Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác,
Cháu là một CEO ở miền Trung. Cháu không được tham gia nhiều cuộc giao lưu của bác với các CEO trẻ. Quả thật rất thiệt thòi. Vì vậy, cháu chỉ còn cách theo blog của bác để giao lưu với bác.
Câu hỏi của cháu là: Doanh nghiệp quản trị tài sản trí tuệ thế nào cho hiệu quả?
Cháu cũng đã nghe nhiều chuyên gia nói chuyện về đề tài này rồi nhưng cháu muốn được nghe chính ý kiến của bác. Mong bác trả lời.
Kính bác
Trần Quyết Tiến (Tp Vinh): songvayeu17@gmail.com
—–
Cháu Trần quyết Tiến mến!
Muốn biết cách quản trị tài sản trí tuệ thì trước hết phải hiểu một cách đầy đủ về nguồn tài sản này.
Trước đây, người ta xem tài sản của doanh nghiệp là những tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc thiết bị, vốn tích lũy.
Trên thực tế, có những doanh nghiệp, giá trị tài sản hữu hình rất thấp, nhưng giá trị thương hiệu rất cao, được định giá cao vượt gấp nhiều lần giá trị vật chất.
Giá trị ngoài giá trị vật chất chính là tài sản trí tuệ.
Thương hiệu của một doanh nghiệp là tài sản trí tuệ, nó là một tài sản vô hình nhưng được thị trường thừa nhận. Thương hiệu được xác tín từ quá trình xây dựng, phát triển của doanh nghiệp và những giá trị tốt đẹp mà doanh nghiệp đó mang đến cho cộng đồng.
Để làm nên tài sản doanh nghiệp chính là con người, hay nói cách khác con người là tài sản của doanh nghiệp. Con người là nguồn vốn trí tuệ của một doanh nghiệp, nguồn vốn đó được xác định bởi những sản phẩm trí tuệ cụ thể, đó là những phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích áp dụng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Mà đã là tài sản, thì dù ở dạng nào cũng cần có sự quản trị, vậy thì khi cháu là CEO, cháu phải xây dựng hệ thống quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp.
Trước hết cháu phải có chính sách tốt để giữ chân người tài, họ là những bộ óc thực sự của doanh nghiệp, là tài sản của doanh nghiệp. Khai thác và sử dụng nguồn vốn trí tuệ này phải phù hợp, tạo điều kiện tối đa để họ có nguồn cảm hứng sáng tạo, có không gian sáng tạo để họ phát huy tối đa sức tưởng tượng của mình.
Khi có những sản phẩm trí tuệ do sự hợp tác của các cá nhân trong doanh nghiệp tạo ra, thuộc chương trình nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, thì phải thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản đó mà pháp nhân là doanh nghiệp. Khi xác định được tính pháp lý của các tài sản trí tuệ, thì đó là căn cứ để định giá doanh nghiệp.
Các tài sản trí tuệ đó sau khi được quản trị tốt thì phải được đưa ra kinh doanh, hợp tác làm ăn với các đối tác, trong quá trình đó tài sản trí tuệ cũng phải được quản trị, không để thất thoát.
Bác chia sẻ với cháu những kiến thức căn bản về quản trị tài sản trí tuệ, cháu dành thời gian nghiên cứu sâu thêm nhé.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)