Không có luật nào là luật “tào lao”!

Anh Đào/ Báo Lao Động

Lì xì Tết là dành cho trẻ con, nhưng thực tế đang vào túi cha mẹ.

—–

Một trong những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là mọi công dân đều phải biết luật, không ai được quyền nói “tôi vi phạm là vì tôi không biết luật”.

Ví dụ, đi nhậu về bị cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn, bị xử phạt vài chục triệu đồng, thu giấy phép lái xe, người vi phạm không thể nói tôi ở vùng sâu vùng xa không biết chi về nghị định một trăm hay hai trăm của Chính phủ.

Dựa trên nguyên tắc công dân phải biết luật và chấp hành luật, các cơ quan có thẩm quyền được quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của công dân, từ hành chính đến hình sự.

Tất nhiên, để mọi công dân được biết thì nhà nước phải phải chủ động tuyên truyền.

Trước khi ban hành một đạo luật, cơ quan soạn luật tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng xã hội, đó là cách tuyên truyền.

Quốc hội thảo luận, góp ý xây dựng một đạo luật tại các kỳ họp, đó cũng là tuyên truyền.

Các đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri, nói về kết quả kỳ họp Quốc hội, nếu có thông qua một đạo luật, thì sẽ báo cáo với cử tri. Đó cũng là tuyên truyền pháp luật.

Khi ban hành một đạo luật, có nhiều cơ quan khác nhau thông tin, trong đó có các cơ quan báo chí. Báo chí bao giờ cũng vậy, sẽ chọn một quy định có ấn tượng nhất để giật tít, để thu hút sự chú ý của bạn đọc.

Cho nên, hãy khoan nông nổi phán xét một quy định nào đó, mà hãy tìm đọc cho kỹ lưỡng một đạo luật, đó là cách tự vệ tốt nhất cho chính mình khỏi bị vi phạm do “không biết”.

Cũng có thể có quy định nào đó không phù hợp với thực tiễn như báo chí từng chỉ ra, nhưng trước mắt, khi Quốc hội, cơ quan lập pháp chưa sửa đổi, thì quy định đó vẫn có hiệu lực thi hành. Không công dân nào có quyền cho rằng, vì nó bất hợp lý cho nên tôi bất tuân.

Trần Quí Thanh

—–

Phạt 1 triệu đồng nếu vợ lấy tiền từ ví chồng; Vợ đánh chồng: phạt 1 triệu; Vợ không đưa tiền chồng xài tết, phạt đến 500 ngàn… Những quy định, chính xác là những dòng tít gây ồn ã dư luận. Phải chăng đây là loại luật “phòng máy lạnh”, luật “tào lao”?

Suốt từ hôm qua, câu chuyện phạt 1 triệu đồng đối với những cha mẹ lấy tiền lì xì tết của con đang tạo sóng dư luận. Người nói đúng, kẻ bảo sai, người nói luật “phòng máy lạnh”…

Nguồn cơn câu chuyện là quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 56 Nghị định 167 xác định: Hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình bị xem là hành vi bạo lực về kinh tế và sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Việc phạt tiền sẽ được thực hiện như một biện pháp hành chính đối với một trong những hành vi: a). Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình; b). Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại…c). Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.

Báo chí, có mở ngoặc thêm rằng: Tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con. Và khi con cái trong gia đình được người khác lì xì tiền Tết mà ba mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì cho mình thì có thể bị xử phạt.

Chính xác thì đây là một quy định tuyệt đối đúng với mục tiêu là bảo vệ gia đình, một trong những nền tảng cơ bản của xã hội chứ không hề “tào lao”.

“Tào lao” nếu có, chỉ là việc báo chí hay mạng xã hội “diễn giải hóa” nội dung quy định trong những tình huống cụ thể (chứ có luật nào làm thay luôn việc xác định hành vi vi phạm như tòa án).

Chúng ta có những dòng tít mang tính chất dân dã hóa các quy phạm pháp luật. Chẳng hạn “Vợ đánh chồng phạt 1 triệu”, “Phạt tiền vợ cấm chồng ra ngoài ăn nhậu”, “Vợ không đưa tiền chồng xài tết, phạt đến 500 ngàn”.

Nó chỉ là cách diễn giải, cách cụ thể hóa, cách cuộc sống hóa các quy phạm để gây chú ý, để người dân dễ hiểu hơn. Và nếu người dân “tra google” để tìm hiểu, để rõ ngọn ngành thì rõ ràng, báo chí cũng không tào lao khi hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật của mình.

Cái đáng sợ nhất trong một xã hội là việc người dân không hiểu, không biết những quy định pháp luật. 

Và điều cần làm chính là không để những dòng tít hay ghi chú trên mạng xã hội tạo ra những khái niệm kiểu “Luật tào lao” mà nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân là phải tìm hiểu rõ những quy định của pháp luật để thực hiện và tuân theo trong cuộc sống.

NGUỒN:  Theo Báo Lao Động online

Link bài: Không có luật nào là luật “tào lao”!

(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-co-luat-nao-la-luat-tao-lao-777192.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *