Lưu Nhật Anh – VNExpress
Tôi bắt đầu năm làm việc mới với một sản phẩm AI.
Để soạn bài phát biểu trước toàn thể nhân viên cho ngày đi làm đầu tiên sau Tết, thay vì cặm cụi gõ từng câu rồi sửa đi sửa lại, tôi đưa ra yêu cầu thế này với ChatGPT: “Soạn một bài phát biểu sử dụng ba từ khóa lạc quan, tốc độ và kiên cường“. Tí tách chỉ trong 15 giây sau, bài phát biểu được hoàn thành.
Đó là bài viết với chất lượng nội dung tốt dù vẫn phải chỉnh sửa lại. Điểm hay ho là công cụ AI biết diễn giải logic giữa ba từ khóa đã cung cấp: điều gì là nền tảng, mối liên kết giữa ba khái niệm là gì, đâu là điểm quan trọng nhất. Cấu trúc bài viết tốt, biết liên kết với bối cảnh kinh tế, có điểm nhấn, có kết luận nhấn mạnh. Văn phong của ChatGPT mạch lạc với cách dùng từ đủ nhã nhặn và sang trọng, phù hợp cho một người đứng đầu doanh nghiệp, thậm chí là một nhà tư vấn doanh nghiệp đi nói chuyện trước công chúng.
Với ưu thế vượt trội như vậy, số lượng đăng ký tài khoản OpenAI đạt 100 triệu người dùng trên toàn cầu sau hai tháng ra mắt, theo báo cáo từ UBS. Đây là kỷ lục đạt 100 triệu người dùng nhanh nhất lịch sử ứng dụng phần mềm. Số lượng thảo luận về nó cũng nhiều. Hầu hết ý kiến diễn tả cảm giác ngạc nhiên vì sự thông minh vượt bậc của “siêu AI” ChatGPT. Số khác băn khoăn về tương lai nghề nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi AI. Giới khoa học bàn đến tính liêm chính, trung thực và khả năng lạm dụng ChatGPT trong học tập và nghiên cứu. Còn những người nhiều hoài nghi tỏ ra thận trọng trước khả năng tin giả, kiến thức thiếu kiểm chứng mà “kẻ thông minh không rõ mặt” này cung cấp.
Tôi lựa chọn cách nghĩ đơn giản: ta đã dùng AI được chưa, dùng để làm gì, dùng như thế nào trong công việc hàng ngày. Nói cách khác, tôi coi ChatGPT là một sản phẩm ứng dụng chứ không còn là cơ hội viển vông nữa. Vấn đề còn lại là: bạn đóng vai trò gì trước AI khi sử dụng nó?
Quay ngược lại ví dụ nêu trên về việc tạo bài diễn văn, tôi ước tính ChatGPT đã giúp giảm thời gian cho công việc này xuống cả chục lần. Tôi cũng tiết kiệm được công sức trong một số việc lặt vặt khác nhờ các công cụ AI. Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi rút ra kết luận, khi người ra đề bài càng giỏi, AI cho ra kết quả càng tốt.
Triết gia, nhà toán học Rene Descartes có câu nói nổi tiếng “Tôi tư duy, tôi tồn tại” (Cogito, ergo sum). Câu nói này hàm chứa ý nghĩa triết học phức tạp và sâu sắc, nhưng ở lớp nghĩa bề mặt, có thể hiểu, tư duy là một biểu hiện quan trọng cho sự tồn tại có ý thức của con người. Vậy bây giờ thì sao, khi những cỗ máy AI cũng có tư duy? Tôi cho rằng, nhân loại đang bước vào thời đại mà con người sẽ được nhận biết nhờ phát triển tư duy bậc cao (higher cognitive thinking) – khả năng tối thượng để chứng minh vai trò của mình trước máy móc.
Khi ra đề bài, tôi đóng vai trò tư duy bậc cao, tức sử dụng cả dữ liệu qua quá trình lập luận lẫn trực giác để chọn đúng ba từ đắt giá làm chủ điểm tâm thế của năm. Sau khi nhận được đề bài, AI sử dụng kho tri thức của mình soạn ra bài thuyết minh gần như hoàn thiện. Tôi chỉ hiệu chỉnh theo văn phong riêng, đưa thêm một số ví dụ dễ cảm nhận với những người tôi biết họ cần lắng nghe những gì. Chi tiết hơn, không chỉ là hiệu chỉnh, tôi còn có thể trao đổi và tinh chỉnh dần với AI một cách sòng phẳng – như giữa người với người.
Theo cách hiểu này, sẽ không có mối đe dọa thay thế thực sự giữa con người và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Con người có tư duy. Nhưng mệnh đề ngược lại không đúng. Không phải cứ có tư duy là trở thành con người. ChatGPT, hay các sản phẩm AI khác, là những công cụ thông minh được tạo ra và để phục vụ đối tượng thông minh vượt bậc hơn: con người.
Vì vậy, theo tôi, đừng bàn luận quá nhiều và để ngỏ kết luận bên cạnh ly bia mà nên bắt tay vào sử dụng công cụ cho những mục đích khác nhau của mình. Vợ tôi – vốn không ưa những thứ thuộc về công nghệ thông tin (trừ người chồng xuất thân từ giới công nghệ thông tin, là tôi) – đã phải “gật gù” trước OpenAI sau lần đầu thử dùng công cụ này để soạn thư giải trình xin visa thăm thân sang Australia.
Sản phẩm trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng từng phần trong công việc và sẽ còn tiến tới chỗ đảm nhận hoàn toàn các vị trí đơn giản. Nó có thể là một trợ lý làm việc bất kể giờ giấc; có thể giúp tiết kiệm nhiều giờ trong việc soạn nội dung marketing, dựng các bản thiết kế, viết giải trình, tóm tắt biên bản cuộc học, lập báo cáo, dựng slide trình bày… Và nó sẽ còn được con người phát triển để không chỉ dừng lại ở đó.
BuzzFeed – một trang web giải trí lớn của Mỹ – đầu năm nay đã thông báo cắt giảm 12% nhân sự, thay thế bằng các công cụ AI, nhằm góp phần cắt giảm chi phí trong bối cảnh đối mặt với thách thức sụt giảm doanh thu quảng cáo.
Ở Việt Nam, từ thực tế trải nghiệm các sản phẩm AI và quan sát của tôi về hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan công sở, tôi tin rằng, những con robot thông minh có quá nhiều cơ hội để thay thế các nhân sự đang làm việc trong tình trạng vật vờ “có cũng như không”.
Các sản phẩm “siêu” AI với khả năng giải quyết vấn đề đúng lúc phát sinh ra vấn đề (point of need learning), thay vì đợi đăng ký một khóa học nào đó hoặc tuyển dụng nhân sự mới, sẽ là tiền đề cho một cuộc cách mạng công nghệ mới. Ở đó, năng suất lao động của toàn xã hội có thể được nâng cao nhờ quá trình loại bỏ dần những nhân sự thụ động, kém hiệu quả trong công việc, lạc hậu trong tư duy và thiếu kỹ năng cộng tác với AI.
Nguồn: https://vnexpress.net/lam-gi-voi-chatgpt-4566047.html