Lao động vàng nhưng là vàng “một số 9”

Trần Quí thanh

Nguồn ảnh: Báo DNSG.

—–

Thưa anh Trần Quí Thanh,

Anh không biết em đâu, em thì biết anh từ những năm 90 thế kỉ trước, khi anh đang hào hứng làm đường cát… 

Quá lâu không gặp anh, vẫn biết anh làm ăn tấn tới nhưng ra phố nhậu chơi, con cà con kê thì ít đi. Em cũng vậy. Già rồi mà anh. 

Đọc blog anh tự nhiên gửi tới anh tâm sự này: Các công ty nước ngoài rất muốn lao động Việt Nam vì họ chăm chí, khéo léo, nhất là giá cả rất rẻ. Trong khi các  doanh nghiệp trong nước hầu như không quan tâm đến những lợi thế mà lao động Việt Nam có. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Mạnh giỏi nghen anh.

Tố Tâm (hổng biết nhớ chưa nữa?): tamtphochiminh11@gmail.com

 —–

Chào Tố Tâm!

Cái tên hay zậy mà quên sao được, hẹn mai mốt nhậu nha, già thì kệ nó chứ chẳng lẽ vì già mà bỏ nhậu.

Về thị trường lao động có lắm sự để bàn, không đơn giản như các con số thống kê đâu em. Đôi khi những nhà thống kê chỉ ra con số nhưng không “đọc” được các con số em ạ. Doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động mới hiểu rõ mọi ngóc ngách của việc sử dụng nguồn nhân lực.

Việt Nam được xem là trong giai đoạn sở hữu “dân số vàng”, nhưng vàng mấy tuổi mới là quan trọng. Độ tuổi thanh niên trai tráng được gọi là vàng đó rất đông, nhưng chất lượng thấp, vậy thì vàng “một số 9” thôi. Ngay cả sinh viên tốt nghiệp đại học, được cho là nguồn nhân lực cao, đã qua đào tạo, nhưng đang thất nghiệp hơn 200.000 người. Điều này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thấp, năng suất lao động cũng bị các nước trong khu vực bỏ xa.

Công ty nước ngoài đến Việt Nam làm ăn thì đương nhiên tuyển lao động Việt Nam, giá nhân công rẻ, và họ cũng không thể đem người lao động từ nước họ sang được nên giỏi dở cũng phải dùng, nếu kém thì đào tạo, huấn luyện thêm. Và cái hay của doanh nghiệp nước ngoài mà ta phải học đó là họ khai thác tốt nguồn nhân lực, năng suất lao động cao. Họ cũng có lợi thế hơn trong cạnh tranh tuyển dụng là vì nhiều công ty trả lương cao hơn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các vị trí chủ chốt. Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài có chuyên môn và kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp trong nước cũng sử dụng nguồn lao động đang có trên thị trường, không thuê lao động nước ngoài được, trừ những vị trí quản lý đặc biệt cần chuyên gia. Đối với doanh nghiệp có tiềm lực thì đủ sức cạnh tranh thu hút nhân lực giỏi, chẳng thua kém gì doanh nghiệp nước ngoài, nhưng tất nhiên số này không nhiều.

Cạnh tranh của các khu vực doanh nghiệp là tuyển dụng được những lao động có chất lượng cao hơn về cho mình, đồng thời có kế hoạch đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đơn vị. Nếu cho rằng, doanh nghiệp trong nước không quan tâm đến lợi thế mà lao động Việt Nam có thì theo tui cũng không hoàn toàn đúng. Cho dù doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước đều phải quan tâm đến nguồn nhân lực của mình, vấn đề là tùy thuộc năng lực tuyển dụng và khai thác, sẽ tạo ra hiệu quả khác nhau.

Chúc mạnh khỏe nhé, có gì cứ gửi meo nha.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *