ThS. Trương Văn Đạt – Đại học Y Dược TP.HCM/ Báo DNSG
Virus SARS-CoV-2 đã biến chủng, chủng Delta, Delta+ xuất hiện làm cho ngành y phải thay đổi phương thức chống dịch, kinh tế cũng vậy, giải pháp phục hồi cũng phải thay đổi linh hoạt thích ứng với từng giai đoạn, từng vùng, từng doanh nghiệp (DN).
TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Từ lúc đợt dịch lần thứ tư xuất hiện đến nay, số ca nhiễm tăng nhanh, buộc phải thay đổi cách chống dịch để vừa thực hiện an sinh xã hội vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn đầu là truy vết ca nhiễm, nghi nhiễm (F0) để chữa trị và cách ly, tìm ra ổ dịch, nguồn lây nhiễm. Một thời gian, nhiều ổ dịch không rõ nguồn lây, ngành y tế tổ chức xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng và tăng cường truy vết, có nơi gần như 100% người dân được xét nghiệm và được hỗ trợ cách ly. Khi số ca nhiễm vượt quá 70.000, cơ sở y tế và cơ sở cách ly quá tải, nhiều ca tử vong, phải cho phép các F0 không triệu chứng, F1 tự chữa trị và cách ly ở nhà theo quy định của Bộ Y tế để ngành y tập trung điều trị, chăm sóc những ca bệnh có triệu chứng, bệnh nặng với mục tiêu giảm tử vong, đồng thời đẩy mạnh tiêm vaccine khi nguồn cung đang được đáp ứng dần. Song song đó, ngành y đã ứng dụng công nghệ số để tư vấn, hỗ trợ người bệnh tại nhà và khu cách ly.
Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân mà nền kinh tế cũng bị tổn thương nặng nề. Nhiều DN phải đóng cửa, hoặc nếu có hoạt động thì không đủ nhân lực, người lao động không an tâm sản xuất. Với mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa giữ vững kinh tế, mô hình “ba tại chỗ” xuất hiện để tạo điều kiện cho nhiều DN yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 đã biến chủng, chủng Delta, Delta+ xuất hiện làm cho ngành y phải thay đổi phương thức chống dịch, kinh tế cũng vậy, giải pháp phục hồi cũng phải thay đổi linh hoạt thích ứng với từng giai đoạn, từng vùng và từng DN.
Nếu như trước đây tại Bắc Giang, Bắc Ninh, mô hình “ba tại chỗ” thành công vì dân số ít và tỷ lệ tiêm vaccine cho công nhân khá cao, vì vậy tỷ lệ ca nhiễm trong DN giảm dần, công nhân an tâm sản xuất, thì tại TP.HCM với dân số đông và biến chủng Delta xuất hiện thì giải pháp “ba tại chỗ” cũng cần phải thay đổi. Nhiều ý kiến rất hay được doanh nhân “hiến kế” cho Thành phố và đang được áp dụng.
Chẳng hạn, để duy trì tốt “ba tại chỗ” trong giai đoạn này thì cần phải bổ sung thêm “một tại chỗ” thành giải pháp “bốn tại chỗ”, đó là sản xuất tại chỗ, ăn ngủ tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ, cách ly tại chỗ.
Nhiều DN áp dụng “ba tại chỗ” đã rất lúng túng. Thứ nhất là tâm lý của công nhân. Vừa sản xuất, vừa ăn nghỉ ngủ tại chỗ thì nguy cơ lây nhiễm trong công ty là rất cao và thực tế một số DN đã bị “thủng lưới” vì những kẽ hở, như khâu giao nhận hàng hóa, công nhân không tuân thủ phòng dịch. Thứ hai, DN thiếu nguồn lực và chuyên môn y tế tại chỗ. Khi xuất hiện ca nhiễm thì sẽ cách ly, truy vết, điều tra dịch tễ như thế nào cho đúng để không để sót F1 là một vấn đề rất khó. Thứ ba, tất cả bệnh viện đều quá tải nên việc chuyển viện điều trị, cấp cứu vô cùng khó khăn vào thời điểm này. Thứ tư, việc tiêm vaccine cho tất cả công nhân không thể hoàn thành sớm. Vì thế giải pháp “bốn tại chỗ” với mục tiêu nâng cao năng lực y tế cho DN cũng giống như thiết lập “vùng xanh” tại chỗ cho DN. Ngành y tế và DN bắt tay nhau để có thể giải quyết những khó khăn, trở ngại nêu trên, góp phần thực hiện “tại chỗ thứ tư”. Đó là:
Một, lập kênh liên lạc giữa y tế và DN thông qua ứng dụng công nghệ thông tin mà Telemedicine là giải pháp hữu hiệu. Từ xa, bác sĩ có thể tư vấn, hướng dẫn chăm sóc y tế cho công nhân nghi nhiễm, nhiễm không triệu chứng, hoặc chờ được đưa đi điều trị khi họ đang tự cách ly tại DN. Điều này rất quan trọng vì khi đó công nhân sẽ bớt lo lắng, hoang mang, làm cho người khác cũng yên tâm để tập trung sản xuất.
Hai, ngành y tế hỗ trợ DN xây dựng “Sổ tay sức khỏe Covid-19” để công nhân tự theo dõi sức khỏe, xây dựng mô hình dự báo sớm ổ dịch thông qua việc khai báo triệu chứng của công nhân. Chuyên gia dịch tễ sẽ kiểm tra định kỳ để tư vấn sớm cho DN. DN xây dựng quy trình ”tự cách ly” khi xuất hiện ca nhiễm.
Ba, định kỳ tổ chức sinh hoạt trực tuyến về y tế. Tại đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn công nhân chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và đặc biệt là tư vấn tâm lý – một yếu tố quan trọng để công nhân yên tâm làm việc. Bên cạnh đó là huấn luyện phương pháp tự xét nghiệm nhanh tại chỗ để sớm sàng lọc, phát hiện ca bệnh, kích hoạt quy trình tự cách ly.
Bốn, cần tổ chức tiêm vaccine sớm và đảm bảo cung ứng đủ nguồn vaccine cho công nhân để hạn chế lây nhiễm.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: Hãy thêm…
https://doanhnhansaigon.vn/