Làm việc nhiều giờ đồng hồ có thể tàn phá sức khỏe tim mạch. Cụ thể, một công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí European Heart Journal cho thấy làm việc nhiều giờ có thể tăng nguy cơ gây rung tâm nhĩ.
Khảo sát mới đây ở 85.000 nhân viên về thời lượng làm việc mỗi tuần đã phát hiện những người làm việc 55 giờ hoặc nhiều hơn mỗi tuần được chẩn đoán bị rung tâm nhĩ cao hơn 42% so với những người làm việc khoảng giữa 35 – 40 giờ/tuần. Có 9/10 trường hợp rung tâm nhĩ được phát hiện ở những người không có bất kỳ bệnh lý nào về tim từ trước đến nay.
Điều này cho thấy làm việc nhiều giờ là nguyên nhân phía sau của việc tăng nguy cơ mắc bệnh, chứ không phải các vấn đề về tim mạch trước đó.
Rung tâm nhĩ là gì?
Tim bạn có bao giờ đập mạnh hay rung lên? Tình trạng này có xảy ra khi bạn nghỉ ngơi? Thông thường, những triệu chứng này có thể được chẩn đoán là loạn nhịp tim hay rối loạn nhịp tim, và một rối loạn nhịp tim thường gặp được gọi là rung tâm nhĩ hay AFib. Rung tâm nhĩ hoặc nhịp tim không đều xảy ra khi 2 ngăn trên của tim không đập đồng bộ với 2 ngăn dưới, hoặc tâm thất.
Thông thường, nhịp tim lúc nghỉ ngơi là ở tốc độ giữa 60 – 100 nhịp/phút. Ngược lại, khi rung tâm nhĩ, tâm nhĩ được kích hoạt ở tốc độ 400 nhịp/phút. Nhịp tim đập bất thường này có thể làm máu chuyển thành các cục máu đông dẫn đến đột quỵ. Nếu không được kiểm soát kịp thời, rung tâm nhĩ cũng làm suy yếu tim, dẫn đến suy tim.
Các triệu chứng của rung tâm nhĩ
Các nhà nghiên cứu tin rằng làm việc nhiều giờ gây cản trở hệ thần kinh đối giao cảm, từ đó tăng nguy cơ rung tâm nhĩ. Stress và các vấn đề liên quan đến làm việc nhiều giờ cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Vậy làm sao để phát hiện kịp thời các dấu hiệu của rung tâm nhĩ? Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo:
– Đánh trống ngực, hoặc cảm thấy tim đang đập mạnh hay rung lên
– Đau ngực, áp lực hay cảm thấy khó chịu
– Khó thở
– Đau đầu nhẹ
– Mệt mỏi hay thiếu năng lượng trầm trọng
– Không có khả năng tập thể dục
Rung tâm nhĩ thường xảy ra kèm theo các triệu chứng có thể chợt đến và biến mất. Trong một vài trường hợp, bệnh kéo dài trong vài phút cho đến vài giờ, sau đó mất hẳn. Tuy nhiên, đừng bỏ qua bất cứ triệu chứng nào của bệnh, dù là tạm thời.
Rung tâm nhĩ ở người lớn tuổi
Rung tâm nhĩ thường xảy ra ở người lớn tuổi, có khoảng 11% người trên 80 tuổi bị ảnh hưởng bởi rối loạn nhịp tim. Trong nhiều trường hợp, những người bị rung tâm nhĩ không phát hiện bất cứ triệu chứng nào cho đến khi bệnh được phát hiện, mà nguyên nhân đầu tiên là đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ càng cao hơn nếu được chẩn đoán rung tâm nhĩ, kèm theo các yếu tố như bệnh van tim, tiểu đường, suy tim và cao huyết áp.
Rung tâm nhĩ ở tuổi thiếu niên
Trẻ ở tuổi thiếu niên cũng có những triệu chứng của rung tâm nhĩ. Bệnh có thể đến từ một yếu tố đơn lẻ và cô lập hay kèm theo các giai đoạn lặp đi lặp lại nếu có bất cứ dấu hiệu cơ bản nào. Triệu chứng rung tâm nhĩ của trẻ độ tuổi này thường là đánh trống ngực trước khi xảy ra vấn đề nghiêm trọng như tim ngừng đập.
Cách phòng bệnh
Cắt giảm giờ làm việc để giảm những nguy cơ cho tim bằng cách tạo thói quen lành mạnh cho sức khỏe. Trong 2 tuần lễ đầu tiên, bắt đầu bổ sung một thói quen lành mạnh trong lịch làm việc hằng ngày. Có thể tập đi bộ trong 20 phút vào giờ ăn trưa. Hoặc ngủ đủ 7 giờ mỗi đêm và tắt điện thoại trong lúc ngủ.
Những thay đổi này tuy nhỏ nhưng đem lại cho bạn cảm giác thư giãn với lịch làm việc bận rộn. Nếu nghĩ rằng bạn đang có những triệu chứng của rung tâm nhĩ, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có cách xử lý kịp thời.