Trần Quí Thanh
—–
Giới sản xuất thép “sốc” trước quyết định của Bộ Thương mại Mỹ về áp mức thuế tới 456,23% đối với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Một đòn quá bất ngờ, chắc chắn có nhiều doanh nghiệp lao đao.
Nhưng cũng từ những cú sốc này, bắt buộc chúng ta, mỗi thành viên trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn lại mình, đánh giá lại thực chất, thực lực và tính toán được thương trường của ngày mai sẽ có những biến đổi với những cú “sốc” tương tự. Vấn đề còn lại là chúng ta phải sẵn sàng, phải trang bị cho chính mình các nguồn lực để đối phó từ xa trước những thử thách khắc nghiệt đó.
Nói “từ xa” có nghĩa là cách làm ăn của chúng ta phải khác, đã qua rồi cái thời “ăn xổi”, đánh nhanh thắng nhanh, mà đầu tư chiều sâu, làm ra sản phẩm đạt chất lượng cao, chuẩn quốc tế. Ngay từ hôm nay, phải bắt tay hành động để có bước đi chiến lược cho hàng hóa sản, phẩm Việt Nam. Thị trường hôm nay không dễ dàng như chúng ta từng làm, từng nghĩ, từng nhìn với cái nhìn ngắn hạn của hôm qua.
Rồi đây, không chỉ là thép, mà có thể nhiều sản phẩm của Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Không chuẩn bị nguồn năng lượng nội tại thì làm sao chịu được áo lực của “võ đài “quốc tế, ở đó có những “võ sĩ” chuyên nghiệp với cú đấm ngàn cân.
Loay hoay trong xới vật đình làng thì thắng sao nổi địch thủ có đẳng cấp thế giới.
Mới đây, khi Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA) được ký kết, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh có đưa ra nhận định, đánh giá: “Hàng rào thuế quan không phải là tất cả, mà chính là việc đáp ứng các yêu cầu chuẩn mực của thị trường này về vệ sinh an toàn thực phẩm; về hàng rào kiểm dịch động vật, thực vật; về những yêu cầu trong chương trình phát triển bền vững… Đồng thời đòi hỏi các sản phẩm của VN phải đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường lao động… Đây mới chính là khó khăn và thách thức của chúng ta”.
Không chỉ Mỹ, mà cộng đồng châu Âu, ở đâu cũng sẵn sàng mở ra sân chơi cho Việt Nam, nhưng cuộc đấu sòng phẳng, minh bạch, lấy các tiêu chí quốc tế ra làm chuẩn mực. Ví dụ, miếng ăn của con người hôm nay không phải chỉ phục vụ cái bụng đói, mà là thưởng thức, là chăm lo sức khỏe, vậy thì những thứ đi ngược lại với tiêu chí đó coi như vứt.
Sản phẩm sản xuất ra để phục vụ con người, nhưng để làm ra nó, nhà sản xuất hủy hoại môi trường thì coi như đã xâm phạm đến mục tiêu phát triển bền vững mà văn minh nhân loại thừa nhận. Các nước tiên tiến không bao giờ chấp nhận sản phẩm như vậy.
Tui còn nhớ cách đây chừng mười mấy năm, khi báo chí Việt Nam đưa tin một số nhà máy đối tác của Nike tại Việt Nam xảy ra tình trạng quản đốc người nước ngoài hành hung công nhân, ngay lập tức báo chí Mỹ lên án, quan chức của Tập doàn Nike tức tốc bay sang Việt Nam để xử lý. Những đối tác nào để xảy ra những vụ chuyên gia hành hung công nhân, sẽ bị Nike cắt hợp đồng. Tôn trọng quyền con người cũng là một tiêu chí.
Những khó khăn dồn dập đến với cộng đồng doanh nghiệp khi hội nhập sâu vào các nền kinh tế đúng là một áp lực quá lớn, nhưng tui nghĩ đó cũng là cơ hội để trưởng thành.
Sài Gòn ngày 15/07/2019
TQT
Bài đọc thêm, Link: Có nhận đòn đau thì mới thức tỉnh
(https://www.thesaigontimes.vn/291269/co-nhan-don-dau-thi-moi-thuc-tinh.html)