Không có năng khiếu nghệ thuật, thì mãi mãi là diễn viên quần chúng

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi ông Dr Thanh,

Thưa ông, chúng cháu chỉ là học sinh lớp 12 thôi ạ. Nhưng chỉ còn  ít thời gian nữa là chúng cháu phải chọn nghề để học. Học có đúng nghề thì khởi nghiệp mới thành công, cô thầy chúng cháu thường dạy vậy. Nhưng làm sao để chọn được đúng nghề để học? Đó là câu hỏi quá khó đối với  chúng cháu. Vậy nên chúng cháu viết thư này cầu cứu ông đây. Ông cứu chúng cháu với nha.

Kính thư.

Lê- Long- Minh-Tý (Bình Dương): Longlunglinh_sg@gmail.com

—–

Lê – Long – Minh – Tý mến!

Lên lớp 12 mới bắt đầu tính đến chuyện chọn nghề là cũng muộn rồi đấy các cháu nhé. Nhưng không sao, vấn đề không phải là chuyện chọn sớm hay muộn, mà phải chọn đúng nghề. Khi chọn nghề rồi thì đầu tư cho các môn học để thi đại học, đạt được yêu cầu đề ra, đó là đậu đại học.

Thực ra trên đời này, hiểu mình là điều khó nhất. Và trong chuyện chọn nghề, yêu cầu đầu tiên là phải hiểu mình. Các cháu phải tự biết được niềm đam mê, sở thích, năng khiếu của bản thân. Có rất nhiều người không biết mình thích gì, cũng chẳng biết mình có đam mê gì. Nên khi đi thi đại học, cứ “đẽo cày giữa đường”. Khi thì nghe mẹ, lúc bị ba thuyết phục, khi gặp bạn bè lôi kéo đi học chung cho vui. Có nghĩa là không hiểu mình là ai.

Nếu không giải quyết được tiêu chuẩn đầu tiên này, thì không thể chọn nghề thành công.

Biết mình thích một nghề nghiệp nào đó, nhưng giữa thích và năng lực đôi khi không song hành. Ví dụ như rất thích làm diễn viên để nổi tiếng, nhưng không có năng khiếu nghệ thuật để trở thành “minh tinh màn bạc”, thì mãi mãi cũng chỉ là diễn viên quần chúng.  Cho nên, các cháu phải tự đánh giá năng lực của mình, có phù hợp với sở thích của mình không. Phải tìm cho ra được điểm chung nhất giữa sở thích và năng lực, nếu không cũng khó thành công.

Chọn nghề cho mình, nhưng cũng có sự tham khảo thị trường lao động để khi học nghề xong mới có được việc làm. Mục đích cũng là có việc làm, có thu nhập để sinh sống, thì bất cứ ai cũng không bỏ qua yếu tố này. Nếu cứ chăm chăm học nghề mình thích, nhưng xã hội không có nhu cầu sử dụng thì học xong cũng không biết xài vào đâu, hoặc rất khó xin được việc làm.

Ngoài những điều căn bản trên, có một điều cần nhất, đó là bản lĩnh, dám thử thách, dám đương đầu và dám chịu thất bại. Có nghĩa là chọn một nghề và sau này khởi nghiệp, sống chết với nghề của mình.

Các cháu đừng nghĩ bó hẹp khởi nghiệp là làm kinh doanh thôi nhé, mà nhìn rộng hơn. Ví dụ như có những bạn học hội họa để khởi nghiệp trở thành một họa sĩ. Có người cầm bút viết văn để trở thành nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ dương cầm…

Vậy nhé các cháu, chúc thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *