Gây khó cho nhà tuyển dụng, thu hẹp cơ hội của người lao động

Lê Thanh Phong/ Báo Lao Động

—–

Việt Nam có Bộ luật lao động, dưới Bộ luật này có nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Có thể khẳng định, Bộ luật lao động đủ để điều chỉnh mọi quan hệ lao động trong xã hội, không cần thêm một quy định nào đi ngược lại với các quy định đã được ban hành.

Dự thảo Nghị định “Quy định việc tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam” đã có những quy định xung đột với Bộ luật lao động.

Các cá nhân, tổ chức nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, khi đã được cấp phép, thì các đối tượng này có quyền tuyển dụng lao động. Quan hệ lao động giữa cá nhân, tổ chức nước ngoài và người lao động thực hiện theo các quy định của pháp luật về lao động.

Người lao động Việt Nam tìm việc làm và làm việc là quyền tự do của của công dân đã được Hiến định, nếu có một cơ quan nào bắt buộc công dân Việt Nam phải thông qua đó mới được đi làm việc thì không phù hợp với quy định của pháp luật.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một môi trường hành chính công hiện đại, lành mạnh, giảm tối đa thủ tục. Cho nên, những quy định gây khó khăn, cản trở cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đều đi ngược lại với chủ trương cải cách hành chính mà Việt Nam đang hướng tới.

Hội nhập với thế giới trước hết là xóa bỏ những nếp tư duy đã quá cũ. Công dân của các nước làm việc khắp nơi trên thế giới, cho các tổ chức đa quốc gia, những tập đoàn xuyên biên giới. Vậy thì, không nên có quy định gây cản trở trong việc tuyển dụng lao động của bất cứ tổ chức nào tại Việt Nam.

Trần Quí Thanh

—–

Dự thảo Nghị định “Quy định việc tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam” đưa ra những quy định làm khó cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài và gây cản trở cho người lao động.

Điều 6 quy định: “… tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển; quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển; đề nghị tuyển người lao động Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam. Trong văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng”.

Như vậy câu hỏi đặt ra là “Tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam” có gây khó cho nhà tuyển dụng, thu hẹp cơ hội của người lao động? Câu trả lời là có.

Tổ chức này bắt buộc phía tuyển dụng phải nộp đơn xin tuyển lao động với đầy đủ yêu cầu. Người lao động muốn làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng phải qua “ông cai” này, ông cho làm mới được làm.

Việt Nam đã có đầy đủ hệ thống luật pháp điều chỉnh quan hệ lao động, từ Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Người lao động không cần phải thêm bất cứ một giấy phép con nào nữa mới được làm việc.

Điều 35 của Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Vậy tổ chức này có đứng trên cả Hiến pháp?

Điều 5, Bộ luật Lao động quy định người lao động có quyền: “Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”. Tổ chức này cũng đứng trên cả Bộ luật Lao động luôn.

Xin hỏi, phải qua tổ chức này để xin việc có còn “tự do lựa chọn việc làm” và “không bị phân biệt đối xử” hay không?

Điều 10, Bộ luật Lao động quy định về quyền làm việc của người lao động: “(1) Được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. (2) Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khoẻ của mình”.

Xin hỏi, bắt buộc phải qua tổ chức này để xin việc làm thì có vi phạm quy định trên hay không?

Việc quy định này còn làm xấu đi môi trường hành chính của Việt Nam, cản trở các cá nhân, tổ chức nước ngoài đến Việt Nam. Nếu như các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã được phép hoạt động, thì họ được quyền tự do tuyển dụng lao động và tuân thủ pháp luật Việt Nam về lao động.

Họ không cần thêm một “ông cai” nào nữa.

 

NGUỒN:  Theo Báo Lao Động

Link bài: Gây khó…

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/gay-kho-cho-nha-tuyen-dung-thu-hep-co-hoi-cua-nguoi-lao-dong-843535.ldo

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *