Nguyên Đức / Đầu tư Online
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/6/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, có 752 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 6,5% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt trên 4,94 tỷ USD (giảm 48,2% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, còn có 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 5,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỷ USD (tăng 65,6% so với cùng kỳ); 1.707 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 8% so với cùng kỳ), với tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,27 tỷ USD (tăng 41,4% so với cùng kỳ).
Cơ cấu đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm theo thành phần vốn đầu tư |
Nhận định về con số này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đã tiếp tục tăng mạnh, lần lượt là 65,6% và 41,4%.
Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn điều chỉnh nếu tính riêng từng tháng, ngoài tháng 3 và tháng 5 giảm, thì các tháng còn lại đều tăng mạnh với mức tăng giao động từ 90% tới gần 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, vốn điều chỉnh tháng 1 tăng 2,69 lần; tháng 2 tăng 2 lần; tháng 4 tăng 90%; tháng 6 tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tuy tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn có chậm lại so với 5 tháng đầu năm song quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượt điều chỉnh vốn tăng 5,9%, nhỏ hơn mức tăng 15,5% trong 5 tháng. Nhưng quy mô điều chỉnh vốn bình quân 6 tháng/2022 đạt gần 14 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn nhiều so với con số này trong cùng kỳ năm 2021 là 8,9 triệu USD/lượt điều chỉnh.
Đặc biệt, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong 6 tháng đầu năm.
“Vốn đầu tư điều chỉnh tăng cao, một mặt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. Mặt khác phần nào phản ánh tác động của lạm phát, giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Trong nửa đầu năm 2022, nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ đã tăng vốn đầu tư |
Trong khi đó, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng tuy tiếp tục giảm song mức độ giảm đã được cải thiện dần so với các tháng đầu năm. Tính riêng từng tháng, nếu như các tháng từ tháng 1 đến tháng 4 vốn đăng ký mới giảm mạnh thì sang tháng 5 và tháng 6, nguồn vốn này đã tăng lần lượt 12,8% và 14,6% so với cùng kỳ.
“Dù vậy, nguyên nhân tăng một phần do vốn đăng ký mới của các tháng 5 và 6 năm 2021 bị giảm mạnh bởi ảnh hưởng của các chính sách kiểm soát dịch khi biến thể Delta bùng phát lần thứ tư và lây lan nhanh tại Việt Nam. Xét về giá trị, nguồn vốn này cũng đang có xu hướng tăng dần theo từng tháng trong năm 2022 nhưng mức tăng chưa cao và chưa được như kỳ vọng”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Tuy vốn đăng ký là vậy, song vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm, đạt gần 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 1 điểm phần trăm so với 5 tháng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học – công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 442,6 triệu USD và 408,5 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Tuy nhiên, xét về số lượng dự án mới thì bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học – công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,1%, 25,4% và 16,5% tổng số dự án.
Về đối tác đầu tư, đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 26,6% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 2,66 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư, tăng 29,6% so với cùng kỳ.
Với dự án Lego tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông.