Mong có Bộ trưởng rành sông nước miền Tây

Trần Hoàng Ngân – (ĐB Quốc hội TP.HCM)/ Báo Tuổi Trẻ

Với người dân ĐBSCL, hẳn ai cũng mong có tư lệnh lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn giúp họ thay đổi cuộc đời. Đó phải là người rành rẽ sông nước và con người miền Tây.

Vài ngày nữa, khi kết thúc kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, đồng bào cả nước sẽ biết được các gương mặt mới của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ. Người mới hứa hẹn sẽ có quan điểm mới, phong cách mới, giải pháp và cách điều hành mới. Người dân cũng có hi vọng mới. 

Dù lạc quan nhất, cũng phải thừa nhận ĐBSCL đang là vùng trũng về phát triển kinh tế – xã hội. Hạ tầng giao thông còn thiếu thốn. Hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện… dù được đầu tư nhưng vẫn còn nghèo nàn. 

Nguồn nhân lực chưa thể bằng nhiều khu vực khác và miền Tây không phải là nơi hội tụ của nhân tài cả nước. Người miền Tây chưa ra khỏi cảnh được mùa mất giá. 

Thu nhập bình quân đầu người tại đây là 54 triệu đồng/người/năm, trong khi cả nước là 64 triệu đồng/người/năm. Một bộ phận người miền Tây không thể sống với đồng ruộng đã khăn gói tha phương cầu thực.

Chưa hết, ĐBSCL đang đối mặt với những thay đổi của thiên nhiên. Thời gian qua, những nỗ lực thay đổi cuộc sống người dân ĐBSCL là rất lớn nhưng còn quá nhiều việc phải làm. 

Đó là đưa miền Tây trở thành một cực phát triển của quốc gia. Phải tạo ra nhiều cơ hội làm giàu ngay tại vùng sông nước này. Biến miền Tây thành nhà máy kỹ thuật cao chuyên sản xuất cái ăn, thức ăn ngon và nhiều sản phẩm khác từ nông nghiệp cho cả thế giới. Có vậy, người miền Tây mới khấm khá, làm giàu, sánh vai với nhiều khu vực khác trong cả nước, không phải khăn gói ra đi kiếm sống…

ĐBSCL lại đứng trước thách thức mới. Đó là cơ hội đang đến với người dân ĐBSCL khi những tuyến đường cao tốc đang được nối dài đến miền Tây. 

Và còn nhiều kết nối khác để đường về miền Tây luôn thông thoáng. Không còn đò giang cách trở, doanh nghiệp, cơ hội làm giàu sẽ kéo về miền Tây. Nhưng làm gì để người dân nơi này phải là những người đầu tiên tận dụng được cơ hội đổi đời cũng quan trọng không kém.

Làm sao để miền Tây không chỉ thu hút được nhân tài các nơi đổ về cùng giúp người miền Tây khai thác tiềm năng, cùng làm giàu mà còn kéo người dân đang tứ xứ kiếm sống trở về quê nhà. 

Nhiệm vụ lớn nhất là không để người miền Tây với hai tay trắng nhìn cơ hội đang đến với vùng đất này trôi qua.

Vì vậy, rất cần có được một bộ trưởng – tư lệnh ngành nông nghiệp gánh trọng trách biến giấc mơ, khát vọng của người dân ĐBSCL thành hiện thực. 

Người đó có am hiểu sông nước và con người miền Tây mới thấu hiểu những gì mà xứ này sẽ phải đối mặt, từ đó tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội những quyết sách tối ưu để người miền Tây sống tốt với biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội làm giàu…

Một bộ trưởng nông nghiệp và phát triển nông thôn không chỉ chăm lo cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cả nước mà phải đặt ưu tiên cho những trường hợp đặc biệt, đứng đầu trong những trường hợp đặc biệt ấy chính là ĐBSCL, nơi có 20 triệu người đang sinh sống, là “niêu cơm” nuôi sống không chỉ người Việt mà còn hàng triệu triệu người trên thế giới. 

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, hãy xây dựng thương hiệu đó từ ĐBSCL. ĐBSCL giàu, người ĐBSCL phải khấm khá. Là đại biểu Quốc hội, tôi mong muốn trong thành viên Chính phủ có được bộ trưởng nông nghiệp và phát triển nông thôn như thế.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Mong có…

https://tuoitre.vn/mong-co-bo-truong-ranh-song-nuoc-mien-tay-2021032907314614.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *