Trần Quí Thanh
Đọc tin Công ty CPF, Thái Lan sản xuất phở Việt Nam và bán chạy nhất ở Mỹ, với sản lượng hai triệu sản phẩm mỗi ngày, tui không hề bất ngờ, vì đó là quy luật của kinh tế thị trường. Mà thị trường ở đây là thị trường toàn cầu, thị trường trong “thế giới phẳng” như Thomas Friedman đã nói từ nhiều năm trước.
Cái đau ở chỗ, phở là món ăn quốc hồn quốc tuý của Việt Nam, nhưng người Thái lại khai thác kinh doanh thành công trên đất Mỹ. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp sản xuất bún, phở, miến, nhưng không ai bước chân sang Mỹ để xây dựng nhà máy. Cộng đồng người Việt ở Mỹ khá hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân, nhưng vẫn trao cơ hội vào tay người Thái.
Người Thái đi trước chúng ta về kinh tế thị trường nên doanh nhân của họ có tư duy thị trường sâu hơn, có tầm nhìn rộng hơn. Họ không ngại “phở” là món ăn của Việt Nam nên để doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Họ tư duy rằng, “phở” là tài nguyên của nhân loại, có tiềm năng kinh doanh mang lại lợi ích, thế là họ đầu tư. Tư duy và tầm nhìn toàn cầu là vậy.
Xét cho cùng, nếu Công ty CPF không mở nhà máy sản xuất phở Việt Nam cung cấp cho thị trường Mỹ, thì doanh nghiệp Việt vẫn không thêm được đồng vào vào túi, và cũng phí cho thương hiệu phở của Việt Nam mà thôi.
Nếu có tiếc thì cũng tự trách mình, “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.
Việt Nam có cơ quan xúc tiến thương mại, nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, nhưng không thấy có sự hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia vào thị trường Mỹ với “tài sản” phở trong tay. Chúng ta thất bại không chỉ từ tư duy nhỏ hẹp của doanh nghiệp, mà sự thiếu vắng tư duy toàn cầu của quốc gia. Điều này sẽ là nguy cơ, bởi vì không chỉ phở, mà còn các món ăn nổi tiếng thương hiệu Việt khác như bún bò Huế, bánh canh, miến, bún gạo… cũng sẽ giao vào những doanh nghiệp nước ngoài có tầm nhìn xa và kinh nghiệm đầu tư.
Việt Nam có nhiều bộ, ngành đi nước ngoài để nghiên cứu thị trường, tốn tiền tấn, nhưng vấn đề không phải là tốn bao nhiêu tiền mà là hiệu quả mà các chuyến đi đó mang lại. Một trong những thước đo của hiệu quả là hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu đến các nước, doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Nhưng với kinh nghiệm làm doanh nghiệp Việt hết một đời người, tui nghĩ rằng, doanh nghiệp hãy tư duy sáng tạo, đầu tư nguồn lực để tự mình bơi ra biển lớn, không trông mong gì sự hỗ trợ có hiệu quả từ các cơ quan thương mại, hiệp hội.
Sài Gòn ngày 25/06/2018
TQT
Đọc thêm bài, link: Phía sau chuyện người Thái bán phở Việt rôm rả ở Mỹ
(http://nguoidothi.net.vn/phia-sau-chuyen-nguoi-thai-ban-pho-viet-rom-ra-o-my-14177.html)