Lý giải bản lĩnh chung sống với đại dịch Covid-19 ở Tân Hiệp Phát từ câu chuyện văn hóa doanh nghiệp

Nhật Linh/ Báo ANTĐ

Với nhiều doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp là cái gì đó rất phù phiếm, nhưng tại Tân Hiệp Phát, xây dựng văn hóa được coi là vấn đề trọng yếu trong phát triển con người, đầu tư văn hóa doanh nghiệp là không có giới hạn ngân sách. Và trong bối cảnh muôn vàn khó khăn bủa vây do đại dịch Covid-19 thì ở Tân Hiệp Phát đã chứng minh, với việc đầu tư về con người, về văn hóa đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua thử thách, tìm được cơ hội phát triển.

Đây là chia sẻ của bà Trần Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Phụ trách khối Nhân sự, tài chính Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại tọa đàm “Bứt phá kinh doanh hậu Covid-19 bằng văn hóa doanh nghiệp”, được tổ chức ngày 25/9 vừa qua.

Bà Trần Ngọc Bích

Văn hóa doanh nghiệp cần đo đếm ở những người xa lãnh đạo nhất

Bà Trần Ngọc Bích cho biết, Tân Hiệp Phát được xây dựng và phát triển từ năm 1994, khi đó hoàn toàn không có các điều kiện thuận lợi về vốn, kiến thức, về các giải pháp… Nhưng nhờ những giá trị cốt lõi được xây dựng, doanh nghiệp đã từng bước đối mặt và vượt qua những khó khăn.

Theo đó, điểm khởi đầu của văn hóa Tân Hiệp Phát là mọi vấn đề được giải quyết bằng mong muốn đóng góp. Để đạt được tầm nhìn đó, công ty mong muốn sẽ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng châu Á với mùi vị thích hợp, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thỏa mãn nhu cầu hiện có và tiềm ẩn của khách hàng để dần trở thành đối tác được ưa chuộng hơn trong kinh doanh.

“Đây là là kim chỉ nam của tất cả các hoạt động tại Tân Hiệp Phát và mọi vấn đề sẽ được giải thích bằng bộ tầm nhìn sứ mệnh gồm có 7 giá trị cốt lõi mà lãnh đạo doanh nghiệp đã đúc kết nên, bao gồm: Thỏa mãn khách hàng; Chất lượng chuẩn quốc tế; Có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội; Không gì là không thể; Làm chủ trong công việc; Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai; Chính trực.

Bảy giá trị cốt lõi này không chỉ là những giới thiệu chung mà còn có những định nghĩa về mặt hành vi rất là cụ thể, qua đó sẽ giúp cho các lãnh đạo, công nhân viên công ty định hướng sự lựa chọn của mình trong công việc hằng ngày” – bà Trần Ngọc Bích chia sẻ.

Theo Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, những giá trị cốt lõi và những định hướng hành vi này được các lãnh đạo doanh nghiệp viết nên từ chính kinh nghiệm của bản thân, từ thực tế giải quyết các vấn đề.

Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp sẽ không chỉ được định hình qua nguyện vọng, tầm nhìn, sứ mệnh của lãnh đạo, mà nó cần được triển khai xuống, “đo đếm” được ở từ hành động của những người làm ở những vị trí xa nhất so với ban lãnh đạo.

Để đạt được điều đó, những giá trị cốt lõi, các sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp cần đi vào trong các nguyên tắc về quản lý nhân sự, trong các chính sách, trong các quy trình, trong phương pháp hội nhập, trong vấn đề đào tạo, vấn đề quản lý thành tích, vấn đề ghi nhận phát triển nhân viên. Đây là những cơ chế để giúp cho mọi người nhận dạng được văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công ty này khác với văn hóa công ty kia.

Văn hóa doanh nghiệp ở Tân Hiệp Phát được cụ thể hóa qua việc thực hành 7 giá trị cốt lõi

Chỉ cần bạn làm, đừng sợ lãnh đạo không biết

Một nhân viên lái xe thuộc Phòng Hành chính nhân sự của nhà máy Number One Hà Nam đã được ghi nhận là một thành viên thể hiện tinh thần giá trị cốt lõi “không gì là không thể”, “làm chủ trong công việc” và “thỏa mãn khách hàng.

Theo lời Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, đối với một tài xế bình thường, lẽ ra chỉ cần đáp ứng yêu cầu là làm thế nào để mà chở sếp đi, chở sếp về, rồi rửa xe, đảm bảo là xe vận hành tốt… là được. Nhưng mà nhân viên này lại tìm một cách tư duy khác, là mình cứ làm làm hết năng lực. Cái gì mình biết mà không làm là mình có lỗi, thấy việc làm được mà không làm là sai… Phải luôn luôn cải tiến, hành động để tạo ra giá trị cho mọi người mỗi ngày, luôn tư duy tích cực và tin rằng mình làm được.

“Vì vậy, thay vì chỉ bị hạn chế bởi công việc của mình, bạn xung phong lái xe, bạn đi làm đường sá trong nội bộ công ty, bạn trồng cây xanh, bạn cải tiến xe benz… Bạn giữ lời cam kết và bạn cũng chia sẻ với các đồng nghiệp là bạn xem công ty như ngôi nhà thứ hai của mình, nên bạn chăm chút nơi làm việc của mình từng chút một…” – bà Trần Ngọc Bích kể.

Hay một nhân viên ở nhà máy Number One Hậu Giang. Với tinh thần “không gì là không thể”, dám tiếp cận các mục tiêu với tinh thần sẵn sàng chinh phục mục tiêu, thách thức, đã luôn trăn trở vấn đề làm thế nào để cải tiến việc công ty mỗi tháng chi hơn 1 tỷ đồng chỉ để thuê Pallet. Sau khi tính toán các giải pháp, nhân viên này đã trình bày các giải pháp lên Giám đốc Khối, phối hợp các bên liên quan để trình bày lên Tổng Giám đốc, đề xuất giải pháp đầu tư Pallet nhựa. Sau đó, thiết lập được hệ thống quản lý để triển khai được dự án.

Một câu chuyện khác của một nhân viên Phòng Dịch vụ cơ sở hạ tầng, đang làm việc tại Nhà máy Number One Bình Dương, tên Nguyễn Trung Hiếu. Anh Hiếu đang phải xa gia đình, gạt đi nỗi nhớ vợ và con nhỏ mới 6 tháng tuổi để cùng đồng nghiệp làm việc, “bảo vệ vùng xanh” Tân Hiệp Phát.

Trong câu chuyện chia sẻ về đồng nghiệp của mình, anh Tạ Thành Trung, một nhân viên phòng An ninh nhà máy Number One Bình Dương kể về câu chuyện trải nghiệm liên quan đến anh Hiếu: Hôm đó là nửa đêm, hệ thống camera ở phòng An ninh bỗng dưng bị hỏng, không thể vận hành, nguy cơ có thể gây ra những sự cố rất lớn. Khi đó, anh Trung đã yêu cầu hỗ trợ từ anh Hiếu. Lúc đó là nửa đêm, đáng lẽ ra anh Hiếu có thể viện các lý do để trì hoãn đến ngày mai. Tuy nhiên, anh đã vượt qua cái rào cản đó, đã lôi cuốn tất cả mọi người vào tinh thần đó, để cùng sửa chữa hệ thống camera ngay trong đêm, qua đó để phòng An ninh có thể đảm bảo được an toàn cho hơn 1.000 người đang làm việc tại nhà máy…

Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát – Trần Ngọc Bích

Đây là những câu chuyện mà Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát Trần Ngọc Bích điểm lại một cách đầy tự hào, trân trọng khi chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp mình. Những câu chuyện trên đã minh chứng cho sức mạnh, sự lan tỏa của các giá trị cốt lõi, của văn hóa doanh nghiệp Tân Hiệp Phát đã được Ban lãnh đạo Công ty ghi nhận. Một lần nữa, nó minh chứng cho khẳng định của Ban lãnh đạo Công ty: Dù bạn ở bất cứ nơi nào, bạn có làm thì lãnh đạo cũng sẽ biết, sẽ ghi nhận.

Bà Bích cho biết, ở Tân Hiệp Phát, luôn có sự ghi nhận những thành viên xuất sắc trong việc thực hiện các bộ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, với những câu chuyện như trên. Tại mỗi phòng họp công ty, đều sẽ có những bộ giá trị cốt lõi. Nó không chỉ để trưng bày, mà để mọi người đánh giá, soi chiếu các tình huống đưa ra trong cuộc họp có hành xử theo đúng giá trị cốt lõi hay không.

Đồng thời, sẽ có những phiếu phản hồi – mà lãnh đạo Tân Hiệp Phát gọi là “món quà phản hồi để cải tiến” – một đặc trưng của văn hóa Tân Hiệp Phát. “Nếu bạn làm tốt, sẽ nhận được phiếu phản hồi tích cực, cảm ơn vì bạn đã đóng góp và bạn đã hành xử theo giá trị cốt lõi. Còn khi các bạn không hành xử theo giá trị cốt lõi, đồng nghiệp ghi nhận được và có thể cho các bạn một phản hồi để bạn có cơ hội khắc phục” – bà Trần Ngọc Bích cho biết.

Tại Tân Hiệp Phát, ngoài việc truyền thông về văn hóa doanh nghiệp thì thường 6 tháng một lần, sẽ có những hoạt động rà soát thành tích, nhằm giúp cho các công nhân viên tự tin rằng khi bạn cố gắng thì ban lãnh đạo sẽ biết, sẽ ghi nhận, dù bạn ở bất cứ nơi nào.

“Như tôi đã chia sẻ là tôi ở rất xa so với nhà máy Number One Hà Nam, hay những nhà máy khác, nhưng khi biết việc các bạn nhân viên nêu trên, thông qua hệ thống network của công ty, tôi vẫn biết bạn đó là ai và có thể nói lời cảm ơn bạn đó.

Không chỉ vậy, những người mà được tập thể của họ, cộng đồng của họ ghi nhận, Tân Hiệp Phát cũng sẽ ghi nhận và sẽ ưu tiên đầu tư, các bạn sẽ được hỗ trợ để phát triển. Bạn có khả năng phát triển tới đâu thì công ty sẽ đầu tư cho bạn phát triển tới đó…” – lãnh đạo Tân Hiệp Phát chia sẻ thêm.

Bản lĩnh để chung sống cùng Covid-19

Theo bà Trần Ngọc Bích, Covid-19 là tình huống không riêng ở việt Nam, cũng không riêng gì công ty nào, đều là một thử thách lớn mà bất ngờ. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đều trăn trở về những khó khăn khi truyền thông văn hóa doanh nghiệp, khi mà mọi người không thể gặp nhau trực tiếp, thiếu gắn kết, phải thích nghi khi làm việc online…

Đối với các cá nhân, khi không có ai đốc thúc mình thì bản thân họ có thực hiện, có định hướng được những hành vi theo giá trị cốt lõi hay không. Đây mới là lúc để mà nhìn nhận, xác định xem văn hóa doanh nghiệp có thành công hay không.

Lãnh đạo và toàn bộ công nhân viên Tân Hiệp Phát đã lựa chọn “đối mặt” với Covid-19

Vậy làm thế nào để văn hóa doanh nghiệp có thể giúp cho một doanh nghiệp vượt qua khó khăn và bứt phá trong điều kiện hiện nay. Chia sẻ kinh nghiệm của một doanh nghiệp lớn, lãnh đạo Tân Hiệp Phát cho biết, doanh nghiệp xem Covid-19 như là một thử thách và hơn lúc nào hết, phải mang tinh thần “không gì là không thể” vào trong từng giải pháp để vượt qua thử thách này.

Theo đó, từ ngày 9/7 – là ngày TP.HCM thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp muốn sản xuất thì phải đảm bảo “3 tại chỗ”. Tiếp theo là Bình Dương và Hậu Giang cũng đặt yêu cầu tương tự.

“Đứng trước thử thách như vậy, chúng tôi đã họp lại, đặt vấn đề bây giờ chọn đối diện hay chọn đóng cửa cửa. Ban lãnh đạo đã đi tới tận nơi sinh hoạt để trao đổi với các anh em về những khó khăn trước mắt, xem anh em lựa chọn thế nào. Cũng rất ngạc nhiên là hơn 1.000 người đều chọn là sẽ cùng nhau đối diện. Chúng tôi đã quyết định nếu tất cả chọn đối diện thì chúng ta cùng đối diện.

Chúng tôi vẫn chọn phải đạt được những mục tiêu lớn, vẫn chọn phải hoàn thành kế hoạch, vẫn chọn tìm cách thích nghi với tinh thần “không gì là không thể” và cùng nhau tìm giải pháp để mà khắc phục các khó khăn, chinh phục các mục tiêu. Thông điệp mà lãnh đạo Tân Hiệp Phát truyền tải đến toàn bộ nhân viên, là thích nghi và tồn tại chung với với khủng hoảng và Covid-19.

Trong quá trình hoạt động, việc sắp xếp, phân công công việc phải liên tục cải tiến, liên tục chỉnh sửa. Rất nhiều khó khăn với tất cả các bộ phận, nhưng với tinh thần không gì là không thể, tinh thần mình phải là mình phải là trụ cột, mình phải là điểm dựa, thì mọi người cùng với nhau để mà tìm cái giải pháp, cùng nhau cải tiến liên tục để cho ra một phương án tối ưu cho tới nay” – bà Trần Ngọc Bích cho biết.

Với tinh thần “không gì là không thể”, Tân Hiệp Phát đã vượt qua thử thách để chung sống với đại dịch

Với tinh thần ấy, những ngày này, dù đối mặt không ít khó khăn khi phải “cắm trại” tại nhà máy, thì lãnh đạo, công nhân viên Tân Hiệp Phát vẫn không ngừng nỗ lực, tạo năng lượng tích cực để thích nghi, đảm bảo duy trì sản xuất.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nhận định đây sẽ là một cuộc chiến trường kỳ, có thể sẽ không chỉ 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng, nên từng “chiến sĩ” Tân Hiệp Phát luôn đặt mình vào tâm thế chủ động và sẵn sàng ứng phó trước những thay đổi của hoàn cảnh để bảo vệ “vùng xanh” Tân Hiệp Phát, duy trì sản xuất, kinh doanh và bản lĩnh để chung sống cùng đại dịch.

NGUỒN:  Theo Báo An Ninh Thủ Đô

Link bài: Lý giải…

https://anninhthudo.vn/ly-giai-ban-linh-chung-song-voi-dai-dich-covid-19-o-tan-hiep-phat-tu-cau-chuyen-van-hoa-doanh-nghiep-post481596.antd

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *