Đừng chỉ đau lòng suông

Đào Tuấn/ Báo Lao Động

Một học sinh nhập viện do bị quạt trần rơi, văng vào trán. Ảnh: Q.An

—–

Đổ cổng trường, quạt trần bung cánh trong lớp học, và vừa xong, lại thêm một vụ sập tường trước cổng trường học ở Nghệ An khiến một học sinh lớp 5 thiệt mạng. 3 vụ tai nạn trong chỉ 5 ngày. 4 đứa trẻ đã chết.

Liền trước đó, là điện giật, là cây phượng đổ giữa sân trường…

“Mong kiếp sau sẽ là bạn mày. Tao có vẽ hộp cơm cho mày đấy. Vui lên nha bạn của tao…” – ngoặc kép là dòng lưu bút trong sổ tang K, cậu học sinh kém may mắn của vụ đổ cây phượng ở Trường Bạch Đằng, TPHCM tháng 5 năm nay.

Người cha hôm ấy đứng lặng, chỉ nói được đúng một câu, rằng đã “không có một phép màu nào đến”.

Sau vụ phượng đổ, những cái cây trong trường bị đốn chặt khắp nơi.

Nhưng sau đổ phượng, một cánh cổng trường học tiếp tục đổ xuống: 3 học sinh, lần đầu trong đời được đến trường, “rơi tả ly (tiếng địa phương) không thành người rồi”.

Sự việc chưa kịp lắng xuống thì chiếc quạt trần trong phòng học một trường tiểu học bất ngờ… bung cánh, văng vào trán, giữa hai đầu lông mày một học sinh lớp 2.

Và, đến hôm qua, bức tường ngay bên cổng một ngôi trường ở Nghệ An tiếp tục đổ sụp. Nạn nhân: Một học sinh lớp 5, đã tử vong sau đó.

Những đứa trẻ chết vì tai nạn ở ngay trường học. Đó là một thực tế rất kinh khủng và không thể chấp nhận được.

Hôm qua, khi dư luận đặt câu hỏi về chiếc cổng không có cốt thép, một lãnh đạo huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho rằng, cổng trường không có cốt thép là hoàn toàn bình thường. Lý do, là vì “điều kiện địa phương khó khăn nên xây trụ gạch cho tiện dụng!”.

Còn đơn vị thiết kế cho biết, thiết kế không có cốt thép vì “ít tiền, cả hàng rào và cổng bêtông chỉ khoảng mấy triệu”.

Khó khăn có thể là một thực tế. Ít tiền có thể là một sự thật. Nhưng khó khăn không phải là một lý do có thể chấp nhận để tiếp tục cho phép tồn tại những công trình có thể gây nguy hiểm. Còn tiền bạc, liệu bao nhiêu để mua đủ tính mạng của những đứa trẻ.

5 ngày, 3 vụ, 4 đứa trẻ thiệt mạng. Quá nhiều. Quá đủ, để ngành giáo dục cũng như các địa phương một lần quyết liệt “kiểm tra rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chúng ta không chỉ nói đau lòng suông được nữa.

Chúng ta không thể chấp nhận “hoàn cảnh”, “ít tiền” hay “thờ ơ” để những đứa trẻ phải đối mặt với những công trình với chất lượng chẳng khác những cái bẫy. Chúng ta lại càng không thể đối phó theo kiểu đổ phượng thì chặt cây.

“Đã không có một phép màu nào đến” – câu nói đau khổ và tuyệt vọng của người cha cậu học trò không may mắn hôm nào cũng cho chúng ta biết thêm rằng: Chẳng có phép màu nào hết nếu chúng ta không tự tạo ra nó.

 

NGUỒN:  Theo Báo Lao Động

Link bài Đừng chỉ…

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dung-chi-dau-long-suong-835365.ldo

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *