PGS.TS Nguyễn Minh Hòa ( Cafef.vn dẫn theo Pháp luật TPHCM)
Kinh tế thị trường, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, là chúng ta sản xuất cái gì, hình thức mẫu mã như thế nào, bán ở đâu, giá cả ra sao là do người tiêu dùng quyết định. Một nền kinh tế như thế đã có mặt ở Sài Gòn hơn 250 năm trước.
Cho dù còn rất nhiều điều chưa hài lòng nhưng phải thừa nhận cho đến nay TP.HCM đã có được nền kinh tế thị trường ít méo mó nhất. Phải đối mặt với vô vàn thách thức trong tiến trình phát triển nhưng rốt cục nó vẫn vượt qua để giữ được cái bản chất nhất của thị trường tự do.
Ra đời muộn, tăng tốc nhanh
Nền kinh tế hàng hóa ở Sài Gòn ra đời khá muộn nhưng rất mau chóng vượt qua được giai đoạn nguyên thủy, lướt qua rào cản của nền kinh tế “tự cung, tự cấp, tự tiêu, tự sản” và hình thành rất nhanh kinh tế hàng hóa vùng, khu vực và rất sớm khẳng định tầm mức quốc tế vượt trội so với các nước láng giềng vào cùng thời điểm.
Do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên sớm thúc đẩy sự hình thành hàng hóa ở quy mô lớn. Miền Đông Nam bộ nhiều lâm sản, gỗ quý, vật liệu xây dựng, còn vùng đồng bằng sông Cửu Long nhiều lúa, cá tôm, cây trái, vùng ven biển nhiều hải sản và sản phẩm chế biến từ hải sản như nước mắm, các loại cá khô, mắm… Vậy là phải có sự trao đổi, mua bán từ vùng này đến vùng khác. Nhu cầu mua bán được hỗ trợ đắc lực bởi một hệ thống sông ngòi liên thông chằng chịt khiến việc mua bán thật thuận tiện vô cùng.
Từ miền Tây hàng hóa được chở lên Sài Gòn, sau đó theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai người bán hàng có thể đi đến các tỉnh miền Đông như Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé. Từ Sài Gòn người ta có thể mang hàng hóa bằng đường thủy xuống tất cả tỉnh miền Tây và sang cả Campuchia. Có một thời người Bắc và Trung không coi trọng buôn bán thì ngược lại, người dân Nam bộ lại coi đó là niềm tự hào, bởi vậy mới có câu: Đạo nào vui bằng đạo đi buôn/ Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông.
Ngoài chợ đầu mối bán theo “chuyên ngành”, Sài Gòn còn có những chợ đầu mối tổng hợp, nơi đây bán nhiều thứ hàng. Trong số đó phải kể đến chợ Bình Tây.
Chợ đầu mối: Trung tâm và điểm xuất phát của kinh tế hàng hóa
Trong nền kinh tế hàng hóa thuở sơ khai thì chợ đầu mối đóng vai trò sống còn, bởi vì chúng chính là nơi tập kết hàng hóa lớn nhất sau khi sản xuất và sau đó phân phối đi các vùng, miền khác nhau bằng một hệ thống bán hàng chân rết tới hang cùng ngõ hẻm. Các chợ đầu mối là nơi quyết định việc mua bán lớn giữa các bạn hàng với nhau, là nơi quyết định giá cả, mẫu mã, chất lượng, hình thức của mặt hàng và số phận của loại hàng hóa đó có nên tiếp tục sản xuất nữa hay không.
Chợ đầu mối được coi là nơi tập kết hàng gốc và giá gốc cho nên nó thường có giá rẻ nhất (giá bán sỉ) và dường như số lượng hàng hóa là vô tận. Loại chợ này không có ở miền Bắc cho đến tận năm 1990. Những chợ kiểu như thế may mắn đã sớm xuất hiện ở đất Sài Gòn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã viết: “Kể từ năm 1772, Sài Gòn là một thành phố đúng nghĩa từ nguyên của thành và phố. Riêng việc buôn bán tập trung thóc gạo và các nông sản khác đã thu hút tàu bè tứ xứ. Các phố xá và chợ ngày càng nhiều và đông đúc” (Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh: 300 năm địa chính).
Chợ đầu mối có hai loại, một là chợ chuyên chỉ một loại mặt hàng như chợ gạo có Trần Chánh Chiếu, vải có Soái Kình Lâm, trái cây tươi có chợ Cầu Ông Lãnh, muối và rau củ có chợ Cầu Muối, cá có chợ Trần Quốc Toản… Còn một loại chợ đầu mối khác là chợ tổng hợp, nơi đây bán nhiều thứ nhưng cũng là đầu mối, số đó phải kể đến như chợ Bến Thành, Bình Tây, Tân Định, An Đông, Bà Chiểu…
Từ khi có ngôi chợ đầu tiên là chợ Điều Khiển cho đến trước năm 1975 thì TP này có 179 chợ lớn nhỏ, trong đó ở nội thành có 145 chợ và ngoại thành có 34 chợ, trong số đó 95 chợ có xây nhà lồng chiếm diện tích 638.500 m2.
Thương nhân đông đảo và có thực lực
( Tiếp>>>>)
Xem tiếp, link bài: Kinh tế thị trường Sài Gòn thuở ban sơ