Trần Quí Thanh
—–
Xem những hình ảnh y – bác sĩ trên tuyến đầu chống đại dịch quả thực không kìm nén được xúc động. Tui vẫn bị ám ảnh câu chuyện cháu bé bật khóc đòi mẹ về khi nhìn thấy mẹ trên ti vi.
Thử mặc cái áo mưa khi trời không mưa, sẽ cảm nhận được sự tra tấn của một người phải mặc bộ đồ bảo hộ đó suốt ngày ở xứ sở nhiệt đới này.
Có rất nhiều y bác sĩ tình nguyện vào nơi hiểm nguy, những chuyến bay giải cứu người Việt Nam ở các tâm dịch chứng minh lòng dũng cảm của thầy thuốc.
Những người trụ vững trong các bệnh viện để cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19, những người lăn xả ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, từ thôn xóm tới khu phố đến khách sạn. Họ căng mình ra giữa một trận chiến với kẻ địch vô hình.
Đừng nói rằng, y bác sĩ thì phải có trách nhiệm cứu người, ngành y thì phải làm cái việc dập dịch. Đương nhiên là vậy, nhưng những gì mà các thầy thuốc Việt Nam đã làm thì còn hơn cả trách nhiệm, đó là sự hy sinh.
Tui thường tìm điều tích cực giữa khi có điều không may, và điều mà tui nhìn thấy ở giữa cơn đại dịch này chính là truyền thống “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam. Đúng là các y bác sĩ đã yêu thương tha nhân như chính bản thân mình.
Đã có nhiều lời ca ngợi, tôn vinh cái đẹp của thầy thuốc Việt Nam trong đại dịch, nhưng tui nghĩ như vậy chưa đủ, mà phải giảm gánh nặng cho lực lượng này mới là điều cần làm hơn.
Chúng ta yêu thương, quí trọng, tôn vinh thầy thuốc, nhưng hãy biến điều đó bằng hành động, đó là chấp hành tốt các quy định, để đừng thêm ai là F0, F1, F2.
Giảm bớt gánh nặng cho Y bác sĩ, đất nước cũng bớt nhọc nhằn.
Sài Gòn, ngày 09/06/2021
TQT