Thế giới làm ra những sản phẩm chứa đựng hàm lượng chất xám cao để tính giá cao. Thế nào là chất xám cao, đơn giản là cái ta làm được mà người khác không làm được, hoặc ít người làm được. Trong số ít người làm được đó, họ không cạnh tranh được với ta vì giá thành sản xuất của họ cao hơn.
Một ví dụ cụ thể, nhiều người nói Việt Nam không sản xuất được con ốc vít là không đúng, thực tế là chúng ta sản xuất được nhưng giá thành rất cao. Nếu vậy thì nhập cho nó nhanh.
Cho nên khi hay tin Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế Nhà Trang chế tạo và sản xuất thành công vaccine cúm mùa “3 trong 1” ở quy mô công nghiệp, tui vui mừng thực sự, bởi vì Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, không phải là dùng cơ bắp là chủ yếu.
Về mặt y dược, thành tựu này giúp cho Việt Nam chủ động chăm sóc sức khỏe người dân, về mặt kinh tế, bớt đi được một lượng ngoại tệ để nhập khẩu vaccine.
Chỉ cần mỗi ngành, mỗi nghề làm được thêm được từng sản phẩm có giá trị tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì nước Nam chúng ta mới mong có ngày thành rồng thành hổ.
Trần Quí Thanh
Năm 2013, có một tọa đàm mang tên lạ “iPhone hay Ai Lúa – Lựa chọn phát triển bền vững cho Việt Nam”. Hôm ấy, TS Trần Kim Sơn có nhắc đến một thực tế: Đến cả nước Mỹ cũng phải bán iPhone để mua… gạo. Trong khi VN xuất khẩu lúa gạo để mua iPhone, không chỉ nhập riêng iPhone mà còn rất nhiều thứ khác.
Mấy hôm trước câu chuyện iPhone hay Ai Lúa lại được nhắc lại khi báo chí trong nước và cả nước ngoài ầm ầm câu chuyện “Người Việt đổ xô sang Singapore xếp hàng mua iPhone mới”.
Câu chuyện cũ, nhưng chưa bao giờ hết thời sự. Bởi giữa lúa và iphone vẫn là một khoảng cách giá trị vời vợi, và hơn cả thế, còn là câu chuyện phát triển, còn là chất xám.
Cho nên, vào tối qua, khi Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) chính thức công bố việc chế tạo và sản xuất thành công vaccine cúm mùa “3 trong 1” ở quy mô công nghiệp, chúng ta có thể lạc quan nói đến một thứ khác, ngoài lúa.
Nó chỉ đơn giản là một loại vaccine cúm mùa made in Việt Nam. Nhưng là loại “ba trong một” ngừa được 3 chủng virus cúm thông thường gồm: chủng A/H1N1, A/H3N2 và cúm B theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nó có giá thành chỉ 80-120 ngàn/liều, rẻ bằng 1/3 vaccine nhập ngoại. Nó triển vọng, vì WHO tuyên bố sẵn sàng đặt hàng Việt Nam.
80-120 ngàn đồng mỗi liều. Cho một nhu cầu 1,5 tới 1,8 triệu ca mắc cúm mỗi năm. Và những đơn hàng từ WHO. Chưa kể tới một chi tiết rất ý nghĩa, rằng thành công được công bố tối qua có gắn mấy chữ “quy mô công nghiệp”. Có nghĩa, vaccine không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà hoàn toàn có thể trở thành một loại hàng hóa với khả năng cạnh tranh cao về mặt giá thành.
Giữa chiếc iPhone mà người Việt đổ xô sang Singapore xếp hàng chờ mua mỗi khi có mẫu mới và những hạt lúa nặng mồ hôi nông dân là một khoảng cách rất lớn về phương thức sản xuất, trình độ sản xuất. Chưa nói đến những bất công trong hưởng thụ mà những người tạo ra hạt lúa phải chịu đựng.
Nhưng nếu đặt liều vaccine bên cạnh chiếc iphone, chúng ta có thể nhìn thấy rõ sự tương tự trong cách thức tạo ra những sản phẩm ấy. Không phải bằng cơ bắp, không phải bằng mồ hôi, không quy đơn vị tính bằng tấn bằng tạ, không phải đi xin để được xuất khẩu.
Và vì thế, liều vaccine made in Việt Nam hôm nay nên được nhìn nhận không chỉ ở giá trị y học mà còn như một sản phẩm hàng hóa mà chúng ta buộc phải làm, cần phải ưu tiên như sự thay đổi trong tư duy phát triển.