Người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ có cơ hội được quan sát một trong những nguyệt thực toàn phần dài nhất trong nhiều năm qua vào rạng sáng ngày 28/7.
Nguyệt thực toàn phần dài nhất trong nhiều năm qua
Ông Nguyễn Đức Phường (Đại học Quốc gia Hà Nội), tác giả nhiều cuốn sách viết về thiên văn – vũ trụ, cho biết nguyệt thực toàn phần rạng sáng ngày 28/7 là lần thứ hai nguyệt thực xuất hiện trong năm nay. Nguyệt thực đầu tiên của năm nay xuất hiện vào ngày 31/1. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của nguyệt thực toàn phần lần này là rất dài và được xem là dài nhất trong nhiều năm qua.
“Nguyệt thực gồm 3 pha cơ bản là nửa tối, một phần và toàn phần. Thời gian diễn ra nguyệt thực toàn phần (tức là đĩa Mặt Trăng nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối của Trái Đất) trong rạng sáng ngày 28/7 sẽ kéo dài đến 1 giờ 42 phút 57 giây”, ông Nguyễn Đức Phường cho hay.
Theo giờ Việt Nam, thời gian bắt đầu quá trình nguyệt thực xảy ra vào 0 giờ 14 phút 19 giây khi Mặt Trăng bắt đầu đi vào vùng bóng nửa tối.
1 giờ 24 phút 27 giây, Mặt Trăng bắt đầu đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Lúc này đĩa Mặt Trăng bắt đầu bị che khuất một phần và chúng ta quan sát thấy nguyệt thực một phần.
Đến 2 giờ 30 phút 15 giây, Mặt Trăng hoàn toàn nằm trong vùng bóng tối của Trái Đất và hiện tượng nguyệt thực toàn phần bắt đầu. Lúc này, Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ gạch. Lý do là vì những tia sáng của Mặt Trời phần lớn bị hấp thụ, chỉ còn những tia sáng đỏ tiếp tục xuyên qua lớp khí quyến và khúc xạ để đến bề mặt Mặt Trăng. Ở Trái Đất, chúng ta sẽ quan sát thấy Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ gạch và khá tối là do ánh sáng màu đỏ yếu ớt phản xạ từ bề mặt của Mặt Trăng.
Pha nguyệt thực toàn phần kết thúc khi Mặt Trăng bắt đầu đi ra khỏi vùng bóng tối của Trái Đất lúc 4 giờ 13 phút 12 giây.
Đến 6 giờ 19 phút 00 giây, pha nguyệt thực một phần kết thúc.
Việt Nam quan sát tốt
Theo ông Nguyễn Đức Phường, với nguyệt thực toàn phần ngày 28/7, người dân ở Châu Âu, Châu Phi, Tây Úc, phần lớn châu Á trong đó có Việt Nam sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần lần này.
Điều đáng nói, nguyệt thực không phải là hiện tượng hiếm gặp, nhất là nguyệt thực một phần. Sau nguyệt thực này, đến tháng 7/2019 chúng ta sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực một phần. Nhưng với nguyệt thực toàn phần, thời gian xuất hiện không quá nhiều.
“Theo các dự báo phải đến tận tháng 5/2021, người dân Việt Nam, đúng hơn là chỉ người dân miền Nam mới có cơ hội được quan sát nguyệt thực toàn phần, miền Bắc chỉ quan sát được nguyệt thực một phần. Người dân miền Bắc phải đợi đến năm 2022 mới có cơ hội quan sát được nguyệt thực toàn phần”, ông Phường nhấn mạnh, “Vì thế, bạn đừng bỏ qua cơ hội quan sát nguyệt thực vào tối 28/7, nhất là nó lại một nguyệt thực toàn phần có thời gian cực dài”.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, khác với quan sát nhật thực bạn cần phải sử dụng đến các thiết bị bảo vệ mắt, với nguyệt thực bạn có thể quan sát như quan sát Mặt Trăng hàng ngày, nghĩa là bạn có thể quan sát bằng mắt thường.
Hãy chọn nơi có góc nhìn rộng, không bị ô nhiễm ánh sáng, không bị vướng tầm nhìn bởi cây cối và nhà cao tầng và hướng mắt về phía Đông, bạn sẽ thấy được sự kỳ diệu mà vũ trụ mang lại. Nếu muốn chụp ảnh, bạn có sử dụng máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp.
Đấy là khi thời tiết đẹp. Nếu trời nhiều mây hoặc có mưa, việc quan sát là rất khó, thậm chí là không thể. Vì vậy, việc của chúng ta là theo dõi các bản tin dự báo thời tiết. Nếu thời tiết tốt, đừng bỏ qua cơ hội quý giá này.
Hiện tượng nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm ở vị trí tương đối thẳng hàng. Lúc đó, Mặt Trăng sẽ đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Khi Mặt Trăng nằm trong một phần vùng bóng tối của Trái Đất thì chúng ta quan sát thấy hiện tượng nguyệt thực một phần. Còn khi Mặt Trăng nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối của Trái Đất chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần. |