Khởi nghiệp với công ty gia đình: Dễ và khó

Trung Hiếu/ Báo ANTĐ
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát – chị Trần Uyên Phương là gương mặt nữ duy nhất phát biểu tại sự kiện “Doanh nhân trong doanh nghiệp gia đình”
Mô hình công ty gia đình đã trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia có đặc điểm văn hóa tương đồng với Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khi đó, ở Việt Nam, dù công ty gia đình đóng góp 50% GDP cả nước, nhưng không dễ để tìm ra những doanh nghiệp thành công có chiều sâu, khi 95% công ty gia đình suy thoái ở thế hệ thứ 3. Tại sao lại như vậy?

Là nền tảng đầu tiên của đa số doanh nghiệp, công ty gia đình được khởi động từ những nhân sự chủ chốt ban đầu là vợ chồng, anh chị em. Cùng chung chí hướng, thông cảm và thấu hiểu nhau, họ dễ dàng hợp sức để chèo lái con thuyền doanh nghiệp trước những cơn sóng dữ ập tới với bất kỳ dự án khởi nghiệp nào. 

Lúc khó khăn, gia đình là thứ “vũ khí” nền tảng, giúp các công ty non trẻ có sức mạnh vượt qua. Nhưng trớ trêu ở chỗ, tới khi đón nhận trái ngọt, doanh nghiệp gia đình lại sa sút.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, các công ty gia đình đã đóng góp 50% GDP cả nước, nhưng có tới 95% công ty gia đình suy thoái ở thế hệ thứ 3. Tại sao lại như vậy?

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương nổi tiếng với 2 cuốn sách thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế (Chuyện nhà Dr. Thanh và Competing with Giants)

 

Nói về điều này, có thể giải thích qua 4 nguyên nhân chính như sau: 

Thứ nhất là thói quen tư duy phát triển doanh nghiệp chỉ theo mô hình vừa và nhỏ. Với mô hình này, những người có ý tưởng – năng lực chuyên môn về một lĩnh vực nào đó có thể nhanh chóng tạo lập doanh nghiệp. Khi quy mô “phình” ra, hạn chế về kỹ năng năng lực quản trị bộc lộ, khiến chủ doanh nghiệp chỉ muốn công ty của mình… vừa và nhỏ mà thôi.

Thứ hai là quan điểm “ăn xổi” vẫn còn phổ biến trong tư duy của nhiều chủ dự án. Họ thường tính toán quãng đường phát triển 5 năm rất chi tiết, có đầy đủ KPI đánh giá hiệu quả. Nhưng 10 năm, 20 năm sau như thế nào, thì họ lại suy nghĩ rất chung chung. Vì trong quan điểm của nhiều người, đã làm thì sao cho phải hồi vốn, thu lãi nhanh nhất có thể, còn toan tính dài hơi thì vừa… mệt đầu, vừa không đủ kiên trì.

Thứ ba là doanh nghiệp thiếu bộ văn hóa minh triết, để vạch ra chí hướng và giá trị cốt lõi cho tất cả cùng hướng tới. Không có kim chỉ nam này, những người con, người cháu ở thế hệ sau sẽ khó duy trì cơ nghiệp mà ông cha dày công xây dựng. Chưa kể, các nhân viên trong công ty cũng không nhìn ra được sự khác biệt, định hướng chiến lược tương lai của doanh nghiệp, để từ đó cống hiến, phát huy hết khả năng của bản thân.

Thứ tư là khát vọng làm giàu cháy bỏng, để tất cả cùng phát triển. Doanh nghiệp lớn mạnh, người lao động có thu nhập tốt, qua đó góp phần thúc đẩy xã hội cùng phát triển. Nếu hài lòng với những con số khiêm tốn, công ty sẽ khó vươn lên tầm mức mới thành công, phát triển hơn.

Vậy là, phát triển công ty gia đình vừa có cái dễ, vừa có cái khó. Nếu đặt lên bàn cân, thì ai cũng thấy rõ, những cái khó đang chiếm phần ưu thế ra sao. Bởi vậy, người ta khó tìm ra doanh nghiệp đi theo mô hình công ty gia đình mà lại thành công, có chiều sâu và lâu đời tại Việt Nam. Tân Hiệp Phát là một trong những cái tên hiếm hoi làm được điều đó, bởi khi đã nhìn ra hết cái khó, họ sẽ tìm cách để vượt qua, với tinh thần “Không gì là không thể”.

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương là một trong những gương mặt thuộc thế hệ lãnh đạo kế cận đang nhận được niềm tin và kỳ vọng lớn của Tân Hiệp Phát
Nhìn thế hệ kế cận để nói về thành công tương lai của công ty gia đình 

Tại các sự kiện truyền cảm hứng, động lực và chia sẻ kinh nghiệm cho các dự án khởi nghiệp, hay ở hàng loạt sự kiện kinh tế, văn hóa tiêu biểu khác, người ta thấy hình ảnh của một phụ nữ đầy tự tin, thông minh và sắc sảo.

Chị là Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, và là con gái của ông Trần Quí Thanh. Ở đó, “ái nữ” của Dr.Thanh tự tin xuất hiện, thể hiện khả năng của bản thân trước hàng chục nghìn khán giả. Chị luôn cố gắng đưa ra những quan điểm hữu ích, dựa trên thực tế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát – một doanh nghiệp gia đình thành công tại Việt Nam.

Trước đây, nhìn vào thành công của doanh nghiệp trị giá hàng tỉ USD như Tân Hiệp Phát, người ta tin rằng, sẽ không ai có thể thay thế nhà sáng lập Trần Quí Thanh. Nhưng hơn ai hết, chính ông Thanh là người hiểu rõ nhất những phần việc quan trọng nào của Tập đoàn đang được chuyển giao cho thế hệ kế cận, và những phần đó đang được vận hành trơn tru như thế nào. 

Tại sự kiện chia sẻ về tầm nhìn với hàng trăm CEO, ông Trần Quí Thanh từng khẳng định: “Nếu không quan tâm tới việc tìm kiếm, đào tạo thế hệ lãnh đạo kế cận, thì nhà sáng lập dù có tài năng tới mấy, cũng sẽ thất bại. Bởi không bao giờ có sự lãnh đạo vĩnh cửu”. Với tầm nhìn đó, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát đã tạo ra thế hệ lãnh đạo kế cận bằng cả kỷ luật thép và cách đào tạo nâng tầm mức nghệ thuật (mà Báo An ninh Thủ đô đã gửi tới độc giả trong số trước). 

Trải qua tất cả, người ta nhìn thấy một phụ nữ hiện đại, thông minh, bản lĩnh và tự tin đứng trên sân khấu, phân tích minh triết từng mục trong bộ giá trị cốt lõi mà Tân Hiệp Phát đã dày công xây dựng, dựa trên những giá trị gia đình cơ bản. Người phụ nữ ấy cũng đặt bút viết “5 nguyên tắc là nền tảng cho thành công của Tân Hiệp Phát” với nội dung súc tích, logic và thể hiện đúng tầm trọng trách mà chị được giao phó. Tất nhiên, có lẽ hơi thừa khi dẫn chứng bài viết này, bởi trước đó, chị đã là tác giả của những cuốn sách được dư luận Việt Nam và thế giới quan tâm: “Chuyện nhà Dr.Thanh”, “Competing with Giants”. Chị là Trần Uyên Phương, người nằm trong thế hệ lãnh đạo kế cận của Tập đoàn Tân Hiệp Phát và là minh chứng cụ thể để người ta có thể tin tưởng rằng: Tân Hiệp Phát sẽ tiếp tục lớn mạnh và vươn ra biển lớn.

 
NGUỒN:  Theo Báo An Ninh Thủ Đô
Link bài: Khởi nghiệp với…
(https://anninhthudo.vn/con-duong-khoi-nghiep/khoi-nghiep-voi-cong-ty-gia-dinh-de-va-kho/821975.antd)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *