Học Apple, Tân Hiệp Phát khi doanh nghiệp cần phải “lột xác” để tái cấu trúc, startup lần thứ hai

Nguyễn Trung Hiếu/ Báo ANTĐ
CEO Trần Quí Thanh trong phóng sự về Tân Hiệp Phát trên Financial Times – Thời báo Tài chính (Anh).
Một vấn đề có thể nói là bài toán cực kỳ hóc búa, nan giải mà những người làm startup có thể chưa lường hết được: đó là đòi hỏi tái cấu trúc doanh nghiệp khởi nghiệp để thích nghi với tình hình mới sau thành công bước đầu mà họ gặt hái được! Bởi nếu không có lời giải đúng, doanh nghiệp startup có thể  đi vào ngõ cụt hoặc hứng chịu thất bại.

Khi nói về khởi nghiệp, người ta hay nhắc tới những khó khăn trong việc duy trì hiệu quả của mô hình hoạt động doanh nghiệp, khi các ý tưởng đã được hiện thực hóa vào thực tế và đem lại hiệu quả bước đầu. Bởi rất nhiều dự án khởi nghiệp đã phải hứng chịu thất bại khi những người đứng đầu không có đủ sự kiên trì và tỉnh táo để giữ vững mô hình của mình sau thành công bước đầu. 

Suýt vỡ nợ nếu không startup lần thứ hai

Người bạn của tôi khởi nghiệp bằng một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và buôn bán phụ kiện điện thoại thông minh. Sau vài năm lăn lộn ở các thị trường trong và ngoài nước, chuỗi cửa hàng của anh lần lượt chiếm được những vị trí rất đẹp trên mặt phố lớn, công việc buôn bán nhờ vậy trở nên thuận lợi hơn. Thậm chí, dự án khởi nghiệp này “ăn nên làm ra” tới mức anh đầu tư cả chục tỷ đồng mua nhà gần mặt phố làm điểm kinh doanh phụ kiện.

Thế nhưng, đang trên đà thăng hoa, anh nhận ra sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ các đối thủ và quan trọng hơn, thị trường phụ kiện và điện thoại thông minh có dấu hiệu bão hòa. Những tín hiệu tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều hơn, thể hiện qua các con số doanh thu sụt giảm tới mức ngỡ ngàng…

“Lúc đó, tôi nghĩ mình phải thay đổi! Nhưng thay đổi thế nào khi phải chuyển hướng từ lĩnh vực mình đã đầu tư và thu lại hiệu quả lớn nhất? Đó quả thực là bài toán khó, rất khó, giống như khởi nghiệp lại vậy!”, anh chia sẻ.

Quả vậy, trong câu chuyện khởi nghiệp, người ta vẫn thường chỉ nói tới những khó khăn trong việc duy trì và phát triển dự án startup, mà ít khi đề cập đến yếu tố startup thành công bước đầu, và phải đối mặt với khủng hoảng, hoặc hoàn cảnh mới buộc những người chèo lái phải tái cấu trúc doanh nghiệp. Có thể nói, đây là bài toán hóc búa, bởi startup đã có thành công nhất định, việc “lột xác” để phát triển bền vững giống như khởi nghiệp… lại, không phải ai cũng làm được.

Trong tình huống này, người bạn của tôi suýt vỡ nợ, nhưng may sao anh ta kịp thời chuyển hướng mở rộng từ kinh doanh phụ kiện điện thoại sang cả phụ kiện xe hơi, camera hành trình. Để chuyển đổi, anh phải học lại từ đầu, lôi kéo những nhân tài trong lĩnh vực này về làm việc với mình, và thay đổi bước ngoặt nhiều yếu tố.

“Nếu không tái cấu trúc để thay đổi thì chắc chắn chỉ một thời gian ngắn là dự án của mình sụp đổ, vì thị trường cũ quá khó khăn. Tôi ví quá trình tái cấu trúc này giống như  “lột xác” vậy, tuy đau đớn nhưng không thể tránh khỏi, và sau mỗi lần  “lột xác” như vậy, doanh nghiệp lại lớn mạnh, có chiều sâu và nhiều cơ hội phát triển hơn”, anh chia sẻ.

Đi tìm bí quyết tái cấu trúc doanh nghiệp thành công

Là một tập đoàn tư nhân sản xuất nước giải khát hàng đầu Việt Nam, Tân Hiệp Phát từ một doanh nghiệp nhỏ đã trải qua không ít lần tái cấu trúc. Tân Hiệp Phát có cả một quá trình “lột xác”, đi lên với bề dày kinh nghiệm để định hình trở thành một trong những tên tuổi doanh nghiệp của quốc gia và châu Á trong làng nước giải khát và những chia sẻ của ông Trần Quí Thanh – người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát là sự đúc rút và trải nghiệm rất giá trị.

Trong một bài chia sẻ gần đây, ông Trần Quí Thanh đã chỉ rõ bí quyết tái cấu trúc doanh nghiệp thành công. CEO Tân Hiệp Phát phân tích: “Có 2 kịch bản khiến doanh nghiệp phải tái cấu trúc. Một là bị động, khi có khủng hoảng xảy ra đối với doanh nghiệp, bắt buộc phải tái cấu trúc để vượt qua khủng hoảng. Hai là chủ động, khi CEO nhìn thấy xu hướng phát triển, dự báo được thị trường nên tái cấu trúc để đáp ứng với điều kiện và môi trường kinh doanh mới. Hoặc có khi, để chuẩn bị ra sản phẩm mới, triển khai một đề án phát triển kinh doanh mới, thì tái cấu trúc để có bộ máy vận hành phù hợp”.

Người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, bí quyết quan trọng nhất quyết định tới sự thành bại của tái cấu trúc chính là nhân sự. Tái cấu trúc thường thay đổi dây chuyền sản xuất, áp dụng công nghệ mới, và đã là công nghệ mới thì phải tiết kiệm nhân lực, dẫn tới cắt giảm nhân sự. “Đây là điều khó khăn, vì người Việt mình thường trọng tình, cho một người nghỉ việc khi họ đã gắn bó với mình là xót lòng, thấy thương, tội nghiệp”, ông Trần Quí Thanh chia sẻ chân thành.

Nhân sự trong tái cấu trúc không chỉ là tinh gọn bộ máy, mà cần tuyển dụng người để tương thích với hệ thống mới. Tuyển đúng nhân sự giỏi đứng mũi chịu sào ở các khâu quan trọng nhất của tổ chức doanh nghiệp sẽ quyết định cho sự thành bại của tái cấu trúc. 

Theo nhà lãnh đạo tập đoàn Tân Hiệp Phát, việc tìm được người giỏi và tuyển dụng thành công đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải có “nghệ thuật”, trong đó mức đãi ngộ hợp lý đưa ra chỉ là một yếu tố, yếu tố khác thu hút nhân tài là “phải làm cho người giỏi thấy rằng, khi về làm với mình, họ được giải phóng năng lượng, có nguồn cảm hứng và đóng góp hữu ích cho doanh nghiệp và cho xã hội”.

Rõ ràng, tái cấu trúc doanh nghiệp không phải là quá trình dễ dàng, đặc biệt với các doanh nghiệp khởi nghiệp – khi họ vừa giành được những thành công bước đầu. Nhưng đây là quá trình không thể tránh khỏi, một khi người làm startup muốn doanh nghiệp của mình “lột xác” để trở nên lớn mạnh, thành công hơn.

Nhân sự giỏi quyết định sự thành – bại khi tái cấu trúc doanh nghiệp

Câu chuyện của Tân Hiệp Phát “lột xác” đi từ nhỏ tới lớn, đi từ địa phương ra sân chơi toàn cầu sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các tên tuổi lớn ở thị trường quốc gia và khu vực, là bài học kinh nghiệm hữu ích cho các doanh nghiệp startup. Cũng giống như vậy, tên tuổi lớn Apple, từ một công ty đứng trước bờ vực phá sản, doanh nghiệp này đã hồi sinh mạnh mẽ nhờ sự trở về của Steve Jobs, người trước đó bị chính Apple sa thải. Đúng như ông Trần Quí Thanh phân tích ở trên, nhân sự giỏi sẽ quyết định sự thành bại của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, được hình dung như thời điểm doanh nghiệp startup lại lần thứ hai, lần thứ ba,…, lần thứ n….

Apple ngày nay là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới. Có được thành công đó một phần lớn là nhờ vào nhân sự giỏi tái cấu trúc của người đồng sáng lập và là CEO Steve Jobs đã quá cố. Dù bây giờ người ta thường nói về những phát minh, sáng tạo mà Steve Jobs đã áp dụng vào các sản phẩm, nhất là trên iPhone, iPad; thế nhưng, trước khi có được những thành công ban đầu, Apple từng rơi vào thảm cảnh đứng trước nguy cơ phá sản, liên tục đổi CEO và lỗ triền miên quý này sang quý khác.

Năm 1996, Apple cần tái cấu trúc sau thành công ban đầu, nhằm cứu vãn tình hình bi đát của công ty. CEO của Apple khi đó là Amelio đã đàm phán mua lại NeXT, công ty máy tính do Steve Jobs lập ra và sở hữu sau khi ông bị Apple sa thải trước đó (vào năm 1985); với hy vọng rằng Steve Jobs sẽ làm cho Apple đổi khác sau thành công bước đầu. Cuối năm 1996, Apple công bố kế hoạch đưa Steve Jobs trở về sau 11 năm ông rời công ty, thông qua việc mua lại startup do Steve Jobs sở hữu là NeXT với giá 429 triệu USD.

NeXT của Steve Jobs thời điểm đó cũng là một startup tìm được cho mình phân khúc thị trường khi sản xuất và bán các mẫu máy tính chuyên làm đồ họa với công nghệ màn hình tiên tiến cho các trường đại học và ngân hàng. Apple hy vọng Steve Jobs đem lại sức sống mới cho máy tính Mac và cho cả Apple vốn lúc này đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất. 

Apple thời điểm giữa thập kỷ 1990 khủng hoảng tới mức khiến CEO và nhà sáng lập của Hãng Dell là Michael Dell, khi đó nói rằng nếu ông ở vai trò của Steve Jobs, ông sẽ đóng cửa công ty và trả lại tiền cho cổ đông. Nhờ sự định hướng tái cấu trúc doanh nghiệp kịp thời của Steve Jobs và sự giúp đỡ của Microsoft, Apple sau đó hoạt động có lãi. Vào năm 1998, Steve Jobs thuê một lãnh đạo tên Tim Cook để giúp Apple mở rộng tầm hoạt động ra toàn thế giới. Cook về sau trở thành CEO tên tuổi của Apple. 

Cả CEO Steve Jobs và CEO Trần Quí Thanh mà tôi đề cập ở trên đều là những nhà sáng lập doanh nghiệp tỉnh táo, thức thời. Họ đã có lý khi tái cấu trúc doanh nghiệp đúng thời điểm, đồng thời thu hút và lựa chọn được nhân tài trong quá trình tái cấu trúc, startup doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, thách thức!

 

Nguồn: Theo Báo An ninh Thủ Đô
Link bài: Học Apple, Tân Hiệp Phát…
(http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/hoc-apple-tan-hiep-phat-khi-doanh-nghiep-can-phai-lot-xac-de-tai-cau-truc-startup-lan-thu-hai/773238.antd)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *