Làm người, hành động ngu ngốc nhất là gì?

Khánh An/ Báo Soha

Ảnh minh họa.

Có lẽ không ít người trong chúng ta đã từng phạm phải việc này mà không nhận ra đó là một việc rất ngu ngốc.

Làm người, không thể không có ý thức rõ ràng về bản thân. Làm người, việc khó nhất cũng chính là tự ý thức rõ ràng về bản thân mình.

Gustave Flaubert từng viết như thế này: “Trái đất có ranh giới của nó nhưng sự ngu ngốc của loài người lại không có giới hạn.”

Kẻ địch lớn nhất của cuộc đời con người không phải là ai khác mà là chính mình. Rất nhiều lúc, chúng ta không thể nào kịp thời phát hiện và kiểm soát nhược điểm của bản thân mình.

Chúng ta cứ tự cho mình là đúng, kiêu ngạo, tự cao tự đại mà không biết rằng, cuộc sống của rất nhiều người đã bị hủy hoại cũng chỉ vì điều này.

1. Luôn tự cho mình đúng – một việc làm ngốc nghếch

Thời cổ xưa, có một thư sinh rất kém về phương diện thư pháp nhưng lại thích đi khắp nơi viết chữ cho người ta.

Có một lần, anh ta tham gia vào một cuộc gặp gỡ do một thư sinh khác tổ chức. Trong cuộc gặp gỡ đó, anh ta thấy một người bạn khá thân thiết đang cầm trên tay một chiếc quạt đang mở, bề mặt quạt trắng tinh sạch sẽ. Anh ta hí hửng cầm vội cây bút trên bàn bên cạnh rồi chạy tới giật lấy chiếc quạt xin viết chữ lên đó.

Đối phương tái mặt vì kinh ngạc, lập tức quỳ bịch xuống mặt đất.

Anh chàng cao hứng nói: “Chỉ là viết mấy chữ mà thôi, chút chuyện nhỏ này cần gì phải hành lễ lớn như vậy?

“Không phải tôi xin cậu viết, mà là tôi xin cậu đừng có viết vào chiếc quạt của tôi!” – đối phương đáp lời.

Ảnh minh họa.

Trong cuộc sống có rất nhiều người thất bại, phần lớn không phải thua vì năng lực của bản thân, mà là do tính cách, thói quen tự cho mình là đúng, tự cho mình là giỏi, tự cao tự đại coi trời bằng vung.

Núi này cao còn có núi khác cao hơn. Người thông minh họ sẽ hiểu rằng, chỉ có nhận ra và thừa nhận khuyết điểm của bản thân mình, biết cách học hỏi ưu điểm của người khác, bù đắp cho thiếu sót của bản thân mới có thể không ngừng tiến bộ và trưởng thành.

Con người sống trên đời, đừng quá coi trọng bản thân, hãy bỏ xuống thói quen tự cho mình là đúng, hạ thành kiến và sĩ diện xuống , như thế sẽ chẳng còn ai có thể làm tổn thương được bạn.

2. Tự kiểm điểm lại bản thân, giúp cho đầu óc tỉnh táo

Đường Thái Tông Lý Thế Dân chính là một người thông minh am hiểu về “tự kiểm điểm bản thân”.

Có một lần, Ngụy Trưng đã tranh luận với Đường Thái Tông ngay trên triều đến nỗi mặt đỏ tía tai. Đường Thái Tông thật sự không chịu nổi nữa, phất tay áo muốn bỏ đi, nhưng Ngụy Trưng bước tới nắm lấy tay áo của ông, bắt ông phải nghe xong lời khuyên giải của mình xong rồi mới được đi.

Cách làm của Ngụy Trưng khiến Thái Tông mất mặt vô cùng, nhưng vì danh tiếng “giỏi tiếp thu lời khuyên” của bản thân, ông đành phải miễn cưỡng nhẫn nhịn ở lại.

Sau khi bãi triều, Thái Tông vô cùng tức giận quay trở về hậu cung, và nói với Trưởng Tôn Hoàng hậu: “Rồi sẽ có một ngày ta sẽ giết lão già ngu ngốc cổ hủ Ngụy Trưng đó!”

Sau khi Trưởng Tôn Hoàng hậu nghe xong nguyên do, không nói một lời nào, bà lập tức quay về phòng của mình và thay một bộ lễ phục rồi cúi chào Thái Tông.

Đường Thái Tông ngạc nhiên hỏi bà: “Nàng làm gì vậy, sao đột nhiên hành lễ lớn như thế?”

Trưởng Tôn Hoàng hậu trả lời rằng: “Thiếp nghe nói chỉ có hoàng đế sáng suốt mới có đại thần ngay thẳng chính trực, nay Ngụy Trưng ngay thẳng như vậy, chứng tỏ được sự sáng suốt của bệ hạ, ta làm sao có thể không chúc mừng bệ hạ được!”

Những lời nói của Trưởng Tôn Hoàng hậu không chỉ dập tắt cơn tức giận của Thái Tông mà còn giúp ông tỉnh táo nhận ra ý nghĩa quan trọng của việc này.

Từ đó trở về sau, những lúc Ngụy Trưng chính trực đưa ra ý kiến trên triều,Thái Tông không những không tức giận mà ngược lại ông thường tự kiểm điểm lại bản thân mình.

Hình ảnh vua Đường Lý Thế Dân trên phim truyền hình.

Chính vì Đường Thái Tông có thể tỉnh táo nhận ra sự thật của sự việc và không ngừng kiểm điểm lại bản thân, nên ông mới có thể tạo ra “Trinh Quán chi trị”, giúp nhà Đường quốc thái dân an.

Browning Robert từng nói: “Một người có thể tự kiểm điểm lại bản thân thì nhất định không phải là một người tầm thường.”

Tự cho mình là đúng luôn là điềm báo cho việc rơi vào vực sâu thăm thẳm; Thường xuyên kiểm điểm lại bản thân mới có thể dần dần mở ra cánh cửa thành công.

Một người chỉ có tỉnh táo nhìn rõ sự thật của sự việc, thường xuyên kiểm điểm lại bản thân mới có thể giảm bớt những cú ngã và nhận được nhiều cái lợi hơn.

3. Sự cao quý thực sự là sự khiêm tốn xuất phát từ trong xương cốt

Trong “Thái Căn Đàm” có nói: “Nhường người ta một bước là một cách làm cao minh, lùi một bước chỉ là sự sắp xếp trước cho sự tiến bộ; Đối xử khoan dung với người khác là phúc, mang lại lợi ích cho người khác thực chất là đặt nền tảng cho lợi ích của bản thân mình.”

Người có sự khiêm tốn xuất phát từ trong xương cốt thường là người vững vàng cẩn thận, có khả năng thuyết phục người khác nhất.

Về phương diện riêng tư, họ sẽ không dựa vào những thành tích trong quá khứ và sẽ đối xử với mọi người bằng thái độ đúng mực, không tự ti cũng không kiêu ngạo.

Nếu như mối quan hệ qua lại không thân thiết, bạn sẽ không ý thức được sự đặc biệt của họ; thứ có thể nhìn thấy được chỉ có bề ngoài sạch sẽ và thái độ hòa nhã, giống như họ cũng không ý thức được bản thân mình “giỏi giang” tới mức nào.

Thầy giáo Chương Thái Viêm (Trung Quốc) để lại cho con cháu đời sau di huấn như thế này:

Người bình thường coi trọng việc lập thân lập nghiệp nhất, đứng sau là việc học, không được ỷ vào việc mình giàu sang mà kiêu căng ngạo mạn, cũng không được quỳ lạy luồn cúi chỉ vì bản thân nghèo túng bần cùng.

Cháu trai của ông là một giáo viên tư thục, mỗi ngày đều mặc một bộ đồ vải Trung Sơn màu xanh lam, không bao giờ buông lỏng trong việc dạy dỗ, giáo dục con người.

Trần Đan Thanh là hàng xóm với vị thầy giáo này mấy chục năm mới biết được thân phận “hiển hách” của ông.

Trong cuộc đời, mỗi người sẽ gặp được vô số người. Một số người có cử chỉ bình thường nhưng lại có thành tựu phi phàm; một số người nói những lời nói và việc làm cao sang, nhưng lại nông cạn thiếu hiểu biết.

Mặc dù sự khiêm tốn không trực tiếp tạo nên thành tựu của một người, nhưng nó có thể giúp người đó đi xa hơn, có nhiều người kính nể hơn, tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Không nên quá xem thường người khác, cũng không nên đề cao bản thân thái quá. Cho dù bạn đã bước đến độ cao như thế nào, vẫn cứ nên duy trì một trạng thái tâm lý bình thường, đó chính là điều quan trọng nhất.

Tục ngữ nói rất hay: “Tự tin là một việc, nhưng tự tin một cách mù quáng sẽ chỉ mang lại sự thất bại.”

 

NGUỒN:  Theo Báo Soha

Link bài:  Làm người…

https://soha.vn/lam-nguoi-hanh-dong-ngu-ngoc-nhat-la-gi-cau-tra-loi-cho-thay-nhieu-nguoi-da-tung-pham-phai-nhung-khong-he-nhan-ra-202011131017446.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *