Không phải cứ có mục tiêu là sẽ thành công, nhưng để có thể chạm tay đến hai chữ thành công, mục tiêu là một trong những điều kiện cần, nhất định cần phải có.
“Thế nào là một người thành công?”. Đã có rất nhiều định nghĩa và phân tích về điều này, nên xin không bàn thêm về nó. Nhưng để nói về người thành công, có một điều tôi chắc chắn, đó là người thành công nhất định luôn có mục tiêu rõ ràng cho mỗi việc họ làm.
Không phải cứ có mục tiêu là sẽ thành công, nhưng để có thể chạm tay đến hai chữ thành công, mục tiêu là một trong những điều kiện cần, nhất định cần phải có.
Trước khi bắt đầu làm một việc gì, dù lớn hay nhỏ, dù quan trọng hay không, tôi luôn tự đặt câu hỏi với bản thân mình: “Mục tiêu cuối cùng của mình là gì?”.
Đặt ra mục tiêu trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì. Lý thuyết này có lẽ đã quá quen thuộc, đến mức nhàm chán, khiến hầu hết mọi người không nghĩ về điều này nữa, vô thức bỏ qua bước này và không biết rằng đặt ra mục tiêu, hoặc suy nghĩ về mục tiêu của mình là điều vô cùng quan trọng, là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công.
Để có được một kết quả rõ ràng thì việc xác lập mục tiêu cũng phải rõ ràng, hãy nhớ là phải thật sự rõ ràng.
Lý do những người nhận mình có mục tiêu nhưng vẫn thất bại là do họ chỉ đọc câu thần chú “Tôi muốn” với một thái độ hời hợt, và ngồi chờ phép màu xuất hiện. Cách sai nhất mà mọi người hay làm là lập mục tiêu “bằng miệng”.
Một “quy trình chuẩn” của thất bại là: Không có mục tiêu rõ ràng, mục tiêu lan man => chán nản => viện lý do (sẽ làm sau, thời điểm chưa phù hợp, chưa chín mùi) => quên đi mục tiêu => không đạt được gì.
Vậy có một quy trình dẫn đến thành công không? Bằng trải nghiệm của bản thân, tôi cho là có. Và các bước trong quy trình này là:
1. Xác định đâu là mục tiêu PHẢI và mục tiêu NÊN. Một cách dễ hiểu hơn, PHẢI là mục tiêu nhất định phải làm được, phải đạt được. Mục tiêu NÊN sẽ làm tiền đề và trở thành mục tiêu PHẢI.
2. Xây dựng các bước để chuyển những mục tiêu ở việc NÊN thành mục tiêu PHẢI.
3. Có thể bạn không thể nhớ hết cụ thể mục tiêu của bản thân, vậy nên hãy VIẾT chúng ra giấy hoặc bất cứ đâu mà bạn có thể nhìn thấy mọi lúc mọi nơi. Có thể tận dụng từ các thiết bị điện tử mà bạn hay dùng ví dụ điện thoại thông minh, máy tính bảng, cho đến giấy note, sổ tay…
4. Nguyên tắc SMART (Specific – Measurable – Attainable – Relizable – Time – Bound): nguyên tắc mang tên “THÔNG MINH” này gồm 5 yếu tố: Cụ thể – Đo lường được – Có thể đạt được – Thực tế – Thời gian, sẽ giúp bạn định hình và nắm giữ được mục tiêu của mình. Nếu bạn đã có kỹ năng, có thói quen và thuần thục việc này thì thực sự quá tốt. Nhất định bạn đã có một bước tiến đáng kể trong việc thiết lập mục tiêu cho bản thân.
Nhưng nếu bạn đang ở giai đoạn mới bắt đầu thực hiện việc này, thì lời khuyên cho bạn là trước tiên hãy tập trung vào 2 trong 5 yếu tố trên đó là Specific (Cụ thể) và Time-Bound (Thời gian hoàn thành hay Khả năng quản lý thời gian) trước khi đụng đến những yếu tố còn lại. Vì sao? Vì đây là việc đơn giản nhất nhưng cũng quan trọng nhất khi đặt mục tiêu.
5. Nên đặt mục tiêu theo từng giai đoạn. Nếu chưa đạt được mục tiêu trong vòng một tháng thì đừng đặt mục tiêu trong ba tháng. Nếu không đạt được mục tiêu trong ba tháng mà đã đặt mục tiêu cho một năm thì chỉ là mơ mộng hoặc viển vông.
6. Cuối cùng và quan trọng nhất, quyết định bạn có thể đến được đích đến cuối cùng của mục tiêu hay không là việc tạo ra động lực và duy trì động lực đó. Bạn đã có mục tiêu cụ thể và rõ ràng, nhưng không có động lực để thực hiện thì bản thân cũng như đội ngũ đi cùng cũng sẽ khó mà đi đến đích được. Vì trên con đường đến được với “Mục tiêu”, sẽ có vô vàn trở ngại, chướng ngại vật khiến chúng ta nản lòng. Giữ được ngọn lửa cho bản thân đã khó, cho cả một tập thể càng khó hơn.
Trên thực tế, có mục tiêu rõ ràng, có đủ quyết tâm nhưng đôi khi ta vẫn không đi được đến đích. Đó là bởi, đôi khi trên con đường chúng ta đi, có những điều khó lý giải được, nhiều khi chúng ta chỉ cần một chút may mắn nhưng tiếc rằng chúng ta lại không biết nó đang ở đâu và khi nào nó đến. Nhưng tin rằng, cứ nỗ lực hết sức cho công việc đang làm, kết quả sẽ đến, chỉ là bằng cách này hay cách khác, vào lúc này hay lúc khác mà thôi.