Ngân Thạnh/ Báo Phụ nữ Tp HCM
Chuyện lớn trở thành nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có. Mọi chuyện xảy ra không ảnh hưởng đến trạng thái của tôi.
Sáng sớm, trong một con hẻm, tôi đang từ từ tấp xe vào lề thì có một chiếc xe đạp điện phóng vượt lên phía bên phải tôi. Thế là hai đầu xe va quệt nhau.
Tôi đi xe máy nên hơi chao đảo, còn chiếc xe đạp điện và người lái thì ngã sõng soài. Trong một giây định thần, tôi giữ thăng bằng chiếc xe của mình rồi tắt máy. Nhìn cô bé đang lồm cồm ngồi dậy, tôi nghĩ ngay: “Em ấy ổn, em ấy không sao. Nếu em và xe em có vấn đề gì thì tôi sẽ chịu trách nhiệm”.
Với sự bình tĩnh và tinh thần trách nhiệm vừa được kích hoạt, tôi đến phụ cô bé dựng xe lên, lấy cặp và bình nước rơi trên đường để vào giỏ xe cho em.
Tiếp sau đó là một vụ khác ở ngã ba đường lớn. Đã gần tám giờ sáng, mọi người vội vã đi làm nên chen nhau từng khoảng trống. Tôi cũng đang bơi bơi hai chân dưới đất để đẩy xe đi từng chút một.
Bỗng một cái xe khác đằng sau chồm lên cán bánh trước vào bàn chân tôi. Mặt tôi nhăn lại vì đau, tôi cố kéo bàn chân ra rồi ngừng lại vài giây định thần. Cái xe sau cũng ngừng lại. Xong, tôi nghĩ: “Không sao, chỉ đau một tí thôi. Dù sao cũng có đôi giày thể thao bằng nhựa bảo vệ rồi”.
Tôi cũng không ngoái lại nhìn ai cán lên chân mình, tôi cũng không cần họ xin lỗi hay áy náy về hành vi của họ. Tôi nghĩ không ai muốn làm người khác đau, chỉ là một tình huống không trông đợi vậy thôi. Rồi tôi thong thả cho xe chạy đi, để lại mọi chuyện ở góc đường đó.
Trước đây, với trường hợp đầu, tôi sẽ lo sợ và tìm cách đổ lỗi cho người kia hoặc giận dữ trách móc họ chạy xe ẩu. Với trường hợp sau, tôi sẽ quay ngay lại với cái quắc mắt tìm người cán lên chân mình, muốn họ xin lỗi hoặc muốn nhìn thấy sự bối rối của họ vì gây ra lỗi lầm. Rồi sau đó sẽ kể cho người này người kia về lỗi lầm đó. Giờ thì tôi chỉ chia sẻ cách tôi vượt qua mọi tình huống một cách nhẹ nhàng.
Tôi học và thực hành lối suy nghĩ đó đã được vài năm. Tôi không biết mình có tiến bộ hay đang giẫm chân tại chỗ. Chỉ khi đi vào những tình huống như thế, tôi mới biết mình đã tiến bộ dường nào. Với chút kiến thức về thiền định, tôi tạo những suy nghĩ giúp mình có một thái độ và cách hành xử bình tĩnh, ôn hòa và đầy tinh thần trách nhiệm.
Từ đó, chuyện lớn trở thành nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có. Mọi chuyện xảy ra không ảnh hưởng đến trạng thái của mình. Mà chính trạng thái của mình tác động lên tình huống, làm giảm nhẹ tình huống. Như vậy gọi là ổn định mình trong mọi xáo trộn.
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Học cách ôn hoà…
https://www.phunuonline.com.