Lương giáo viên thấp, đừng nói đến giáo dục chất lượng cao

Trần Quí Thanh

Nghề cao quí với đồng lương vô lý, bi kịch  nhà giáo đương thời (Ảnh của báo GDVN).

Tại các diễn đàn liên quan đến giáo dục gần đây, có nhiều chuyên gia lên tiếng kêu gọi chấn hưng giáo dục, những tiếng kêu khẩn thiết.

Bộ Giáo dục Đào tại cũng đưa ra đề án cải cách toàn diện về giáo dục, chưa biết vận hành đề án đến đâu, nhưng chưa thấy có sự thay đổi căn bản nào, chưa nói đến toàn diện.

Nhưng tui xin nêu quan điểm thế này, trước khi nói đến cải cách chương trình giảng dạy, đào tạo, thì hãy lo cho giáo viên một cách “căn bản và toàn diện”. Con người là yếu tố trung tâm, giáo dục lại cần đến yếu tố trung tâm này hơn bất cứ ngành nghề nào khác. Con robot hay sản phẩm trí tuệ nhân tạo có thể thay thế một kỹ sư trong dây chuyền sản xuất, nhưng không sản phẩm nào thay thế vai trò của người thầy trong hệ thống giáo dục.

Nhưng người thầy của chúng ta có chân dung như thế nào trong xã hội hiện nay?

Một ngành nghề xây dựng thế hệ tương lai cho đất nước, nhưng lại bị xã hội coi thường xét về nhiều mặt. Trước hết là nghề giáo nghèo hơn nhiều nghề khác, lại khó xin việc, thậm chí phải đút lót để nhận được một chân dạy hợp đồng, dư thừa thì bị cho ra đường, như trường hợp hơn 500 giáo viên mầm non ở Đắk Lắk. Chính vì vậy nên đa số phụ huynh không muốn cho con mình theo ngành sư phạm.

Đồng lương thấp, dạy thêm kiếm thu nhập, việc làm chân chính và lương thiện nhất cũng bị xã hội nặng nhẹ, có người ác ý cho rằng giáo viên ép học sinh học thêm để lấy tiền. Có nhiều thầy cô phải dạy thêm vì không thể nhìn thấy học sinh học yếu, chưa kể áp lực thành tích từ nhà trường, để cho học sinh học kém, không đủ điểm lên lớp, không có nhiều học sinh tiên tiến thì bị phê bình, kiểm điểm.

Một áp lực khác là bạo lực xã hội đã lan đến học đường, trên cả áp lực là nỗi sợ hãi. Thành trì đạo đức trong trường học bị phá đổ từ lúc nào không hay, để rồi người ta có quyền bắt cô giáo quỳ, đánh cả giáo sinh mang thai, học sinh đâm thầy, côn đồ vào trường hành hung thầy giáo, chặn đường đánh giám thị. Chúng ta có an lòng không khi bạo lực, cái ác nảy sinh trong môi trường giáo dục. Có thể có vài trường hợp giáo viên có sai phạm, làm việc không tốt, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhưng không thể chấp nhận sử dụng bạo lực với thầy cô.

Phải thay đổi bằng cách tuyển đầu vào ngành sư phạm thật gắt gao, giỏi mới được. Lương và đãi ngộ cao, đủ giữ chân nhân tài, để họ yên tâm làm cái việc giáo dục thế hệ tương lai cho đất nước. Ai không đáp ứng các tiêu chuẩn về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật cho rời khỏi ngành thẳng tay.

GS Hoàng Tụy kể lại, nhà vật lý nổi tiếng P.Darriulat đã gửi cho ông bài viết về giáo dục Việt Nam, trong đó có đoạn: “Nếu có ai đó hỏi tôi biện pháp gì đột phá có thể nâng cao chất lượng đại học Việt Nam, tôi không chút ngập ngừng trả lời ngay, đó là sửa đổi chế độ lương cực kỳ phi lý, bất công, vô hiệu quả”.

Không chỉ đại học mà các bậc phổ thông cũng vậy. Lương quá vô lý, còn lương thấp như hiện nay, đừng bao giờ nói đến chất lượng giáo dục cao.

Còn lấy đâu ra ngân sách tăng lương cho giáo viên, tui xin bàn ở một bài viết khác.

 

Sài Gòn ngày 15/04/2018

TQT

Bài đọc thêm, Link: Nghề giáo bây giờ là một nghề…của những người kiên cường và dũng cảm

(http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nghe-giao-bay-gio-la-mot-nghecua-nhung-nguoi-kien-cuong-va-dung-cam-post185175.gd)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *