‘Giải cứu’ không phù hợp sẽ gây lãng phí

Hoàng Thắng/ Báo TBKTSG

Một nhà hàng tại TPCHM xếp ghế, đóng cửa theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 của chính quyền. (Ảnh: TTXVN).

—–

Cấp cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng giống như cấp cứu bệnh nhân, phải kịp thời, nếu chậm thì có thể bệnh nhân tử vong.

Hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp gặp lúc khó khăn cũng giống như chữa cháy, lực lượng chữa cháy chậm chạp, thì mọi thứ bị thiêu trụi trước khi có nước tưới xuống.

Miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp là chính sách đúng đắn, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế lại chưa phù hợp, làm lãng phí nguồn lực và không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đưa ra quá nhiều điều kiện để được hỗ trợ thì chính các yêu cầu đó là sự cản trở doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.

Bắt buộc phải làm quá nhiều thủ tục mới được hỗ trợ thì chính doanh nghiệp cũng không muốn thực hiện vì quá mệt mỏi và mất thời gian.

Theo số liệu của nhóm nghiên cứu là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và JICA, chỉ có hơn 80 trên tổng số 380 doanh nghiệp ở Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa nhận được hỗ trợ, chiếm tỉ lệ 22,25%, cho thấy chính sách thì rất hay, nhưng thực hiện thì không đạt yêu cầu.

Cho nên từ thực tế này, cần rút kinh nghiệm cho những lần hỗ trợ sau, đó là thủ tục nhanh gọn, công bằng, bình đẳng. Dứt khoát bỏ tư duy xin cho, ban phát ân huệ, thay vào đó là thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trần Quí Thanh

—–

Một số chính sách miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 được các chuyên gia đánh giá là thiếu hợp lý, khiến nguồn lực hỗ trợ bị lãng phí và tạo ra sự bất bình đẳng trong nền kinh tế.

Có tình trạng miễn giảm thuế, phí chưa đồng bộ, thiếu hợp lý

Loạt chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu tác động từ dịch Covid-19 của Chính phủ chưa thể lan toả tới đông đảo doanh nghiệp khi chỉ có hơn 80 trên tổng số 380 doanh nghiệp ở Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa – tương ứng tỷ lệ 22,25% – nhận được hỗ trợ, theo báo cáo “Đánh giá các chính sách ứng phó với Covid-19 và các khuyến nghị” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân và JICA thực hiện.

Nhóm chuyên gia của hai cơ quan này cho biết, các doanh nghiệp có quy mô từ 50 đến dưới 200 lao động có tỷ lệ được hỗ trợ cao nhất, chiếm tỷ lệ 37,74%. Tiếp đến là các doanh nghiệp có quy mô lớn – từ 200 lao động trở lên – với tỷ lệ được hỗ trợ là 34,04%. Còn tỷ lệ doanh nghiệp sở hữu dưới 10 lao động được hỗ trợ chỉ khoảng 13%.

Như vậy, tỷ lệ các doanh nghiệp có quy mô lớn nhận được hỗ trợ từ Chính phủ lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Lý giải nguyên nhân, nhóm chuyên gia cho rằng các chính sách hỗ trợ không thực sự tạo động lực để các doanh nghiệp quy mô nhỏ thực hiện thủ tục xin hỗ trợ.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng Covid-19 tồn tại nhiều bất cập ở khâu thực thi khi doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp với chi phí lớn, gồm: lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ.

“Với các thủ tục này, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ – nhóm cần hỗ trợ nhất, có thể lại là nhóm khó tiếp cận chính sách nhất. Sự sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai cũng có thể khiến tiến độ hỗ trợ bị chậm trễ”, nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và JICA nhận định.

Với chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỉ theo Nghị quyết 116/2020 của Quốc hội Nghị định số 114/2020 của Chính phủ, nhóm chuyên gia cho rằng đối tượng thụ hưởng của chính sách là những doanh nghiệp làm ăn có lãi – nhóm doanh nghiệp đang hưởng lợi hoặc ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, chính sách này chưa thực sự hướng đến các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.

“Phương thức hỗ trợ này chưa phù hợp, làm lãng phí nguồn lực đang rất hạn hẹp, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp và có thể khiến môi trường kinh doanh xấu đi”, nhóm chuyên gia nhận xét.

