Khát vọng toàn cầu không chỉ là xuất khẩu hàng hóa, không chỉ “đem chuông đi đánh xứ người”- mà ở đó mỗi doanh nghiệp phải cạnh tranh với đối thủ từ các quốc gia khác cả trên “sân nhà” và “sân khách”.
Tọa đàm “Doanh nhân Trẻ – Khát vọng toàn cầu” với chủ đề “Tăng tốc – Giao thoa nền tảng” diễn ra ngày 27/3/2018, nhân kỷ niệm 16 năm ngày thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 quy tụ những gương mặt doanh nhân thành công trên thương trường.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Vinamit kể rằng: Ông đã bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1986 và điều ông ấp ủ là làm sao tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt, bán được ra nước ngoài.
Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc VinaCacao Trần Văn Liêng cho rằng: Hiện tại Châu Âu có lịch sử làm Socola đến khoảng 600 năm, trong khi Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu hạt Cacao. Ông cảm thấy giá trị thặng dư của xuất khẩu thô quá thấp nên đã tạo ra những thanh Socola mang hương vị Việt.
Ông Liêng cho rằng để hướng ra toàn cầu ông có những loại Socola có vị khác biệt với Socola Châu Âu.
Hay bà Lâm Thị Thúy Hà, cổ đông sáng lập và điều hành Triip.me Corporation kể lại một câu chuyện thú vị, rằng công ty bà đã từng hầu tòa tại Singapore chỉ vì không hiểu rõ quy định của nước này. Và đó là bài học xương máu để công ty trang bị thêm kiến thức về luật của từng thị trường
Là một trong 4 diễn giả và đại diện lớp doanh nhân thế hệ thứ 2, bà Trần Uyên Phương – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, khát vọng toàn cầu không chỉ là xuất khẩu hàng hóa, không chỉ “đem chuông đi đánh xứ người” mà quan trọng hơn là mục tiêu xây dựng doanh nghiệp bền vững trường tồn, xây dựng các thương hiệu sản phẩm dịch vụ đủ sức cạnh tranh với đối thủ từ các quốc gia khác cả trên “sân nhà” và “sân khách”.
“Khát vọng toàn cầu có nghĩa là doanh nghiệp Việt phải chinh phục người tiêu dùng Việt, để làm bàn đạp tiến ra nước ngoài. Bên cạnh đó phải hiểu người tiêu dùng thời công nghệ, bởi tất cả thói quen của con người thay đổi hàng ngày, nếu doanh nghiệp không kịp thay đổi, không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị đào thải”.
Theo nữ doanh nhân Trần Uyên Phương “khát vọng toàn cầu” với Tân Hiệp Phát trước hết là luôn trung thành với tầm nhìn và sứ mệnh đã được doanh nghiệp đặt ra.
Ngay từ năm 2003 Tân Hiệp Phát đã nói đến sứ mệnh tầm nhìn của mình là trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của châu Á. Sứ mệnh ấy bắt nguồn từ quyết tâm, từ câu nói của người sáng lập Trần Quí Thanh: “Tôi muốn chứng minh người Việt Nam làm được chứ không phải người Việt Nam chỉ gia công, không có thương hiệu nào trên thế giới”.
Theo bà Trần Uyên Phương từ năm 2003 đến nay, đã trải qua rất nhiều vòng sản phẩm, có những giai đoạn các công ty đua nhau lên sàn, có những thời điểm cho vay huy động ngân hàng hưởng tỷ suất lợi nhuận lên đến 18 -23%. Hay khi thị trường bất động sản sốt, doanh nghiệp nhảy vào bất động sản kiếm lời nhanh hơn nhiều so với làm sản xuất… Nhưng Tân Hiệp Phát thì khác!
Khi đã đưa ra được tầm nhìn, Tân Hiệp Phát luôn trung thành và duy trì cho đến bây giờ.
“Khát vọng toàn cầu của Tân Hiệp Phát là khi nói đến Việt Nam, nói đến sản phẩm nước giải khát của Việt Nam thì sẽ nói đến Tân Hiệp Phát”, doanh nhân Trần Uyên Phương nhấn mạnh.
Câu chuyện của bà Uyên Phương trong buổi tọa đàm có nói đến việc một doanh nghiệp đa quốc gia trả giá tới 2,5 tỷ USD để mua lại Tân Hiệp Phát nhưng gia đình bà từ chối. Chỉ vì doanh nghiệp đó muốn Tân Hiệp Phát từ bỏ khát vọng vươn ra thế giới.
Hiện Tân Hiệp Phát vẫn mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia quản trị nhưng với một điều kiện: Phải cùng chung sứ mệnh, chung “khát vọng toàn cầu”.
Phục vụ cho khát vọng này, Tân Hiệp Phát đã đổ hàng trăm triệu USD để xây dựng thêm 3 nhà máy, đầu tư nhiều dây chuyền Aseptic – được xem là “kiệt tác của ngành nước giải khát thế giới”.
Suốt buổi tọa đàm, 2 thế hệ doanh nhân đã trao đổi, chia sẻ những đam mê, khát vọng và mang đến những nhắn nhủ với giới trẻ khi bước ra sân chơi toàn cầu với tâm huyết cao nhất.