Hãy lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế

Trần Quí Thanh


Nguồn: Internet

 
Tui đã có bài “Tăng thuế GTGT, người dân phải đồng cam cộng khổ cùng Chính phủ” để chia sẻ câu hỏi của bạn Hoàng Lưu Hiệp, hôm nay thấy có nhiều báo phân tích, bình luận về vấn đề này, tui cũng xin có ý kiến thêm.

Trong khi nhà nước đang gặp khó khăn về ngân sách thì một trong các giải pháp giải quyết là thu thuế, chúng ta cần phải chia sẻ với nhà nước, cụ thể là thực hiện nghĩa vụ thuế thật nghiêm túc và xem đóng thuế là trách nhiệm công dân.

Còn bàn về các chính sách thuế, sẽ có các chuyên gia kinh tế và chính sách phân tích, góp ý để Bộ Tài chính tham khảo, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Riêng tui nghĩ, cho dù điều chỉnh cách nào, thì cũng trên cơ sở giảm tối đa gánh nặng cho nhóm người thu nhập thấp. Hiện nay, mức lương của đa số công nhân lao động vừa ở đủ sống gói ghém, nếu phải đóng thêm một khoản thuế thì sẽ rất khó khăn.


Mọi chi phí sinh hoạt của người dân sẽ đội lên nếu VAT tăng. Ảnh: Zuma.(Theo VnExpress)

Báo VNEXPRESS đưa ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, cho rằng Bộ tài chính nên cân nhắc việc tăng thuế, vì nếu tăng quá mạnh có thể gây tác dụng ngược. Chuyên gia Ngô Trí Long lại đưa ra ý kiến ngược, đó là nên giảm thuế bởi khi đó tổng số thu ngân sách mang về có thể lớn hơn.

Trên trang cá nhân của mình, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cảnh báo hãy cẩn thận với quyết định tăng thuế VAT, ông phân tích:
 
“Thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn – do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
 
Quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả”.
 
Phân tích của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh và các chuyên gia kinh tế rất đáng để Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét.
 
Sài Gòn 18/8/2017

TQT
 
Link bài: Nỗi lo oằn lưng “cõng” chi phí nếu tăng thuế

 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *