Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác Dr Thanh,
Hôm nay ngày đầu năm mới 2019 cháu xin gởi tới bác và Đại gia đình Tân Hiệp Phát lời chúc năm mới sức khoẻ- hạnh phúc- an khang thịnh vượng.
Cháu là một Startup ngành thực phẩm, rất gần ngành nước giải khát của bác. Tuy mới lập nghiệp nhưng nhiều người cứ bảo cần phải nắm chắc tái cấu trúc. Tại sao Startup cần phải nắm chắc được tái cấu trúc khi mới bắt đầu abc trong khởi nghiêp, điều đó có cần không ạ?
Rất mong bác trả lời để sáng tỏ ạ.
Kính chúc bác vui khoẻ hạnh phúc.
Trần Huyền Mi (SàiGon): mihamtido1989@gmail.com
—–
Trần Huyền Mi mến! Cho dù là mới lập nghiệp, thì cháu cũng là một ông bà chủ điều hành một doanh nghiệp. Thương trường không cần biết cháu mới hay cũ, mà là một đối thủ. Vì vậy, đã bước chân ra thương trường, thì phải tự trang bị thật đầy đủ các kỹ năng và bản lĩnh để tồn tại, không thì sẽ thất bại.
Và kiến thức về tái cấu trúc doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết, có thể cháu không sử dụng ngay, nhưng sẽ có lúc phải dùng. Cho nên, ngay từ đầu, việc nghiên cứu để nắm chắc về tái cấu trúc là không thừa, càng nghiên cứu sâu, càng chín chắn thì khi thực hiện tái cấu trúc, khả năng thành công càng cao.
Ai cũng có thể nói đến tái cấu trúc, nhiều doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc, nhưng không phải ai cũng thành công, thậm chí doanh nghiệp bị suy thoái hơn trước khi tái cấu trúc. Nguyên nhân là không nắm chắc được về tái cấu trúc, trên cơ sở khoa học cũng như thực tiễn.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là nắm chắc như thế nào?
Nắm chắc trước hết là biết khi nào doanh nghiệp cần phải thực hiện tái cấu trúc, tiếp theo là thực hiện quy trình như thế nào?
Trong các doanh nghiệp Startup, ban đầu thường vận hành theo kiểu gia đình, nhóm bạn bè, nên nền quản trị điều hành theo phong cách quan hệ thân quen hơn là một tổ chức chuyên nghiệp. Điều này cần phải thay đổi, đó là tái cấu trúc về mặt nhân sự.
Ban đầu, có thể phương thức sản xuất hay buôn bán nhỏ lẻ, tự phát, thiếu bài bản, thì cần phải tái cấu trúc để hoạt động sản xuất kinh doanh có tính hệ thống mới có thể mở rộng quy mô, phát triển thị trường. Như trong ngành thực phẩm của cháu, nếu không có một hệ thống phân phối chuyên nghiệp và cách thức vận hành hiện đại, thì sẽ không thể phát triển.
Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh theo quy mô lớn hơn, thì bắt buộc phải tái cấu trúc để xây dựng hệ mô hình quản trị phù hợp, đó là quy luật của phát triển. Một hệ thống tương thích gồm con người, quy mô và hình thức sản xuất, cùng với hệ thống quản trị điều hành. Một trong ba khâu chủ chốt này lạc hậu, thì guồng máy không thể chạy.
Quá trình tái cấu trúc tùy thuộc vào mục tiêu đặt ra của từng doanh nghiệp, nhưng bắt buộc phải tuân thủ các bước đi rất khoa học. Đó là phân tích nguồn lực, tìm ra khoảng trống năng lực của từng cá nhân, từng bộ phận, phân tích nhu cầu và dự báo thị trường, nắm bắt khoa học quản trị tiên tiến, đầu tư công nghệ mới, và tất nhiên là không thể quên yếu tố nguồn lực tài chính.
Thiếu các kết quả phân tích đó, không thể tái cấu trúc thành công.
Khi nắm chắc được các nghiên cứu, phân tích về nguồn lực doanh nghiệp, thì từng bước thực hiện, chắc chắc, tự tin, đem lại kết quả cao nhưng tiết kiệm được thời gian và tài chính.
Nếu cần, doanh nghiệp có thể mời chuyên gia tư vấn từng lĩnh vực trong quá trình tái cấu trúc, được như vậy thì tránh được những sai lầm dẫn đến thất bại.
Hãy học về tái cấu trúc ngay từ bây giờ, để cháu sử dụng trong tương lai.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)