“Làm lãnh đạo một địa phương, mà năm này đến năm khác chỉ biết đi xin tiền Trung ương thì không xứng đáng. Dù rằng có những địa phương còn khó khăn, nhưng không thể mãi mãi khó khăn, vậy thì bàn tay, khối óc con người đi đâu?”, tui xin trích dẫn một đoạn của bài báo trên Báo Lao Động để bày tỏ một điều, chúng ta đang cần những vị lãnh đạo dám làm và dám chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân.
Trong ngành để xảy ra nhiều vụ bê bối, thậm chí là sai phạm, thì người đứng đầu ngành đó không thể đổ cho cấp dưới, vậy thì vai trò lãnh đạo của ông ở đâu?
Quản lý các doanh nghiệp nhà nước, để cho các doanh nghiệp thua lỗ, mất toi hàng tấn tiền, thì không thể ngồi yên mà hưởng lộc.
Trần Quí Thanh
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 2.7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn. Thủ tướng nêu ý kiến: “Tôi đề nghị từng thành viên Chính phủ nên đánh giá lại ngành mình, từng chủ tịch, bí thư tỉnh ủy nên đánh giá lại địa phương mình và cá nhân mình đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để vươn lên hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của nhân dân, của nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Từng cơ quan, từng cá nhân phải suy nghĩ đổi mới sáng tạo để phát triển, trong đó có việc thực hiện tốt chủ trương phòng chống tham nhũng và lợi ích nhóm”.
Rõ ràng, bên cạnh trách nhiệm chung của bộ ngành, địa phương, Thủ tướng nói đến vai trò cá nhân. Các bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh, thành tự đánh giá mình đã làm được gì, đã xây dựng được chính sách gì, đã kiến tạo được gì, đã đổi mới được gì?
Cá nhân lãnh đạo phải rạch ròi trách nhiệm và hành động, không thể thành tích thì nhận vào cá nhân, còn sai phạm hay yếu kém thì đổ cho tập thể. Nếu như vậy thì không cần đến tài năng lãnh đạo.
Một bộ cả năm không làm được việc gì hoặc rất ít việc mới để tháo gỡ cho doanh nghiệp, cho người dân tham gia đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế, thì người đứng đầu phải “đánh giá lại mình”.
Quốc gia không có những sản phẩm công nghệ hay sản phẩm tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, thì người đứng đầu ngành khoa học công nghệ không thể không “đánh giá lại mình”.
Một tỉnh, thành suốt cả năm trời không có gì (hoặc rất ít) thay đổi, không có một sáng tạo đột phá để tạo ra công ăn việc làm, mở mang thị trường, làm ra sản phẩm nông nghiệp hoặc công nghiệp, thì bí thư, chủ tịch phải “đánh giá lại mình”.
Làm lãnh đạo một địa phương, mà năm này đến năm khác chỉ biết đi xin tiền Trung ương thì không xứng đáng. Dù rằng có những địa phương còn khó khăn, nhưng không thể mãi mãi khó khăn, vậy thì bàn tay, khối óc con người đi đâu?
Vẫn còn đó những rào cản, tiêu cực, tham nhũng, vẫn còn đó những thủ tục rườm rà sách nhiễu doanh nghiệp, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, không đổ cho ai được. Chính sách dù tốt đẹp đến mấy, nhưng khi đi qua hệ thống vận hành đầy những cản trở, trong một môi trường hành chính công không lành mạnh, thì chính sách đó cũng không thể phát huy hiệu quả.
Cho nên, nếu như chưa có đủ sức để sáng tạo ra chính sách đột phá, tìm được nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội địa phương, thì việc tối thiểu là làm trong sạch bộ máy, hạn chế tối đa tham nhũng, tạo sự công bằng và dân chủ. Được như vậy thì người dân, doanh nghiệp cũng bớt đi gánh nặng, xã hội sẽ tiến bộ hơn vì có niềm tin về sự công chính. Và khi làm được điều này, thì đã khơi thông được nguồn lực.
Người đứng đầu không chịu trách nhiệm cá nhân, không trọng danh dự bản thân, không thấy xấu hổ vì những tồn tại, trì trệ của ngành mình, địa phương mình quản lý, thì không thể làm được điều gì tốt đẹp, tạo ra sản phẩm gì có giá trị.
Người đứng đầu thấy rõ trách nhiệm trước “yêu cầu của đất nước, của nhân dân, của nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao”, thì sẽ nỗ lực kiến tạo, không chỉ tạo ra sản phẩm chính sách, mà thể hiện xuất sắc vai trò lãnh đạo để thực hiện hiệu quả chính sách đó.