một chàng trai ăn chơi lêu lổng, đến một đại ca giang hồ nghĩa hiệp ở khu chợ Bà Chiểu và yêu rồi cưới một khoa khôi trường Luật; từ việc xây dựng công ty sản xuất nước ngọt phát triển thành một Tập đoàn hùng mạnh, Dr Thanh luôn quyết đoán trong mọi vấn đề, sự khắt khe khi sẵn sàng loại cả người con trai duy nhất ra khỏi công ty vì một sai sót…
Những phân đoạn của vở kịch được ráp nối bởi lời dẫn từ chính tác giả cuốn sách Trần Uyên Phương vừa đủ để nêu bật dấu ấn người phụ nữ bên cạnh sự thành công của Dr Thanh. Theo nhà biên kịch Lê Chí Trung, “khi tôi đến tham dự buổi ra mắt cuốn sách, tôi nhận thấy sự thành công của Dr Thanh có bóng dáng rất rõ nét của một người phụ nữ, đó là chị Phạm Thị Nụ. Dù trong người chị mang trọng bệnh, nhưng chị Nụ luôn bên cạnh anh Thanh, bên cạnh Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Điều đó, giúp tôi viết vở kịch này…”
Người xem tại khán phòng có một chút hối tiếc vì vở kịch hơi ngắn, khi mà những phân đoạn đang đưa người xem lên cao trào của cảm xúc thì kết thúc. Nội dung, giúp khán giả nhận thấy Dr Thanh là một người đàn ông bản lãnh, nhưng sự phát triển ông chỉ bắt đầu khi xuất hiện người vợ giỏi, xinh đẹp, đảm đang, bên cạnh.
Khi Dr Thanh thành lập nhà máy sản xuất nước ngọt, dù đang mang bụng bầu lớn nhưng bà Nụ vẫn đạp xe ba gác chở nước ngọt đi giao cho đại lý để mở rộng phát triển thị trường.
Ở trong đời thường, bà Nụ không chỉ chăm con giỏi, mà còn rất chiều chồng. Bà luôn tự tay lựa cho ông Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát những bộ quần áo lịch sự khi đi làm và ngày nào bà cũng đợi bằng được ông về để tự tay nấu cho ông một món nào đó, mà thường khi là ông đã xỉn rồi, bà lại ân cần đổ từng muỗng nhỏ, nhắm no bụng rồi thì dìu ông vào giường. Bà thường bảo uống nhiều mà không ăn gì hại dạ dày, hại gan lắm. Cả ngàn lần như thế nhưng chưa một lần bà than vãn. Điều này thể hiện tại phân đoạn khi bà Nụ ở bệnh viện nhìn thấy Dr Thanh vào thăm, bà đã trách cô con gái khi thấy áo quần của Dr Thanh tơi tả.
Tình yêu thương và sự hi sinh của một người mẹ, người vợ đã tự tay gánh vác mọi chuyện trong gia đình mà không cần chồng san sẻ chỉ để mong sẽ là hậu phương vững chắc để ông Trần Quý Thanh tự tin đi trên con đường “vươn ra biển lớn” của mình. Đằng sau những thành công, những lần thất bại của ông Thanh luôn có bà Nụ – một người vợ đồng cam cộng khổ, luôn thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành trên mọi bước đi của chồng.
Kết thúc vở kịch, ông Trần Quý Thanh – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, bộc bạch: Chúng tôi xây dựng vở kịch nhằm tặng Ngày phụ nữ Việt Nam, cám ơn các cán bộ – công nhân viên Tập đoàn, cám ơn những người phụ nữ, đặc biệt cám ơn người vợ của tôi. Em xứng đáng là cánh tay mặt của anh.
Một số cảnh trong vở kịch “Chuyện nhà Dr Thanh”