Một người tài ra đi sẽ để lại một khoảng trống

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo Kinh tế & Đô Thị

Tuần qua báo chí đưa tin ở một tỉnh miền Trung, có 4 “nhân tài” được cấp học bổng du học theo đề án đào tạo nguồn nhân lực nhưng không trở lại làm việc. Đây không phải là trường hợp đầu tiên, một số địa phương từng xảy ra tình trạng tương tự.

TPHCM cũng có đề án đào tạo nhân tài và cũng có nhiều trường hợp, sau khi đi học về, vào làm việc ở cơ quan nhà nước một thời gian thì bỏ việc.

Xin không bàn đến từng trường hợp cụ thể, họ là con cháu ai, cứ tạm cho tất cả đều là nhân tài thực sự, để lý giải cho hiện tượng bỏ sở làm. Câu trả lời rất đơn giản vì họ không có môi trường làm việc phù hợp với năng lực của họ, cụ thể là bốn lý do như sau:

– Du học về, được bố trí vào cơ quan nhà nước, lương chỉ ba đồng ba cọc không đủ nuôi gia đình, đương nhiên họ phải bỏ việc.

– Làm việc trong môi trường mà cơ hội thăng tiến không phải đo bằng tài năng mà bằng quan hệ hoặc phải xếp hàng theo kiểu sống lâu lên lão làng.

– Điều kiện và phương pháp làm việc, hệ thống quản lý lạc hậu, thủ công, không phát huy được hết khả năng. Không tạo ra không gian làm việc nhóm, cách thức mà họ được học ở các nước tiên tiến.

– Môi trường làm việc không có động lực cho sáng kiến, sáng tạo mà chỉ tuân thủ theo khuôn mẫu định sẵn.

Các bạn sẽ cho rằng đó là hệ thống nhà nước không phải doanh nghiệp, nhưng xin thưa rằng, ở môi trường nào, thu hút và sử dụng nhân tài cũng như nhau về nguyên tắc chung.

Đừng tưởng rằng môi trường doanh nghiệp hiện nay không tồn tại những tư duy lạc hậu, quản trị theo kiểu “não trạng bao cấp”, vẫn còn bảo thủ trong quản trị nhân sự, thiếu động lực để giữ chân nhân tài.

Theo thống kế của một công ty dịch vụ nhân sự, mức độ rời bỏ công ty trong một năm ở Việt Nam tính từ 2014 trung bình trên 14%. Nhưng ở quý 1 năm 2019 khoảng 26%.

Với kinh nghiệm làm chủ doanh nghiệp mấy chục năm, tui thấy tỉ lệ này hết sức bình thường. Trong số đó, có nhiều người vì lý do cá nhân, không phải có nguyên nhân từ công ty. Có người thay đổi chỗ ở nên chọn nơi làm mới, có người đi học, có người tìm một suất lương cao hơn…Tất cả là quy luật của thị trường lao động, doanh nghiệp nào cũng có phương án để chủ động điều chỉnh những xáo trộn về nhân sự, trong đó chủ yếu là công nhân.

Điều mà chủ doanh nghiệp cần quan tâm chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, hay còn gọi là nhân tài của công ty. Với những người này, đi một người là để lại một khoảng trống, là thiệt hại thực sự cho doanh nghiệp. Cho nên, chủ doanh nghiệp cần phải có chính sách để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực này.

Các bạn sẽ hỏi làm bằng cách gì?

Hãy làm ngược lại với bốn gạch đầu dòng mà tui đã nêu trên.

Sài Gòn ngày 15/12/2019

TQT

5/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *