Tịnh Văn/ Báo Đại Kỷ Nguyên
Có thể khoan dung, độ lượng mà đối đãi với khuyết điểm của kẻ khác chính là hình mẫu của người có hàm dưỡng, tu dưỡng.
Tử Cống một lần hỏi thầy rằng:
– Thưa thầy! Chữ nào có thể làm khuôn mẫu trong nguyên tắc ứng xử của người ta?
Khổng Tử điềm nhiên trả lời:
– Chính là chữ “Thứ”, là ý khoan dung, độ lượng vậy.
Xưa nay, phàm là bậc chính nhân quân tử, hành sự trước sau đều nghĩ cho người, đều vì đại cục mà không xét đến được mất của cá nhân, không vướng lụy vào cảm xúc nhất thời. Tha thứ là một cảnh giới phân biệt rõ quân tử và tiểu nhân. Kẻ tiểu nhân bụng dạ hẹp hòi, không dễ bỏ qua cho người khác. Người quân tử tấm lòng rộng rãi, nhãn quang thản đãng, không chấp nhặt chuyện nhỏ đã qua. Lần giở lại những câu chuyện trong sử cũ, ta sẽ thấy rõ được điều đó.
***
Tống Tựu, nước Lương, làm Lệnh doãn một huyện gần biên thuỳ với nước Sở. Hai nước láng giềng tuy không xảy ra chiến tranh nhưng cũng không ưa gì nhau. Ngoài diễn tập, đóng doanh lập trại, quân lính hai bên vẫn thường trồng thêm rau dưa để lấy thực phẩm. Quân Lương chăm chỉ trồng tưới nên dưa luôn tươi tốt, quả ngọt. Người Sở lười hơn nên dưa vừa xấu vừa mắc sâu bọ nhiều.
Lệnh doãn huyện biên thùy nước Sở thấy vậy bèn lấy làm ghen tức lắm, ngầm sai quân lính hằng đêm lẻn sang cào vỏ dưa, làm ruộng dưa của quân Lương cứ chết héo dần. Sau, quân Lương biết được căm hận lắm, tìm đến Tống Tựu thưa:
– Quân Sở ngang nhiên sang phá hoại ruộng dưa của chúng ta. Xin Lệnh doãn ra lệnh, ngay đêm nay chúng tôi sẽ sang phá ruộng của chúng mới bõ được cái hận này.
Tống Tựu điềm tĩnh nói:
– Không nên, không nên! Gây thù chuốc oán, chỉ chuốc lấy tai vạ thôi. Nay ta lệnh cho các ngươi hằng đêm phải sang ruộng tưới dưa cho quân Sở nhưng cũng phải bí mật mà làm, chớ để cho người ta biết.
Quân Lương nghe xong ngơ ngác chẳng hiểu gì nhưng cũng đành phải tuân mệnh.
Sau nửa tháng, ruộng dưa bên Sở mỗi lúc một tươi tốt. Quân Sở lấy làm lạ, cắt cử người canh gác mỗi đêm, phát hiện ra quân Lương thường lựa lúc canh khuya giờ Tí gồng gánh nước sang cẩn thận tưới tắm cho ruộng dưa của mình, đêm nào cũng như vậy. Lệnh doãn nước Sở nghe được việc ấy, lấy làm hổ thẹn trong lòng, dâng tấu lên Sở vương. Sở vương biết chuyện cũng vô cùng hổ thẹn, lập tức sai sứ mang lễ vật sang nước Lương tạ tội và muốn kết tình đồng minh lâu dài. Vua Lương ưng thuận. Hai nước vì thế mà kết tình giao hảo dài lâu với nhau.
***
Trong lịch sử cổ kim, những trường hợp “lấy đức báo oán” như vậy không hề hiếm gặp. Thời nhà Trần ở Việt Nam, xung đột và mâu thuẫn trong chính nội tộc luôn được hóa giải kỳ diệu bằng những biện pháp khoan dung, mềm dẻo vô cùng. Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là con của Thái Tông hoàng đế Trần Cảnh. Xét về ngành thứ, ông là em họ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tuy nhiên, vì hiềm khích từ đời cha (vụ Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu) nên hai anh em cũng dè chừng, ít quan hệ đi lại với nhau.
Một lần, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp (thuộc Hải Dương ngày nay) tới thăm. Quang Khải xuống thuyền yến ẩm, chuyện trò suốt cả ngày. Vốn biết Quang Khải rất sợ tắm, Quốc Tuấn mới đùa: “Mình mẩy cáu bẩn, xin được tắm giùm”. Thế là Quốc Tuấn cởi áo Quang Khải ra, tắm cho ông bằng nước thơm, vừa tắm vừa nói: “Hôm nay mới được tắm cho Thượng tướng”. Quang Khải vừa bất ngờ, vừa cảm phục cũng đáp lại: “Hôm nay cũng mới được Quốc công tắm rửa cho”. Từ đó, hai người xoá bỏ mọi nghi kỵ, thường đi lại thân thiết với nhau, tình như thủ túc.
Trong 3 lần kháng Nguyên, thế địch như vũ bão, không phải không có lúc quan quân nhà Trần nao núng. Nhiều quý tộc nhà Trần đã từng viết thư xin hàng Thoát Hoan khi thấy thế giặc mạnh như chẻ tre còn quân Đại Việt bị dồn vào thế cùng. Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đều là những minh quân, dù nắm mười mươi trong tay bằng chứng phản nghịch của nhiều khanh tướng, tôn thất nhưng họ vẫn coi như không biết.
Thậm chí các vua Trần còn sai người đốt sạch thư tín, giấy tờ qua lại giữa các quý tộc nhà Trần và quân Nguyên, coi như chuyện cũ không truy cứu đến. Những kẻ từng mang tâm cơ phản nghịch bỗng được xóa sạch tội danh, giữ vẹn toàn được lòng trung trinh, sau này có rất nhiều người đã âm thầm lấy công chuộc tội, lập nhiều chiến tích vẻ vang cho nhà Trần. Cách hành xử đầy bao dung, khoan nhượng ấy thực chỉ có bậc quân tử, vĩ nhân mới làm được vậy.
***
Trong “Đạo Đức Kinh” (chương 63, Tư Thủy), Lão Tử viết: “Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị. Đại tiểu, đa thiểu, báo oán dĩ đức”. Có thể tạm hiểu là: “Thánh nhân trị thiên hạ bằng vô vi, thi hành theo nguyên tắc vô sự, giữ thái độ điềm đạm, coi mọi sự đời lớn nhỏ, nhiều ít như nhau, lấy đức mà báo oán”.
Đạo khoan dung là một trong những trụ cột lớn của văn hóa Á Đông. Khoan dung cũng là một phẩm chất không thể thiếu của người quân tử. Kẻ tiểu nhân chỉ so đo món lợi nhỏ, người quân tử thì tấm lòng thản đãng, chí hướng cao xa. Kẻ tiểu nhân cũng không nhường người một tấc, người quân tử khoan dung, hòa hoãn, nhận phần thiệt về mình. Ở đời có ai lại muốn mình trở thành kẻ tiểu nhân chăng?
NGUỒN: Theo Báo Đại Kỷ Nguyên
Link bài: Khoan dung là…
(https://www.dkn.tv/van-hoa/