Với chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020, tổng số tiền được gia hạn thời hạn nộp chỉ là 87.232 tỉ đồng, tính tới 31-12-2020.

Theo nhóm chuyên gia, chính sách gia hạn nộp thuế chưa phát huy hiệu quả do thời hạn giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp quá ngắn nên các doanh nghiệp không được hưởng lợi nhiều. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không có phát sinh thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do không thể triển khai hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã hoàn thành việc nộp thuế cho năm 2019 trong quí 1-2020 nên không làm giấy đề nghị gia hạn.

Về chính sách gia hạn nộp tiền thuê đất, nhiều doanh nghiệp đã nộp một lần do đó doanh nghiệp không xin gia hạn, theo nhóm chuyên gia.

Tương tự, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc xác định đối tượng được gia hạn thuế dựa trên tiêu chí của Nghị định 41/2020 dẫn tới tình trạng bỏ sót những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp từ dịch Covid-19, gồm: doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi các quyết định cách ly, phong tỏa, buộc dừng hoạt động do có trụ sở, địa điểm, cơ sở sản xuất – kinh doanh nằm trong khu vực cách ly theo quyết định của cơ quan Nhà nước; doanh nghiệp có ít nhất 20% số lao động trở lên thuộc diện cách ly bắt buộc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Với các chính sách miễn, giảm phí và lệ phí, cơ quan này cũng chỉ ra nhiều điểm chưa hợp lý. Cụ thể, mức phí cấp giấy phép kinh doanh với một số lĩnh vực gồm: lữ hành quốc tế; lữ hành nội địa; thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng; giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán được giảm 50% so với mức phí hiện hành.

Còn mức phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động với một số lĩnh vực gồm: kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động chỉ giảm 30% so với mức phí hiện hành.

Ngoài ra, mức lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán không được giảm. Nhưng mức lệ phí cấp chứng chỉ hoạt động hành nghề xây dựng và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch lại được giảm 50% so với mức hiện hành.

Nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và JICA cho biết, có 54,6% số doanh nghiệp trong gần 300 doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ cho biết họ không đáp ứng được điều kiện để được hỗ trợ.

Ngoài ra, gần 26% số doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ và gần 15% số doanh nghiệp cho rằng quy trình, thủ tục hỗ trợ còn quá phức tạp nên họ muốn tiếp cận các gói hỗ trợ.

Những điều này khiến VCCI băn khoăn về tính thực chất và nhất quán trong các chính sách được ban hành.

“Đều là hoạt động thẩm định của cơ quan nhà nước với các điều kiện kinh doanh để cấp giấy phép cho doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ giảm phí ở các lĩnh vực lại khác nhau đưa đến những băn khoăn cho các doanh nghiệp thụ hưởng”, VCCI chia sẻ.

Đề xuất miễn, giảm thuế giá trị gia tăng

Đề xuất giải pháp, nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và JICA cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và theo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí.

Cụ thể, những ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần, là: du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục – đào tạo.

Với chính sách thuế, nhóm chuyên gia này cho rằng Chính phủ nên kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung bổ sung đối tượng gia hạn đến hết quý 2-2021 để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí.

Bên cạnh đó, cần xem xét hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp ở một số lĩnh vực gồm: lưu trú khách sạn, du lịch, vận chuyển, chuyên chở trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch.

Lý giải đề xuất của mình, nhóm chuyên gia cho rằng thuế giá trị gia tăng có diện điều tiết rộng hơn thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, thuế này nằm trong cơ cấu giá bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nên chỉ cần phát sinh doanh thu từ hoạt động sản xuất – kinh daonh thì sẽ phát sinh tiền thuế, dù kết quả kinh daonh có thua lỗ hay không.

Ngoài ra, cần hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Với dự án đầu tư thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, nhóm chuyên gia đề xuất rút ngắn thời gian xem xét hoàn thuế từ 40 ngày xuống 20 ngày.

Với gói tín dụng, cần sớm sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và kéo dài thời gian cơ cấu lại nhóm nợ đến cuối năm 2021. Nếu không chắc chắn nợ xấu sẽ tăng đột biến và gây cú sốc cho hệ thống ngân hàng, theo nhóm chuyên gia.

 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: ‘Giải cứu…’

https://www.thesaigontimes.vn/td/312771/giai-cuu-khong-phu-hop-se-gay-lang-phi.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *