Làm gì khi mắc kẹt

Doanh nhân  Michael J Aumock/ Báo VnExpress

Nguồn hình: tapchitaichinh.vn

—–

Đại dịch COVID-19 đã dẫn quân quay trở lại ở Đà Nẵng. Đối với các nhà quản lý và chuyên gia y tế, điều này hoàn toàn không bất ngờ, bởi vì khi chưa có vaccine thì chuyện tái bùng phát dịch bệnh là đương nhiên.

Khi đã xảy ra dịch bệnh, con người không thể gọi là thắng, cũng chẳng có cửa hòa, chỉ có thiệt hại, vấn đề là cố gắng hết sức để thiệt hại ở mức thấp nhất có thể.

Với những ca lây nhiễm mới sau 100 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng, chúng ta phải đối mặt với một cuộc chiến mới. Có điều, chúng ta tự tin hơn, vững vàng hơn, vì đã có kinh nghiệm dập dịch, có sự chuẩn bị kỹ càng và có đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn trong điều trị các ca nhiễm COVID-19.

Đầu tiên là mỗi người hãy tự cứu mình khỏi dịch bệnh bằng cách thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng dịch. Rửa tay và đeo khẩu trang không phải là việc khó đến mức không thể làm được, và hạn chế đi lại khi không cần thiết cũng là việc dễ dàng.

Các nước bị dịch COVID-19 bùng phát mạnh là do đa số công dân không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Và không chỉ phòng chống dịch, mà tìm mọi cách để tồn tại, không bị nỗi ám ảnh của dịch bệnh thiêu cháy ý chí vươn lên, vượt thoát của con người.

Doanh nhân người Mỹ Michael J Aumock bị “mắc kẹt” lại ở Việt Nam vì COVID-19 đã viết bài “Làm gì khi mắc kẹt” trên VNEXPRESS đọc rất thú vị. Bởi lẽ, doanh nhân này cho chúng ta góc nhìn lạc quan ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh không thuận lợi.

Và trước mắt, chúng ta phải chống lại đợt tấn công mới của giặc COVID-19, hãy đoàn kết, ý thức bảo vệ mình và cộng đồng, tự tin vượt qua như chúng ta đã từng.

Đối với doanh nghiệp, tiếp tục gắng sức để sống sót sau trận chiến này.

Trần Quí Thanh

——

Đã 99 ngày kể từ khi ca lây nhiễm Covid-19 gần nhất trong cộng đồng được ghi nhận. Cho đến hôm nay.

Chiều thứ Sáu, 24/7, một ca nghi nhiễm được xác định tại Đà Nẵng. Và nó có thể thay đổi tất cả.

Không phải đến bây giờ mọi thứ mới thay đổi. Khả năng phục hồi đang bị thách thức trên toàn cầu. Hoạt động kinh doanh và đôi khi là cả những xã hội đang rơi vào hôn mê, phần nhiều bởi sự đứt kết nối giữa chính phủ, người dân và các khế ước xã hội.

Sự dẻo dai của tôi cũng đang bị thách thức khi tôi đang bị kẹt lại ở một quốc gia không phải quê mình, đang cố tìm đường sang một nước không phải quê mình, và lại cảm thấy may mắn vì không ở quê mình.

Tôi bị kẹt ở Việt Nam. Nhưng tôi vốn sống ở Thái Lan. Nhà tôi, bạn gái tôi, xe hơi của tôi, mấy chai whiskey hiếm của tôi, đôi dép lê ưa thích của tôi và dao làm bếp của tôi đều ở Thái cả. Tôi muốn quay về đó để ôm cô gái của đời mình, đi dép lê của mình và uống một ly scotch mà không lo về rượu giả. Tôi muốn lái xe đi thăm bạn bè, động viên nhau qua thời khốn khó này. Bạn gái tôi đã tự sửa lại căn nhà mới một mình. Chúng tôi dọn về đó hôm 28/2, và ngày 2/3 tôi đã đi Bangkok để rồi sau đó sang Việt Nam hoàn thành công chuyện.

Tôi là người Mỹ. Và đúng, tôi vẫn cảm thấy may mắn được chờ đợi ở đây hơn là quê mình.

Nhưng làm sao mà ngồi không một chỗ và chỉ biết nhìn ngó những gì diễn ra xung quanh bạn, nhận ra bạn chẳng có tiếng nói gì về vấn đề đang xảy ra, không thể tham gia vào quá trình ra quyết định? Làm gì khi sự tồn tại của bạn chỉ là để trả vài hóa đơn cho người bản địa, và cơ bản là làm họ khó ở nhẹ?

Đó là cuộc đời của một chuyên gia quốc tế ở châu Á trong thời đại dịch.

Tôi là kẻ ngoại tộc. Tôi chấp nhận điều đó. Đôi lúc tôi còn thấy thích nó. Tôi coi trọng sự đơn độc và hầu như cảm thấy thoải mái với sự yên tĩnh. Nhưng có một vấn đề rất lớn nếu bạn là một chuyên gia quốc tế ở Việt Nam lúc này mà không có công sở hoặc việc làm (ở thời điểm này, tôi hội đủ cả hai điều đó). Mặc dù tôi đang làm tư vấn cho một công ty ở Mỹ và một ở Thái, cả hai đều không thể cung cấp visa và phí lưu trú cho tôi ở Việt Nam.

Tôi vừa phải trả 300 đô cho 3 tháng gia hạn visa. Con số khá đau. Vẫn không có chuyến bay nào về Thái lúc này.

Ngay cả nếu có chuyến bay, một nỗ lực về Thái lúc này sẽ tốn của tôi 30 ngày. Tôi sẽ phải làm một đống giấy tờ, bay về và bị cách ly 14 ngày ở Thái Lan, rồi sau một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, lại phải sang Việt Nam giải quyết nốt công chuyện, và lại 14 ngày cách ly nữa.

Và còn một điều nữa, là người ta có thể tỏ ra OK khi họ ở một mình, giữa những người xa lạ. Nhưng nếu tôi gặp lại người thân, bức tường sẽ bị hạ xuống, cơ chế phòng vệ mòn đi, kết nối cảm xúc trở lại. Tôi sợ rằng cho đến khi mình rời Thái lần nữa, tôi sẽ thấy mình yếu đuối hơn, dễ bị tổn thương hơn. Nhất là trước những hòn tên mũi đạn mà cái đại dịch này sẽ phóng ra từ bóng tối mà không cần cảnh báo.

Vậy là tôi quyết định ở lại đây, cô độc và tìm xem có cách nào để cải thiện tình hình của bản thân, cũng như tạo ra những tác động tích cực lên một đất nước đã rất tử tế với mình.

Chúng ta đều rất may mắn có mặt ở đất nước này.

Nền kinh tế đang bùng nổ đã chậm lại, nhưng không sụp đổ. Những người dân ở đây đã trở nên kiên cường trước các cú sang chấn từ chiến tranh, thiên tai. Họ dường như sở hữu một sự dẻo dai tinh thần bẩm sinh.

Chính phủ giám sát tất cả. Sát sao, với quan sát về mọi thứ liên quan đến nền kinh tế và Covid và mọi giao điểm có thể xuất hiện giữa hai thứ. Và dù có một đốm lửa nhỏ xuất hiện tại Đà Nẵng, tôi không nghĩ sẽ có một đợt giãn cách xã hội nữa. Nhưng nếu cần, nó sẽ được thực hiện miễn bàn (vì ở đây người ta đã bàn bạc xong xuôi rồi), miễn tranh luận. Và nó sẽ ngăn chặn được làn sóng thứ 2, không nghi ngờ gì điều đó.

Nhờ những chính sách và văn hóa riêng như thế mà tôi cảm thấy ổn khi tìm đường đi tiếp ở đây. Tôi không thấy nhà cầm quyền phải biện minh rằng mình đang “làm điều đúng đắn”, họ cứ thế làm. Mọi người tuân thủ và cuộc sống tiếp diễn.

Đó tất nhiên không phải cách nghĩ của nền dân chủ Mỹ. Nhưng ngay lúc này, nó đã được chứng minh là cách tốt nhất.

Tôi không muốn khuyên ai phải làm gì. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần điều chỉnh cách mình nghĩ về mọi thứ. Trước mắt, chúng ta phải chấp nhận một loại hy vọng khác. Nó là một nghịch lý, nhưng cần thiết.

Chúng ta không thể nhắm mắt lại và tin tưởng lầm lạc rằng rồi mọi thứ sẽ OK. Nó có thể không OK đâu. Thẳng thắn ra, thì chắc chắn là không. Niềm tin mù quáng rằng mọi thứ sẽ ổn là món nợ mà rồi bạn sẽ phải trả bằng một trái tim tan vỡ khi sự thất vọng ập đến.

Vì vậy, chúng ta phải tiếp cận tương lai bằng đôi mắt mở và chuẩn bị cho những thách thức mình có thể nhìn thấy. Chúng ta cần tin tưởng vào khả năng của bản thân, như một con người luôn tìm cách đứng dậy, vượt lên và tìm được một con đường phát triển trong mọi hoàn cảnh.

Là một người nước ngoài sống ở đây, tôi đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Tôi có thể mất tất cả một lần nữa, tôi có thể bị xe máy tông khi đang băng qua đường mua bát phở, và quên mất mình là ai… Nhưng không có triển vọng tồi tệ nào ngăn được tôi tự làm mình khá lên.

Tôi đã mở một công ty tư vấn mới ở đây, tìm cách tạo ra những tác động tích cực lên ngôi nhà mới của mình, Việt Nam.

Vì cách duy nhất để đi đến tương lai là băng qua khúc giữa đầy gian khó.

NGUỒN:  Theo Báo VnExpress

Link bài:  Làm gì khi mắc kẹt

(https://vnexpress.net/lam-gi-khi-mac-ket-4135804.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *