Hồ Quốc Tuấn / VNExpress
Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên, Đại học Bristol, Anh)
“Cổ phiếu sắp tới đáy chưa anh? Em gồng sắp hết nổi rồi, em có nên cắt lỗ không? Đó là toàn bộ tích cóp của gia đình, em không dám nói cho người nhà biết”.
Tôi nhận được nhiều tin nhắn như vậy do thị trường cổ phiếu liên tục giảm điểm mạnh gần đây. Rất nhiều người mua cổ phiếu, thậm chí crypto (tiền mã hóa) rồi vay tiền, sử dụng đòn bẩy tài chính với hy vọng làm giàu nhanh. Khi thị trường tăng mạnh, họ khoe tăng “x lần” tài khoản. Tôi không thấy ai “khoe lỗ” nhưng thường nhận được rất nhiều tin nhắn hoảng loạn mỗi khi thị trường downtrend (trong xu hướng giảm).
Sử dụng đòn bẩy tài chính, margin (giao dịch ký quỹ) hay vay tiền đầu tư là những công cụ của thị trường, bản chất không xấu. Tuy nhiên, người chơi phải biết mình đang làm gì, có sức chơi, có sức chịu hay không, nếu không dễ bị công cụ “chơi” lại.
Nhìn về triển vọng của thị trường cổ phiếu Việt Nam, không khó để nhận ra rằng với kỳ vọng tăng trưởng trên 5% của Ngân hàng Thế giới mới đây, sự ổn định về chính trị, và sức hút về tiềm năng trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới ở ASEAN, Việt Nam vẫn sẽ là điểm sáng trong mắt nhà đầu tư quốc tế; và các cổ phiếu niêm yết của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Những trở ngại trước mắt về trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, các cuộc thanh lọc thị trường, chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. Không ai phủ nhận áp lực đối với lãi suất và tỷ giá khi Mỹ đang trong xu hướng tăng lãi suất. Tiền không còn rẻ và áp lực lạm phát là rõ. Nhưng đây không phải lúc tận thế và Việt Nam đang ở vị trí tương đối tốt để đương đầu.
Việt Nam còn không gian để tăng chi tiêu công và sự hồi phục sau dịch Covid-19 của nền kinh tế vào năm 2021 tạo ra một khoảng trống dư địa về tăng trưởng việc làm, du lịch, để chống chịu với khó khăn. Nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn có dòng tiền và khả năng chống chịu, thậm chí tăng trưởng tốt với các xu thế mở cửa kinh tế, tăng xuất khẩu, đầu tư công, và chuyển đổi số. Một vài cổ phiếu tốt mà tôi chú ý không giảm giá mạnh.
Vấn đề ở chỗ, những cổ phiếu đó không giảm mạnh, cũng không tăng quá nhanh kiểu “x lần”, thì không phải khẩu vị cho những bạn muốn tìm nhóm cổ phiếu lên nhanh xuống mạnh như cổ phiếu “họ nhà FLC” để đầu cơ. Ngay cả sau khi tin Chủ tịch FLC bị bắt, vẫn có một lượng lớn tiền vào “bắt đáy” các cổ phiếu này.
Không phải ai cũng biết kiểm soát lòng tham của mình. Và vì vậy chuyện thua lỗ, bán tháo cùng biết bao sự việc đau lòng do mất trắng tiền của gia đình cũng từ đây mà ra. Chứng khoán, bất động sản hay tiền mã hóa, thứ nào cũng vậy. Đầu tư vững chắc sẽ có thể kiếm tiền, còn vay nợ đánh vào những cửa đầu cơ, thì cũng không khác gì cờ bạc
Trong dịp tham dự Diễn đàn kinh tế TP HCM 2022, tôi gặp một nhà đầu tư trẻ khá thành công. Bạn chỉ ra rằng cách đầu tư chắc ăn, chọn cổ phiếu tốt, giữ dài hạn mà tôi thường khuyến khích không đủ để những người lương 8-10 triệu đồng ở một thành phố lớn đổi đời.
“Bao giờ chúng em mới có thể mua nhà được nếu đầu tư như anh? Tăng tài khoản vài lần sau chục năm là quá chậm, nhất là với vốn nhỏ”, bạn nói. Vì vậy đặt cược hay mua kiểu xổ số các cổ phiếu đầu cơ hoặc tiền mã hóa, những thứ có thể tăng mạnh, là cách có vẻ hợp lý nhất. Ai bắt đúng “sóng” và thoát ra kịp thời thì vẫn kiếm được tiền. Nếu bị “kẹt” mà vẫn cắt lỗ được thì vẫn ổn. Nói cách khác, đây chỉ là một khẩu vị đầu tư rủi ro cao trong muôn vàn khẩu vị đầu tư của thị trường.
Tâm lý làm muốn giàu nhanh còn nằm ở sự chênh lệch giàu nghèo của xã hội, và ở sức ép, động lực phải thể hiện mình với bạn bè cùng trang lứa của không ít bạn trẻ. Đây là một vấn đề xã hội chứ không đơn giản là giáo dục tài chính cá nhân hay chỉ cho người ta phương pháp đầu tư đúng, ít rủi ro.
Câu hỏi bao giờ cổ phiếu chạm đáy, hay lúc nào nên cắt lỗ không bao giờ có câu trả lời chính xác. Nhưng cũng không quá khó để nhìn thấy những người đang dần rơi vào cái bẫy của giấc mộng giàu nhanh khi họ liều lĩnh “chơi” với những công cụ đầy rủi ro trong khi chưa trang bị đầy đủ kiến thức.
Không ai biết trước một thương vụ đầu tư sẽ lời hay lỗ. Vấn đề ở đây là tính toán như thế nào. Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo nếu sai thì có thể cắt lỗ, và nếu lỗ hết khoản đầu tư đó cũng không ảnh hưởng lớn đến gia đình, bản thân; và còn có thể làm lại. Với đa số những người đầu tư thành đạt trong ngành tài chính, ngân hàng mà tôi biết, câu chuyện chỉ có vậy.
Nguồn: https://vnexpress.net/giau-nhanh-bang-co-phieu-4453946.html