Không có triết lý giáo dục sẽ còn nhiều khủng hoảng giáo dục

Trần Quí Thanh

Hình minh họa của Satế- Theo Báo GDVN

Triết lý giáo dục là một đề tài được bàn luận từ lâu, nhưng đến nay vẫn  chưa có được một triết lý giáo dục thật sự cho đất nước.

Tại phiên họp Quốc hội ngày 15.11, đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu: “Xã hội đã chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm, đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về triết lý giáo dục: “Hiện chúng tôi đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia để nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận về triết lý giáo dục Việt Nam trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục, để tạo ra sự thống nhất cao, từ đó có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động giáo dục tới đây”.

Câu trả lời này có giá trị tương đương một lời hứa, và lẽ dĩ nhiên là không có cam kết khi nào đề án hoàn thành.

Chúng ta không có triết lý giáo dục cho nên khủng hoảng giáo dục liên tục xảy ra và sẽ còn tiếp tục xảy ra, tui xin nói thẳng như thế.

Tui không phải là nhà triết học, cũng không phải là chuyên gia giáo dục, nên không dám đưa ra một triết lý giáo dục dù chỉ để góp ý, nhưng là người thao thức về giáo dục, quan sát và nghiên cứu về nền giáo dục nước nhà, xin được lạm bàn đôi điều.

Ngày xưa, chuyện học chỉ dừng lại ở một số gia đình, dòng họ quan lại. Lão bá tánh lâu lâu mới có người đi thi hương, thi hội, trường học không có, chỉ có vài ông đồ gõ đầu trẻ ở nhà. Giả như có triết lý giáo dục kéo dài cả chục thế kỷ, cũng chỉ gói gọn là “học để làm quan”.

Đến thời nhà Nguyễn (1802 -1945), sau 2 thế kỷ với 9 đời Chúa mệt mỏi vì mở cõi, dù cố gắng đề cao việc học, thì cũng không kịp thoát ra khỏi tư tưởng triết học phương Đông.

Người Pháp có công mang đến cho Việt Nam tư tưởng giáo dục phương Tây, nhưng cùng với nó là chiến tranh loạn lạc cả trăm năm, lấy đâu ra thời gian và sự tĩnh tâm để xây dựng một triết lý giáo dục. Vào thời kỳ trước những năm 50 của thế kỷ trước, đa số người Việt Nam mù chữ, cố gắng để đánh “giặc dốt” đã là một triết lý giáo dục của dân tộc.

Còn tính đến những năm chiến tranh cũng như đất nước thống nhất, có lẽ triết lý giáo dục mang tính chính trị hóa. Trong nhà trường toàn khẩu hiệu yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, làm chủ tập thể, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, căm thù giặc sâu sắc.

Hồi đó, học sinh viết tập làm văn bao giờ cũng có câu “chúng em lớn lên dưới mái trường chủ nghĩa xã hội”, có phải đây là triết lý giáo dục chăng?

Mỗi giai đoạn lịch sử, có những hoàn cảnh khác nhau, nên chưa tập trung xây dựng một triết lý giáo dục như đòi hỏi của đất nước. Và đến nay, thì không thể chờ đợi thêm được nữa.

Miền Nam trước 1975, có thể tóm tắt mấy chữ, triết lý giáo dục là “một nền giáo dục khai phóng”.

Gần đây, một số học giả như Hoàng Tụy, cũng đã sử dụng khái niệm “khai phóng” để bàn về chấn hưng giáo dục. Tư tưởng này ảnh hưởng từ sự tự do của phương Tây.

GS Hồ Ngọc Đại nói: “Triết lý giáo dục của tôi là mỗi người phải được là chính mình”. Đây cũng là tư tưởng giáo dục khai phóng, để con người là con người tự do trong suy nghĩ, thể hiện cá nhân độc lập, không bị áp đặt một chiều hay bầy đàn.

Nếu tích lũy các quan điểm về triết lý giáo dục từ trước đến nay, cùng với những nghiên cứu về triết lý giáo dục của một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Singapore hay một số nước nổi tiếng về giáo dục ở châu Âu là Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển, sẽ cho ta một sự đúc kết để đưa ra triết lý giáo dục cho Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu như Bộ trưởng Nhạ tiết lộ, nhưng tui xin nêu thiển ý thế này, đừng ca ngợi Việt Nam yêu nước, vì nước nào cũng thế, cũng đừng ca ngợi Việt Nam cần cù lao động, vì nhiều nước cần cù lao động hơn mình. Hãy xây dựng một triết lý giáo dục hướng tới đào tạo ra công dân Việt Nam có tư duy toàn cầu, có suy nghĩ tầm nhân loại, thoát ra khỏi tư duy bờ tre làng xã, có trái tim yêu hòa bình, yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường, có đời sống nhân văn và tôn trọng sự tự do.

Sài Gòn ngày 21/11/2018

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *