Chính quyền TP.HCM đã đọc lời xin lỗi Chính phủ, Thủ tướng, người dân thành phố, đặc biệt là những công dân nằm ngoài ranh quy hoạch tại khu vực 4,3ha (thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2) bị cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật để xây khu đô thị mới Thủ Thiêm. Như vậy, nội dung 10 trang kết luận kiểm tra mà TTCP công bố, có thể hiểu là đã có giá trị pháp lý mà không cần phải tranh cãi.
Công việc dọn dẹp “di sản” mà nhiều thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm để lại trên bán đảo Thủ Thiêm được giao cho các lãnh đạo mới tại TP.HCM.
Khoanh vùng
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến tháng 10.2011, có một số khoản hỗ trợ được (UBND TP.HCM) vận dụng không có trong quy định như: hỗ trợ tái định cư bằng tiền 11.931,53 tỉ đồng, hỗ trợ tạm cư 25,93 tỉ đồng; bố trí căn hộ, đất nền cho các hộ dân tái định cư vượt tiêu chuẩn 22.233,95m2. Vận dụng không có trong quy định nên được hiểu như thế nào? Câu hỏi này chưa được thảo luận thấu đáo trong phiên họp báo tại trụ sở UBND TP.HCM sáng 21.9.
Hiện Thủ Thiêm còn khoảng 100 hồ sơ khiếu nại, chủ yếu liên quan đến khu đất 4,3ha, là những trường hợp mà UBND.TPHCM tập trung giải quyết. “Đối với những hộ dân đã di dời đến nơi ở mới, đã nhận tiền tái định cư, hỗ trợ an cư và TP.HCM đã làm đúng chính sách thì không hồi tố” – báo Thanh niên dẫn lời Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.
Sau khi có Quyết định 367/QĐ-TTg (4.6.1996) và văn bản số 190/CP-NN (22.2.2002) phê duyệt quy hoạch khu tái định cư, UBND TP.HCM đã giao đất cho 51 dự án (tổng diện tích 144,6ha), dẫn đến hậu quả là không có đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Nói về quyền lợi của nhà đầu tư, ông Tuyến cho biết dự án nào đã giao đất và đã triển khai thì tiếp tục triển khai, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và khách hàng đã mua nhà, đất dự án đó. Những dự án giao đất mà không triển khai, TP.HCM sẽ thu hồi và bán đấu giá nhằm bổ sung nguồn tiền để khắc phục hậu quả thiệt hại cho những hộ dân có liên quan ở Thủ Thiêm.
Như vậy, một phần công sản sẽ được sử dụng để “trả giá” cho các sai phạm của một số cá nhân mà UBND TP.HCM “đảm bảo sẽ công khai danh tính sau khi có kết luận”.
Trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính trị
Thủ Thiêm như “vừa trải qua một trận ném bom thời chiến” là nhận xét của ông Võ Viết Thanh, cựu chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ đầu tiên (1997-2001) kể từ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996. Thực tiễn có phần nghiệt ngã hơn. Bom đạn có thể giật sập nhà cửa nhưng đất đai không bị truất hữu. Tức là trên cái nền đổ nát, dân vẫn có thể dựng tạm nóc lều che mưa che nắng. Nhưng những gì đã diễn ra khiến hàng trăm gia đình phải ly tán. Thủ Thiêm là một tình huống điển hình về sự tùy tiện của chính quyền địa phương trong quá trình đô thị hóa, thực thi công vụ trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng và lâu dài.
Thực tế, người dân Thủ Thiêm từng có cơ hội chấm dứt kiếp nạn cách nay 10 năm. Theo TTCP, việc chấp hành quy định pháp luật về trình tự, thủ tục triển khai giải phóng mặt bằng của Thành phố, trực tiếp là quận 2 có trường hợp chưa đầy đủ, chưa đúng quy định như: không lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng; Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng đã căn cứ vào quy định của UBND TP.HCM ban hành kèm theo các quyết định số 135/2002/QĐ-UB, số 123/2006/QĐ-UBND và số 06/2009/QĐ-UBND để lập bản chiết tính, dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho từng tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất mà không lập phương án tổng thể để làm cơ sở thanh, quyết toán kinh phí bồi thường.
Phương án tổng thể được định nghĩa tại khoản 2 điều 39 Luật Đất đai 2003, nói rằng trước khi thu hồi đất, chậm nhất là chín mươi ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho người bị thu hồi đất biết lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Theo điều khoản này, việc UBND TP.HCM không lập phương án tổng thể trước khi tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất là trái luật.
Những định chế sẵn có như tòa hành chính không đủ thẩm quyền, chuyên môn, sự độc lập để giải quyết những xung đột như Thủ Thiêm, bị tác động bởi lợi ích kinh tế đan xen quyền lực chính trị. |
Ngày 22.9.2008, UBND TP.HCM ban hành văn bản số 549/UBND-PCNC-M gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất không phải lập phương án tổng thể và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại văn bản số 977/VPCP-KNTN ngày 3.10.2008. Không phải UBND TP.HCM không biết đã làm trái quy định pháp luật. Nhưng thay vì cầu thị sửa sai, pháp nhân công quyền này lại tìm cách “hợp thức hóa” bằng văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Luật Tổ chức Chính phủ 2001 quy định quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng về đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ “… quyết định, chỉ thị của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên”. Ở chiều ngược lại, Thủ tướng không có thẩm quyền cho phép chủ tịch, UBND cấp tỉnh, thành phố làm trái luật.
Nhưng, được văn bản đồng ý của Thủ tướng, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành QĐ06/2009 như đã nêu. Luật Đất đai bị vô hiệu hóa không chỉ bởi bàn tay của chính quyền địa phương, mà còn có trách nhiệm tiếp tay từ chính quyền trung ương. Nếu Chính phủ thời điểm đó thực hiện tròn vai người kiểm soát, buộc hệ thống chính quyền địa phương tuân thủ pháp luật, tấn bi kịch Thủ Thiêm biết đâu đã dừng lại từ 2008, với cả dân lẫn chính quyền.
Nhiều người dân oan khuất ở Thủ Thiêm đã vận dụng triệt để trình tự pháp lý, từ khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, thậm chí kết hợp với những biện pháp có tính “cùng đường”. Trong nhiều năm, nhiều người dân Thủ Thiêm dắt díu nhau đội đơn ra Hà Nội, hình thành một “làng Thủ Thiêm” liền kề trụ sở Ban Tiếp công dân trung ương là một chỉ báo tuyệt vọng về niềm tin công lý vào chính quyền thành phố.
PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, bình luận: “Những vướng mắc của người dân để quá lâu không được giải quyết sẽ thách thức tính chính danh của chính quyền, làm nghiêng ngả niềm tin của người dân đối với các chính sách, xói mòn vốn xã hội hay niềm tin của người dân vào chính quyền. Đây là nguy cơ rất lớn, được nhìn nhận trong vài năm gần đây và trong bối cảnh đó, vụ việc được xem xét lại”.
Thực tế là đến nay, người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế thu hồi đất hầu như không có ưu thế mỗi khi đáo tụng đình. Những định chế sẵn có như tòa hành chính không đủ thẩm quyền, chuyên môn, sự độc lập để giải quyết những xung đột như Thủ Thiêm, bị tác động bởi lợi ích kinh tế đan xen quyền lực chính trị. “Nếu chỉ dựa vào khung pháp lý thì không đủ để giải bài toán Thủ Thiêm. Thậm chí không đủ để hiểu tình huống này”, ông Nghĩa lưu ý.
Quá trình quy hoạch, xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm kéo dài hơn hai thập niên, trải qua bốn nhiệm kỳ chủ tịch, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, trên diện rộng, lâu dài. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm pháp lý của những cá nhân trong bộ máy chính quyền nên được xem là chuyện bình thường. “Chính quyền không thể thuyết phục được nhân dân nếu không đánh giá lại những hành vi trong quá khứ. Niềm tin phải bắt đầu từ những hành vi như vậy. Thiếu sự dũng cảm, thành thật thì đừng mong có niềm tin”, ông Nghĩa nói.
Với vai trò lãnh đạo toàn diện, Đảng bộ TP.HCM cũng khó thoái thác trách nhiệm.
Người dân muốn đối thoại với chính quyền về biện pháp sửa sai Ông Bùi Quốc Toản (khu phố 1, phường Bình An, quận 2): “Mới đáp ứng được 30% mong mỏi của bà con” Kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ công bố chỉ mới đáp ứng được 30% mong mỏi của bà con. Kết luận này, thậm chí có những phần chưa được nói đến, như kết luận Thanh tra TP.HCM (công bố năm 2008), cụ thể 4,3 ha đang nói tới của xã An Khánh, huyện Thủ Đức (nay thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2) nằm ngoài 930 ha theo Quyết định 367 Thủ tướng đã phê duyệt. Còn người dân thuộc 5 khu phố đang đấu tranh về việc đất của họ nằm ngoài khu trung tâm, ngoài quyết định thu hồi đất ngày 10.5.2002, và ngoài ranh giới vị trí khu đất thu hồi trên bản đồ 02B. Điều này thì hoàn toàn chưa đề cập đến. Về 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm mà vẫn bị thu hồi, hiện còn một hộ duy nhất đó là nhà ông Đại tá Hải chưa bị cưỡng chế. Gia đình ông ấy có hai người mẹ Việt Nam anh hùng (mẹ ruột và mẹ vợ). Còn lại, hơn 100 hộ trong khu này đã bị cưỡng chế. Số hộ này hiện chưa nhận tiền bồi thường, cũng như chưa nhận căn hộ tái định cư. Để xử lý đúng các sai phạm liên quan đến vấn đề đất đai ở khu đô thị mới Thủ Thiêm đúng quy định của pháp luật, cần phải tiếp tục đối thoại với dân để từ đó làm rõ từng vấn đề mà người ta đang khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo…
Ông Lê Văn Lung (đường Trần Não, khu phố 1, phường Bình An, quận 2): “Cần hoán đổi đất có giá trị tương đương” Là một hộ dân nằm trong khu 4,3 ha, tôi thấy đáng ra lãnh đạo Thành phố phải tổ chức gặp mặt, tiếp xúc và xin lỗi trực tiếp với toàn thể người dân. Sau lời xin lỗi của UBND TP.HCM hôm 21.9, tôi thấy còn lấn cấn nhiều vấn đề. Lãnh đạo Thành phố chưa nói cụ thể về việc giải quyết quyền lợi cho các hộ dân 5 khu phố. Tôi cũng có nhiều bức xúc, nhưng thực tế có nhiều bà con còn bức xúc hơn, tôi nghĩ để đảm bảo quyền lợi cho họ nên uyển chuyển bằng cách hoán đổi đi nơi khác. Ở đây không nên dùng từ “bồi thường hỗ trợ tái định cư”, vì cụm từ này chỉ áp dụng trong trường hợp nằm trong quy hoạch. Như vậy, cần hoán đổi cho bà con đi nơi khác với giá trị tương đương. Ở đây không phải là áp đền bù theo giá thị trường. Bởi giá thị trường Nhà nước bồi thường khác giá thị trường kinh doanh buôn bán thực tế ở ngoài. Bắt dân phải theo giá bồi thường do thành phố lập là ép dân lần nữa! |