Báo Đầu Tư – Hữu Tuấn
Trước “cơn lốc” suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường M&A năm 2022 dù có phần trầm lắng, nhưng vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả và đã có xu hướng dịch chuyển, hứa hẹn sẽ “nổi bão” với hàng loạt thương vụ bom tấn trong năm tới…
ững giữa “cơn lốc”
“Cơn lốc” lạm phát lan rộng toàn cầu, sự “rung lắc” mạnh từ việc thắt chặt tài chính của nhiều quốc gia, cùng hiệu ứng domino của cuộc xung đột tại Ukraine khiến thị trường M&A toàn cầu trải qua một năm 2022 khá “thất bát”.
Báo cáo mới nhất của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đánh giá, hoạt động M&A toàn cầu đang gặp nhiều lực cản trong bối cảnh các công ty lo lắng về viễn cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng. Ngoài ra, chi phí cho hoạt động M&A cũng tăng cao khi các ngân hàng trung ương tăng nhanh lãi suất để chống lạm phát. Việc thỏa thuận về giá trị thương vụ M&A cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh.
Trong bối cảnh đó, không quá ngạc nhiên khi Báo cáo M&A quý III/2022 của GlobalData ghi nhận, đây là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường toàn cầu quý III/2022 ghi nhận 8.258 thương vụ M&A, trị giá 544 tỷ USD (trong khi quý III/2021 có 9.605 thương vụ, trị giá 1.050 tỷ USD).
Thị trường M&A Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy chung đó. Dữ liệu của KPMG Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng của năm 2022, có gần 350 thương vụ với giá trị đạt khoảng 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong “giỏ hàng” M&A của các doanh nghiệp từ đầu năm 2022 đến nay, lĩnh vực hàng tiêu dùng vẫn là lựa chọn số 1 và dẫn đầu thị trường với hơn 1,2 tỷ USD.
Nổi bật nhất là thương vụ The Sherpa (Masan sở hữu gián tiếp) mua 34% vốn cổ phần trị giá 3.617 tỷ đồng của Phúc Long Heritage. Trước đó, tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long với giá 2.490 tỷ đồng. Sau 2 lần rót vốn, Masan nâng định giá của Phúc Long lên mức 10.640 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn phải kể đến các thương vụ như: “ông trùm F&B” Golden Gate bán 2,744 triệu cổ phần cho 3 nhà đầu tư nước ngoài, thu về hơn 5.300 tỷ đồng; Swire Pacific mua lại các nhà máy đóng chai của Coca-Cola ở Việt Nam và Campuchia với giá 1,05 tỷ USD; SK Group chi 100 triệu USD mua cổ phần tại Pharmacity…
Với tổng giá trị các thương vụ đạt gần 1 tỷ USD, bất động sản tiếp tục chứng minh vai trò trụ cột của thị trường M&A. Điển hình là thương vụ CLD thoái vốn dự án Capital Place với giá 550 triệu USD; Warburg Pincus rót 250 triệu USD vào Novaland; Danh Khôi bắt tay Tokyu Corporation đầu tư dự án ở Vũng Tàu với giá trị 1.000 tỷ đồng; CLD mua lại quỹ đất 8 ha tại Thủ Đức (TP.HCM); DRH Holdings nhận chuyển nhượng 99% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Hòa Bình; Novaland mua lại Dự án Kenton Node; Masterise Homes mua lại Dự án Sài Gòn Bình An…
Bất ngờ lớn nhất trên thị trường M&A Việt Nam năm 2022 đến từ một “ngôi sao lạ”. Xét về tăng trưởng giá trị, năng lượng là lĩnh vực “hot” nhất năm 2022 với tổng giá trị các thương vụ đạt khoảng 676 triệu USD, tăng 6 lần so với cả năm 2021. Tiêu biểu là các thương vụ: EDPR Sunseap mua lại toàn bộ các dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện trị giá 284 triệu USD; AC Energy mua lại 49% cổ phần của Solar NT với 165 triệu USD; B.Grimm mua lại 80% cổ phần dự án điện gió 48 MW tại Quảng Bình và toàn bộ 240 MWp của Công ty Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh; Hitachi Sustainable mua lại 35% cổ phần Nhà máy Điện gió 152 MW tại Ninh Thuận của Trung Nam Group…
Thị trường thuộc về người bán
Với diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, nhiều chuyên gia và các công ty nghiên cứu dự báo, thị trường M&A năm 2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thậm chí “ngủ đông” trong tương lai gần. Nhưng, “bầu trời” không chỉ có “mây đen”.
TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận định, có 3 yếu tố sẽ kích thích thị trường M&A tăng trưởng trong thời gian tới. Đó là làn sóng chuyển đổi số kết hợp đổi mới sáng tạo; sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong nước khiến thị trường tiêu dùng trở nên rất tiềm năng; và xu thế “go green”, xanh hóa năng lượng của Việt Nam đang khiến “sân chơi” năng lượng trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố tiêu cực kìm hãm thị trường. Đó là việc nền kinh tế chuyển từ “thừa tiền” sang “thiếu tiền”, tác động mạnh đến lãi suất, nguồn vốn; các nền kinh tế lớn trên thế giới đứng trên bờ vực suy thoái, khiến nhà đầu tư cẩn trọng hơn khi quyết định “xuống tiền”. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam vừa trải qua nhiều rủi ro cũng gây tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư.Hoạt động M&A hiện nay có xu hướng dịch chuyển từ “cơ hội” sang “chiến lược”, nghĩa là hướng tới giá trị lâu dài hơn là cơ hội trong ngắn hạn.
– Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Do vậy, ông Ái nhận định, năm 2023 – 2024, thị trường vẫn tương đối trầm lắng. Song, trong nguy luôn có cơ, giai đoạn này sẽ là thời điểm cho các nhà đầu tư sẵn tiền mua lại dự án hấp dẫn với giá phải chăng.
“Có thể nói, đây là thị trường của người mua, chứ không phải là thị trường của người bán nữa. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn trong thời gian tới, bởi vì nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp khi lãi suất tăng lên và thanh khoản ít dần”, ông Ái phân tích.
Từ góc nhìn vĩ mô, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, hoạt động M&A hiện nay có xu hướng dịch chuyển từ “cơ hội” sang “chiến lược”, nghĩa là hướng tới giá trị lâu dài hơn là cơ hội trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những rủi ro và biến động của thị trường hiện nay khiến người mua và người bán “ngập ngừng”. Dù vậy, thị trường sẽ được kích hoạt trở lại trong 1 – 2 năm tới khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định trở lại.
Cùng với yếu tố giằng co về giá giữa bên mua và bên bán, có thể thấy, “khẩu vị” M&A cũng thay đổi. Các quỹ đầu tư tư nhân “rủng rỉnh” hàng ngàn tỷ USD đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng mục tiêu thì khác biệt so với giai đoạn trước.
Đơn cử, trong lĩnh vực bất động sản. Trước hàng loạt thông tin rao bán dự án, nhà đầu tư không quá chú trọng yếu tố “giá rẻ” nữa, mà quan tâm đến vấn đề “rủi ro nhiều hay ít”.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Sohovietnam cho biết, trước đây, người mua có thể ưa chuộng những tài sản nhiều rủi ro vì rẻ, hoặc vì kỳ vọng sẽ hoàn thiện được thủ tục pháp lý trong thời gian ngắn. Nhưng giờ đây, họ rất kỹ tính, lựa chọn tài sản rất cẩn thận.
“Thời điểm này, ai cầm tiền mặt là ‘vua’, bất kể nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài”, ông Cần nhấn mạnh.
Còn theo phân tích của TS. Phạm Anh Khôi, Tổng giám đốc Công ty Tài chính VINA, trong bối cảnh dòng vốn chảy vào lĩnh vực địa ốc bị kiểm soát chặt chẽ, các doanh nghiệp nước ngoài thường đặt ra nhiều tiêu chí khắt khe để lựa chọn đối tác, như thương hiệu uy tín, tiềm lực tài chính tốt, khả năng hoàn thiện thủ tục pháp lý và triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng cam kết…
Những “cơn gió lạ”, những thương vụ “khủng”
KPMG nhận định, từ nửa cuối năm 2023, thị trường M&A sẽ bắt đầu phục hồi khi lạm phát và lãi suất được điều chỉnh giảm hợp lý hơn.
“Khi xu hướng này tiếp tục, chuyển đổi số, năng lượng sạch, thị trường tiêu dùng rộng lớn và nhận thức về ESG (môi trường – xã hội – quản trị) ngày càng tăng sẽ tiếp tục là những chủ đề chính cho hoạt động M&A trong tương lai tại Việt Nam”, KPMG dự báo.
Theo TS. Nguyễn Công Ái, dịch vụ tài chính – ngân hàng cũng là lĩnh vực hấp dẫn M&A, đang có nhiều thương vụ đàm phán trong năm nay và dự kiến sẽ được chốt vào năm 2023.
Đặc biệt, ngành ngân hàng đang được kỳ vọng sẽ xuất hiện các thương vụ “bom tấn” nếu kế hoạch nới room ngoại được kích hoạt. Cơ sở cho sự kỳ vọng này là các động thái: VPBank muốn bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài với giá trị hơn 79.000 tỷ đồng; HDBank có thể được nới giới hạn room vốn ngoại lên 49%; Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn, thu về xấp xỉ 30.000 tỷ đồng nếu thành công… Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, như Viet Capital Bank, NamABank, Techcombank…
Ông Yoshizawa Toshiki, đại diện Ngân hàng Aozora đánh giá, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
“Chính phủ đang có những chính sách như tư nhân hóa các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh; tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, thiếu vốn, không đạt chuẩn. Đây chính là cơ hội để các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư. Các ngân hàng cỡ trung và vừa của Nhật Bản cũng đang tìm hiểu về thị trường tài chính, M&A tại Việt Nam”, ông Yoshizawa Toshiki chia sẻ.
Về đối tượng mua, các chuyên gia nhận định, đang có xu hướng mới. Với mục tiêu thay đổi cơ cấu kinh tế, hạn chế phụ thuộc vào dầu mỏ, các quỹ đầu tư ở Trung Đông đang đẩy mạnh đầu tư vào start-up, lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là đầu tư vào các nước đang phát triển, đạt tốc độ phát triển cao như Việt Nam. Các quỹ đầu tư quốc gia thuộc Vùng Vịnh đang nắm giữ gần 2.500 tỷ USD, chiếm 25% tổng tài sản các quỹ đầu tư quốc gia toàn cầu. Vì vậy, cơ hội hợp tác đầu tư rất rộng mở.
“Những gì chúng tôi đang thấy được từ Việt Nam đều là những tín hiệu tích cực. Nó thôi thúc chúng tôi sang Việt Nam để đi tìm cơ hội”, ông Abdalatti Abuassi, đại diện Quỹ đầu tư Nông nghiệp Amima (UAE) cho biết.
Những “cơn gió lạ” trên thị trường M&A năm 2023 chưa dừng lại ở đó. Thị trường có thể sẽ được chứng kiến những thương vụ “khủng” đến từ lĩnh vực hàng tiêu dùng, như ThaiBev (Thái Lan) muốn mua lại 36% cổ phần của Sabeco sau khi chi 4,8 tỷ USD để mua lại 54% cổ phần vào năm 2017; đến từ việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với giá trị danh mục 248.000 tỷ đồng; đến từ hàng loạt start-up kỳ lân mới nổi được định giá hàng tỷ USD trong danh sách ưu tiên rót vốn của nhà đầu tư ngoại… Những “cơn gió lạ” này khi gặp được “vùng áp thấp chính sách” rất có thể sẽ tạo ra những “cơn bão” lớn trên thị trường M&A năm 2023 – 2024.
Nguồn: https://baodautu.vn/ky-vong-nhung-thuong-vu-ma-bom-tan-d178417.html