Mơ hồ về chính sách

Cẩm Hà/ VNExpress


Từ năm ngoái, tôi và nhiều đồng nghiệp trong ngành tư vấn chính sách và pháp lý ghi nhận khối lượng công việc tăng vọt.

Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với Indonesia để trở thành nước thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai trong ASEAN, sau Singapore.

Theo công bố mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nửa đầu 2022, Việt Nam hút hơn 14 tỷ USD vốn FDI, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam (VAFIE) đánh giá, Việt Nam thu hút dòng vốn từ khu vực Đông và Đông Nam Á tốt hơn, do gần gũi về địa lý, phong tục và văn hóa. Trong khi đó, dòng vốn từ Mỹ và các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức thấp hơn do nhiều vấn đề như Việt Nam thiếu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính rườm rà, chính sách chậm chạp, thiếu rõ ràng…

Chúng tôi liên tục được đề nghị tìm hiểu, làm rõ các quy định, chính sách phục vụ hoạt động thâm nhập thị trường hoặc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, một phần do các chính sách, văn bản hướng dẫn pháp luật chậm ban hành, không theo kịp thực tiễn. Chẳng hạn, ngành năng lượng hai năm qua ngóng Quy hoạch điện VIII – dự thảo vẫn đang tiếp tục được Bộ Công thương nghiên cứu, bổ sung.

Ngành công nghệ tài chính (fintech) cũng “chơi vơi”. Năm 2015, tôi tham gia tổ chức buổi ra mắt của Câu lạc bộ Fintech Việt Nam tại TP HCM, nền móng của cộng đồng fintech Việt hiện nay, với gần 6.000 thành viên. Đến nay, đã bảy năm trôi qua, các nhà đầu tư fintech vẫn chưa có nổi một cơ chế thử nghiệm (sand box) cho họ. Nghị định kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính do Ngân hàng Nhà nước chủ trì vẫn đang trong vòng lấy ý kiến.

Những ngành đã có cơ sở pháp lý để tham khảo lại gặp rắc rối khác, liên quan đến sự rõ ràng, mạch lạc của các văn bản. Chẳng hạn, một nhà đầu tư lĩnh vực y tế đã rất bối rối trước yêu cầu công khai giá vốn trang thiết bị y tế theo Nghị định 98 ban hành năm ngoái, vì giá vốn nhập khẩu là thông tin được bảo mật theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thống kê cho thấy, trung bình, mỗi luật sẽ kéo theo gần bảy nghị định và 26 thông tư để đi được vào thực thi.

Theo quan sát của tôi, nhà đầu tư đa phần đồng tình với tinh thần cải cách mà các bộ luật gần đây hướng tới, tuy nhiên, chất lượng các quy định chi tiết thường gây tranh cãi. Nhiều nghị định vừa ra đời không lâu cơ quan ban hành đã vội vã sửa do vấp phải phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp. Địa phương thường phải xin hướng dẫn thực hiện các thông tư vừa ban hành; còn các doanh nghiệp phải tìm đến các đơn vị tư vấn chính sách và pháp lý như chúng tôi để được làm rõ các điểm mờ trong công văn, hướng dẫn.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, nguyên nhân một phần bởi quy trình ban hành thông tư chủ yếu thực hiện giữa các đơn vị chuyên môn của bộ, kém minh bạch hơn so với quy trình ban hành nghị định, luật và pháp lệnh.

Một chính sách được coi là hiệu quả khi có sự đồng thuận cao của các bên liên quan, được đánh giá tác động đầy đủ và tính toán kỹ lưỡng về chi phí thực thi và tuân thủ. Theo quy định, các bộ ngành đều lấy ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường chỉ có cơ hội góp ý phiên bản đầu, còn việc tiếp thu ý kiến tới đâu không có cơ chế giải trình, giám sát.

Bộ Tư pháp vừa chủ trì hội nghị triển khai đề án tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội. Trước đó, Cổng Xây dựng chính sách, pháp luật của chính phủ chính thức khai trương. Các bước đi này thể hiện sự chủ động của cơ quan quản lý trong việc nâng cao tính minh bạch của quá trình xây dựng pháp luật, thúc đẩy sự tương tác giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo nhằm cải thiện môi trường pháp lý của Việt Nam.

Tuy nhiên, chất lượng chính sách chỉ có thể được cải thiện khi cách tiếp cận trong công tác quản lý thay đổi: từ kiểm soát sang điều tiết; từ xin-cho sang hỗ trợ. Sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam kéo theo khối lượng công việc khổng lồ nhằm hoàn thiện các hành lang chính sách, từ các lĩnh vực truyền thống tới lĩnh vực mới chưa từng có tiền lệ.

Khi doanh nghiệp nước ngoài còn mơ hồ về các vấn đề chính sách, họ sẽ ngần ngại đầu tư, gây trở ngại cho mục tiêu đưa Việt Nam thành nước thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai trong ASEAN.

Nguồn: https://vnexpress.net/mo-ho-ve-chinh-sach-4481763.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *