Lợi ích phải hài hòa: nhà đầu tư, nhà nước và người dân

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Theo Báo Cafef

—–

Tất cả các địa phương đều chịu sức ép tăng trưởng, tạo được nguồn thu, ít nhất để không phải ngửa tay xin tiền ngân sách. Muốn có nguồn thu thì tỉnh phải làm kinh tế, muốn làm kinh tế thì phải kêu gọi các nhà đầu tư.

Nay khác xưa rồi, lãnh đạo các địa phương không phải chỉ ngồi chờ các nhà đầu tư đến, rung đùi  ban phát theo kiểu xin – cho, mà đôi khi ngược lại. Chính các vị lãnh dạo của các địa phương phải đích thân tìm đến các nhà đầu tư, thuyết phục họ đến với tỉnh nhà.

Năm ngoái, đích thân chủ tich của một tỉnh, cùng với giám đốc Sở kế hoạch Đầu tư của một tỉnh miền Trung, tìm đến gặp tui tại Bình Dương, mời tôi về tỉnh đó tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tui thực sự cảm kích, và hiểu rằng, đã có những chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo một số địa phương.

Các nhà đầu tư cũng tính toán lợi ích của họ, không có lãi ai dại gì kinh doanh. Tuy nhiên, lợi ích phải hài hòa, nhà đầu tư, nhà nước và người dân. Được như vậy mới mang lại lợi ích chung cho đất nước.

Ngược lại với điều này, khi chính quyền địa phương cùng với nhà đầu tư chỉ nghĩ đến lợi ích của nhà đầu tư, chia chác lại cho lãnh đạo, thì đó là nhóm lợi ích toan tính lợi ích nhóm. Nếu là thế lực lớn, còn gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Trên thực tế, không phải tất cả, nhưng có những dự án, chính quyền bị nhà đầu tư chi phối. Đôi lúc không phải vì tiêu cực, tham nhũng, mà vì sốt ruột, muốn địa phương nhanh chóng có nguồn thu, nên xuống nước, chiều theo ý của nhà đầu tư làm méo mó quy hoạch.

Chiều 27.5, tại buổi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra nhận xét, “việc quy hoạch còn tùy tiện, chạy theo nhà đầu tư, tạo ra khu đô thị chật chội và không an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân, nhà nước…”.

Chính vì chạy theo nhà đầu tư, nên nhiều nơi sông bị lấn chiếm, cảnh quan thiên nhiên bị phá hoại. Có lợi cho một nhóm người nhưng thiệt hại cho đất nước hôm nay và cả với tương lai.

Tài nguyên phải khai thác để làm giàu, nếu tài nguyên chỉ để ngồi ngắm là lãng phí. Nhưng đầu tư khai thác tài nguyên phải mang lại lợi ích chung, bảo tồn được di tích, bảo vệ được thiên nhiên, trên cơ sở tuân thủ quy hoạch khoa học.

Muốn các vị lãnh đạo và các nhà đầu tư tôn trọng điều này, ngoài đề cao giá trị đạo đức và sự liêm chính của cán bộ lãnh đạo, lòng yêu nước của doanh nhân, thì trên hết vẫn là sử dụng cây gậy của pháp luật.

Ai làm sai quy hoạch thì xử.

 

Sài Gòn ngày 30/05/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link bài: Bẻ cong quy hoạch

(https://www.tienphong.vn/toi-nghi/be-cong-quy-hoach-1421084.tpo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *