Đỗ Trung Thông (Chuyên gia AI)/ VnExpress
Năm 2019, tôi cùng cộng sự xây dựng một phần mềm khiến chúng tôi rất tự hào. Nó có khả năng biến mọi camera an ninh thành một bộ máy phân tích dữ liệu cực mạnh nhờ những tính năng đột phá như kết nối dữ liệu từ nhiều camera khác nhau, phân loại khách hàng theo giới tính và độ tuổi…
Tôi hăm hở mang đi chào hàng và say sưa kể về những tính năng độc đáo này. Đa phần khách hàng lắng nghe một cách lịch sự, có người thích thú, nhưng sau sáu tháng, tôi không chốt được hợp đồng nào.
Trong lúc tuyệt vọng, tôi tham khảo ý kiến của một người anh. Anh trả lời rằng sản phẩm của tôi nghe thì ngầu đấy, nhưng anh không hiểu nó liên quan gì đến bài toán anh cần giải quyết trong kinh doanh. Đó là giây phút “Eureka” của tôi. Bạn có kể lể thế nào về sản phẩm cũng không thể thuyết phục khách hàng, trừ khi thể hiện được lợi ích của sản phẩm với họ.
Những chiếc smartphone mà chúng ta cầm không rời tay từ sáng đến tối là những kỳ quan điện tử. Đằng sau nó là hơn 200 bằng sáng chế. Nhưng mấy ai quan tâm đến những công nghệ đó? Điều mà người sử dụng quan tâm là độ khỏe của pin, độ phân giải màn hình, độ lớn của dung lượng… Giá trị của sản phẩm không bao giờ có thể vượt quá lợi ích mà nó đem lại cho người sử dụng. Sau khi hiểu được điều này, số hợp đồng tôi chốt tăng vọt, chỉ nhờ thay đổi cách chào hàng: tập trung vào việc đem lại giá trị cho khách thay vì “tự luyến” sản phẩm của mình.
Nhưng để có thể đem lại giá trị cho khách hàng, phải nắm rõ vấn đề cần giải quyết trước khi bắt tay làm sản phẩm.
Tôi đã dành gần mười năm tuổi trẻ trong các lab ở Mỹ, rồi lại dành tiếp từng đó thời gian trong ngành công nghệ ở Việt Nam. Điểm chung mà tôi thấy giữa các đồng nghiệp ở cả giới nghiên cứu lẫn các kỹ sư công nghệ là niềm say mê thuần tuý với tri thức, thông minh, thích tìm tòi cái mới. Điều này có mặt tốt và mặt hạn chế. Thử nghiệm là chìa khóa phát triển, nhưng khi đã bước vào kinh doanh, cần đầu óc thực tế.
Một nhóm mà tôi biết, là những tay kỳ cựu trong ngành Trí tuệ nhân tạo và Lập trình ngôn ngữ tự nhiên, đã làm tại những công ty sừng sỏ nhất ở nước ngoài. Nhờ có tiếng tăm, họ nhanh chóng gọi được hàng triệu USD tiền vốn và dùng số tiền đó để phát triển một phần mềm chatbot mà tôi thấy xịn ngang tầm thế giới. Bẵng đi một thời gian, họ đóng cửa công ty với lý do không tìm được ứng dụng cho chatbot. Tôi hỏi họ đã nói chuyện với bao nhiêu khách hàng trước khi làm sản phẩm, câu trả lời là một số không tròn trĩnh.
Đó là sai lầm chết người trong kinh doanh: tập trung làm sản phẩm mà không biết làm xong sẽ ứng dụng ra sao. Thời gian và sức lực của chúng ta đều có hạn, đừng làm các sản phẩm trên trời trong khi vấn đề của đời sống nằm dưới mặt đất.
Ngay cả khi đã biết cần giải quyết vấn đề gì, nhiều người vẫn bị hớp hồn bởi công nghệ thời thượng, kể cả nhà đầu tư. Một người bạn tôi từng đạt được thành công nhất định với phần mềm tuyển dụng. Anh muốn nhân rộng phạm vi kinh doanh nên quyết định gọi vốn nhưng bị nhà đầu tư từ chối vì phần mềm của anh chưa có ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy học. Anh giải thích với tôi phần mềm của mình không cần đến hai công nghệ đó nhưng sẽ tìm cách tích hợp chúng để thuận lợi cho lần gọi vốn sau. Tôi khuyên anh nên tìm những nhà đầu tư hiểu biết và có cùng hướng đi với anh hơn.
Hiện tại trí tuệ nhân tạo đang là công nghệ hot. Cách đây 200 năm, đầu máy hơi nước là công nghệ hot. Cách đây 2.000 năm, bánh xe nước là công nghệ hot. Công nghệ sẽ liên tục tiến hoá trở nên tinh kỳ và hoàn thiện hơn. Cũng sẽ có ngày AI trở nên bình thường, vì vậy đừng thần thánh nó. Công nghệ chỉ là phương tiện. Nếu không giúp sản phẩm đem lại giá trị cao hơn cho khách hàng, công nghệ tân tiến nào cũng vô ích. Khách hàng cần thìa múc canh, bạn không thể đưa cho họ đôi đũa, dù là đũa vàng.
Sau buổi nói chuyện ấy, bạn tôi quyết định tìm nhà đầu tư khác. Quả thật, nhà đầu tư và người bán có thể mắc sai lầm, nhưng thị trường thì không.
Cũng bởi tính chính xác và quan trọng của thị trường, nên trong kinh doanh, đáp ứng đúng thời điểm thị trường cần là điều tối quan trọng.
Ở công ty hiện tại, chúng tôi mất một năm để hoàn thiện sản phẩm đầu tiên có độ chính xác 80%. Chúng tôi lại mất thêm hai năm cùng vô số tiền bạc để tăng độ chính xác lên 90%. Để dùng cho nhiều ứng dụng, 90% đã là rất tốt. Nhưng một số ứng dụng đòi hỏi độ chính xác khắt khe hơn, lên đến 95%. Lúc đó, chúng tôi ở ngã ba: nếu tiếp tục cần cù nghiên cứu, thì hai năm nữa, sẽ đạt độ chính xác 95%. Nhưng thị trường không thể chờ thêm. Nhà đầu tư, khách hàng, và đối thủ cũng không chờ.
Lúc đó, chúng tôi dừng lại một nhịp để suy tính: làm gì tiếp theo? Liệu có nên đi theo lối cũ, hay có một đường sáng hơn? Hóa ra có một cách khác, tiết kiệm thời gian hơn để đạt độ chính xác 95%, và nó thậm chí không cần đến trí tuệ nhân tạo. Trước đây chúng tôi không nhìn ra vì quá cầu toàn và tập trung vào cách làm cũ. Thật may mắn là chúng tôi đã kịp thời đưa sản phẩm ra thị trường đúng lúc.
Trong kinh doanh, thời điểm là rất quan trọng. Đừng đi tìm sự toàn diện trong cái nhỏ mà đánh mất cái lớn hơn – nhiều khi tốt đủ đã là đủ tốt rồi.
Đó là những bài học được tôi rút ra sau khi đánh đổi bằng những khoản “học phí” đắt đỏ trong suốt 10 năm xây dựng hai công ty công nghệ về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Nguồn: https://vnexpress.net/hoc-phi-khoi-nghiep-4490678.html