Diệu Ái/ Báo Phụ nữ Tp HCM
—–
Người ta thường nhiều cáu bẳn, bởi con cái không nghe lời, quậy phá, hoặc thở than vì nợ nần này nọ. Anh chị sống điềm nhiên, vui vẻ trong căn nhà bình thường, bỏ mặc xôn xao ngoài cổng.
Chị hơn tôi nhiều tuổi, nhưng lúc nào gặp chị, tôi cũng thấy tinh thần chị phơi phới, lạc quan, trẻ trung, năng động. Tôi thường ngưỡng mộ vợ chồng chị, họ không có một đứa con để gắn kết như bao vợ chồng khác, nhưng tình cảm giữa họ vẫn tha thiết dù đã bên nhau 15 năm.
15 năm có thể coi là dài. Bạn chị có người sớm lên chức bà nội, bà ngoại. Họ nhìn anh chị bằng vẻ ái ngại, thừa gièm pha, nhiều ác ý. Cái kiểu lo giùm như thể sau này về già ai chăm, tới khi chết thì ai nhang khói. Hay kiểu nói cạnh khóe anh chị ích kỷ, người ta kết hôn thì phải sinh con, để duy trì nòi giống, rồi vài ba tiếng nặng nề rằng “cây độc không trái, gái độc không con” cũng đôi khi thốt ra.
Có lần, người bà con còn ác ý, nói không khéo anh gửi ở đâu khác vài đứa con mà chị không hay. Chị bảo đã quen với kiểu đó rồi, nên gặp những người hay lo việc thiên hạ như vậy, chị chỉ cười bâng quơ thôi.
Thực ra anh chị tính hết rồi. Một lúc nào đó người này không thể lo nổi cho người kia thì đi viện dưỡng lão. Trời ơi, chị ghét cái tư tưởng sinh con để về già được báo đáp bằng nghĩa vụ. Rồi con lớn lên phải làm cái này cái kia vì lúc xưa cha mẹ không có điều kiện thực hiện. Đem tư tưởng này ra so mới biết ai ích kỷ hơn ai.
Suy cho cùng, việc sinh con là chọn lựa của mỗi người, cũng như việc lập gia đình lúc nào là quyền của họ. 30 tuổi chưa chồng bị xem như món hàng ế ẩm ngoài chợ. Cưới nhau về một năm chưa sinh em bé, vợ chồng trẻ chẳng dám đi đâu vì ngại những câu hỏi “sao lâu vậy?”, “sao chưa có gì?”.
Ai cũng lấy bản thân ra làm chuẩn, tự hào vì đã hoàn thành nghĩa vụ theo đúng tuần tự, và xem đó là thành công, là bình thường. Còn những người có lựa chọn khác đi là bất thường, là có vấn đề. Họ dùng ánh nhìn bất hạnh để đeo mang vào người khác.
Buồn cười nhất là bạn chị hay hỏi: “Nhà có hai người chắc buồn lắm?”. Thấy chị vui vẻ, họ nghĩ là sự cố gắng, màu mè. Chị bảo: “Ai uống nước thì tự mình biết độ nóng lạnh, đời mình vui buồn gì cũng tự mình biết, chẳng cần thiết phân bua giãi bày.
Không có con, anh chị lại càng thương nhau. Tình cảm đôi bên chẳng san sẻ cho ai. Anh hài hước, vui tính và chu đáo. Nhà hai người, đôi khi anh trêu đùa, bỡn cợt chị như con nít. Anh hay giỡn những trò ngoài sức tưởng tượng, chẳng hạn kẹp chị vào nách anh, mặc chị vẫy vùng la oai oái.
Có bữa, anh trèo lên mái nhà sửa đồ, chị nổi hứng cũng muốn trèo lên xem trên đó có gì hay. Anh lặng lẽ tuột xuống rồi cất thang, cho chị ngồi lửng lơ ôm chạc cây suốt mười phút. Đó, em bảo ở với người như vậy có buồn nổi không? À, lúc nào về nhà anh cũng đi rất nhẹ, không phải anh tạo bất ngờ gì đâu em. Anh hù chị đó. Trăm lần như một.
Hồi trước chị cũng ít bày trò, nhưng ở với người như vậy, chị trả đũa lại. Có lần, chị về nhà rồi núp sau cửa, hù anh một phát, sướng gì đâu…”. Tôi ngồi nghe chị kể chuyện mà cười nắc nẻ, chẳng thể tin nổi cặp vợ chồng qua tuổi tứ tuần có thể sống cùng nhau vui vẻ, rộn ràng như vậy.
Người ta ở độ tuổi này thường nhiều cáu bẳn, bởi con cái không nghe lời, quậy phá, hoặc thở than vì nợ nần này nọ. Anh chị sống điềm nhiên, vui vẻ trong căn nhà bình thường, bỏ mặc xôn xao ngoài cổng.
Nhiều đứa cháu của chị lập gia đình, nói rõ với cha mẹ là chưa muốn có con để tập trung sự nghiệp, vậy mà cứ hối thúc chúng nó phải đẻ. Lúc đẻ xong việc vẫn chưa lo tới, con cái mè nheo, mâu thuẫn nảy sinh rồi ai đi đường nấy. Rồi lại chia con, lại làm vỡ nát tâm hồn con trẻ.
Sinh rồi nuôi dạy một đứa con đâu đơn giản. Mình sinh con ra là tạo nên một cuộc đời mới, góp phần tốt đẹp cho xã hội và cho cả cuộc đời đó, chứ đâu phải cho riêng mình. Con đem đến niềm vui, đồng ý, nhưng không phải không có con thì không vui.
Giữa thế gian này còn bao nhiêu niềm vui khác. Có thể có người sẽ thấy hạnh phúc được làm cha mẹ là hạnh phúc không thể so sánh được. Ừ, họ chạm được cái hạnh phúc lớn nhất đó thì vợ chồng chị chạm vào hạnh phúc thứ nhì, thứ ba vậy. Cái thứ hai, thứ ba của họ với chị là thứ nhất, vậy ổn rồi. Hạnh phúc có muôn vàn kiểu, mỗi người lại mỗi góc độ cảm nhận.
Rốt cuộc, con cái không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự tồn tại hay đo độ hạnh phúc lâu bền của một cuộc hôn nhân. Với chị, có con hay không, miễn hạnh phúc là được.
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Miễn hạnh phúc…
https://www.phunuonline.com.